back to top
23 C
Hanoi
Wednesday, 4 December, 2024
Trang chủVăn học Nghệ thuậtDiễn đàn & Lý luậnTừ những ý kiến sâu sắc, quý báu của Tổng Bí thư...

Từ những ý kiến sâu sắc, quý báu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa, văn nghệ

Thời học phổ thông tại quê nhà, anh Nguyễn Phú Trọng học giỏi môn Văn, mơ ước lớn lên được làm các công việc gắn bó với văn chương, báo chí. Anh trở thành sinh viên đại học khoa Ngữ văn khóa VIII Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng học với chúng tôi suốt trong 4 năm, từ 1963 đến 1967. Lúc này năng khiếu tiềm ẩn về văn chương của anh đã bộc lộ: anh có chùm thơ với ngòi bút chững chạc, cảm xúc thăng hoa đăng trên “Tập san nội bộ” viết tay của lớp năm 1967; bảo vệ xuất sắc Luận văn tốt nghiệp Đại học Ngữ văn rồi trên cơ sở đó, công bố bài nghiên cứu, phê bình văn học đặc sắc có nhiều tìm tòi mới mẻ, nhan đề “Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu” in trên “Tạp chí Văn học” số tháng 11/1968.

Cùng với chúng tôi trong những giờ lên lớp nghe các thày cô giảng bài, kho tàng kiến văn về văn hóa văn nghệ dân tộc và nhân loại đã mở ra cho anh Trọng và chúng tôi một chân trời rộng lớn, bao la của những giá trị Chân, Thiện, Mỹ, làm cho đời sống tinh thần của con người thêm phong phú, hài hòa, cao đẹp.

Những năm tháng tuổi trẻ ấy quả là cần thiết, giúp anh tích lũy một khối lượng tri thức thấm nhuần những quan điểm mỹ học của chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ. Và rồi, ra trường tiếp tục rèn luyện và tự học, lần lượt trên các cương vị công tác: nhà báo Đảng, nhà tư tưởng, nhà quản lý, lãnh đạo giữ những cương vị cao: Ủy viên thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư của Đảng, Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có dịp thay mặt Đảng và Nhà nước phát biểu những ý kiến quan trọng giúp vào sự quán triệt và phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; tư tưởng văn hóa, văn nghệ Hồ Chí Minh được tập hợp vào cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản tháng 6/2024. Trọng tâm cuốn sách giới thiệu 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, thư, bản lược ghi, bài trả lời phỏng vấn… từ năm 1968 đến nay của đồng chí Nguyễn Phú Trọng liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Qua những bài nói, bài viết, đồng chí đã thể hiện sự am hiểu thấu đáo và tầm nhìn chiến lược nhạy bén về những vấn đề then chốt nhất của sự lãnh đạo và phát triển văn hóa, văn nghệ cùng những gợi ý thiết thực để thực thi có hiệu quả xây đắp nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam hằng mong mỏi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Ảnh tư liệu

Tại Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Viện Văn học (12/1999); 70 năm Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (8/2018); Hội nghị văn hóa toàn quốc (11/2021); đồng chí đã trình bày tổng kết và nhấn mạnh, phát triển các tư tưởng, quan điểm thuộc đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở các khía cạnh sau:

– Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận, một vũ khí sắc bén của cách mạng vô sản, phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Vì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

– Đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là: dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Đó là sự tiếp tục và phát triển 3 nguyên tắc xây dựng văn hóa mới: dân tộc, khoa học, đại chúng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam từ năm 1943, thực hiện nhất quán đến nay.

– Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn.

– Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

– Các nhà văn hóa, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ là lực lượng chủ lực những chủ thể sáng tạo hiếm có. Tự do sáng tạo đi đôi với nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của văn nghệ sĩ tâm huyết với tiền đồ đất nước.

– Văn nghệ sĩ ngày nay phải cố gắng vượt qua mọi thử thách, khó khăn để khởi sắc, chấn hưng, xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam mới làm vẻ vang nòi giống, từng bước vững chắc hội nhập với văn minh nhân loại.

– Tôn trọng đặc thù của tác phẩm văn nghệ và đội ngũ văn nghệ sĩ trong đời sống và lao động sáng tạo thăng hoa, bền bỉ.

– Văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình. Đúng như Bác Hồ nói: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.

– Văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao tầm vóc con người, chứ không thu hẹp chỉ là nơi giãi bày tâm trạng của cá nhân hoặc hạ thấp con người. Văn hóa phải “đi sâu vào tâm lý quốc dân” như Bác Hồ đã chỉ rõ.

– Văn nghệ sĩ phải đồng hành cùng dân tộc, trái tim đập cùng một nhịp với trái tim của toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn của đời sống quần chúng, trau dồi trình độ nghề nghiệp để trở thành những nghệ sĩ lớn, có tầm vóc, sáng tạo những tác phẩm hay về tư tưởng và nghệ thuật, có giá trị lâu dài, để đời.

Có thể thấy, với những ý kiến thể hiện tư tưởng chiến lược, chỉ đạo và bằng các hoạt động không mệt mỏi của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã là người học trò (thuộc thế hệ sau) xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí là người phát động và là thủ lĩnh dấy lên cao trào chấn hưng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam, đáp ứng nhu cầu mới của thời đại, mong mỏi của nhân dân và bạn bè quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhà chính trị kiệt xuất mà còn xứng đáng là nhà văn hóa uyên bác, một Hiền Nhân thuộc vào hàng “nguyên khí quốc gia”.

Nguyễn Ngọc Thiện
BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM