Tham dự buổi Lễ có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; TS. Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; các đại biểu là đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội; cùng các đơn vị, đối tác, các văn nghệ sĩ, cán bộ cơ quan Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố.
Địa chỉ của lịch sử, văn hóa, kiến trúc
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân cho biết, ngôi nhà 51 Trần Hưng Đạo là một công trình kiến trúc đặc biệt, đến nay đã tồn tại ngót nghét 100 năm.
Ngôi nhà được xây dựng từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, với chủ nhân đầu tiên là thị trưởng Hà Nội (người Pháp). Ngôi nhà cũng là nơi ở của cựu vua Bảo Đại, sau khi thoái vị, ông theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra hợp tác, làm việc với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau ngày giải phóng Thủ đô, thành phố Hà Nội đã bàn giao ngôi nhà cho các tổ chức văn nghệ sĩ để làm nơi làm việc và sáng tác.
Đối với các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam, trụ sở số 51 trên phố Trần Hưng Đạo từ lâu đã là một địa chỉ thân thiết, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của văn học nghệ thuật nước nhà.
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đời sống văn nghệ sĩ cùng nhân dân cả nước gặp muôn vàn khó khăn, vất vả. Khuôn viên của số nhà 51 khi đó ngoài văn phòng làm việc của các Hội, đây còn là nơi ở, sinh hoạt của nhiều gia đình văn nghệ sĩ: nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Bảo Định Giang, nhà thơ Xuân Tửu, nhà văn Trần Vân…
Đặc biệt là tại nơi đây, Bác Hồ và nhiều vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến thăm và làm việc với văn nghệ sĩ.
PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định: “Nếu như Hà Nội là trái tim của cả nước thì ngôi nhà 51 Trần Hưng Đạo có thể ví như trái tim của đại gia đình văn nghệ sĩ nước nhà. Đây là ngôi đền thiêng, một địa chỉ lịch sử, văn hóa, kiến trúc của thủ đô Hà Nội, cũng là nơi Bác Hồ và các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã đến thăm và làm việc với văn nghệ sĩ”.
Dự án lớn chưa từng có của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam
Qua năm tháng, trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu, cải tạo và xây dựng mới.
Dự án đầu tư xây dựng trụ sở Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại 51 phố Trần Hưng Đạo – Hà Nội đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành và thành phố Hà Nội. Đặc biệt là sự quan tâm sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí đã quan tâm chỉ đạo việc tu bổ, cải tạo và xây dựng mới trụ sở 51 từ năm 2013 khi đồng chí đến thăm và làm việc với Liên hiệp. Đồng thời nhận được sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí là Thủ tướng Chính phủ 3 thời kỳ: đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Phạm Minh Chính.
Công trình cũng là thành quả nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của lãnh đạo Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam qua các thời kỳ. Trong đó phải nhắc tới công lao to lớn của vị Chủ tịch Liên hiệp hai nhiệm kỳ 8 và 9 – nhà thơ Hữu Thỉnh, người có công đầu và là tổng công trình sư từ ý tưởng đến những bản vẽ thiết kế đầu tiên. Cùng với ông là tập thể lãnh đạo đảng đoàn, đoàn chủ tịch có trách nhiệm cao, tinh thần đoàn kết, nhất trí trong công việc để đi tới những quyết định thuận lợi nhất cho công trình.
Xuyên suốt quá trình từ năm 2014 đến nay, trải qua hai nhiệm kỳ 8 và 9 làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án, đến nhiệm kỳ thứ 10 dự án xây dựng trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng trụ sở 51 Trần Hưng Đạo – mái nhà chung của giới văn học nghệ thuật nước nhà, đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng của giới văn nghệ sĩ cả nước.
Chia sẻ với phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân cho biết: “Chúng tôi nhận thức rằng, quyết định xây dựng công trình là sự việc vô cùng hệ trọng, đây là dự án lớn chưa từng có kể từ ngày thành lập Liên hiệp. Việc cải tạo và xây dựng mới trụ sở là mong muốn thiết tha của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ mà nay trao gửi trách nhiệm, niềm tin và hy vọng cho lãnh đạo Liên hiệp nhiệm kỳ 10”.
Chủ trương xây dựng công trình là tôn trọng lịch sử kiến trúc, kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, hòa chung trong không gian xanh của khu phố cổ lâu đời liên kết với các công trình liền kề tạo thành một chuỗi liên hoàn các công trình kiến trúc đẹp cho quận Hoàn Kiếm và Thủ đô Hà Nội.
Quá trình thực hiện các bước của Dự án xây dựng Trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ, đáp ứng những quy định nghiêm ngặt về kỹ thuật, kiến trúc, mỹ thuật,…
Do công trình nằm trong phố cổ, cạnh Đại Sứ quán Cộng Hòa Pháp, với nhiều công trình, nhà dân xung quanh có kết cấu được xây dựng lâu ngày đã xuống cấp. Đồng thời, phải tháo dỡ các công trình cũ có chiều cao từ 4 đến 7 tầng. Do vậy, các biện pháp thi công phải hết sức thận trọng, không gây tiếng ồn làm ảnh hưởng các hộ liền kề, phải đảm bảo về an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện…, thời gian thi công về đêm bị hạn chế.
Mặc dù có nhiều vướng mắc trong thời gian thi công nhưng công trình đến nay đã giữ tuyệt đối về mặt an toàn cho công nhân lao động trên công trình và các hộ liền kề, có chất lượng đạt yêu cầu như thiết kế đã được thẩm định.
Công trình được Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đánh giá là: “về đích đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng tốt, an toàn tuyệt đối, hiệu quả lâu dài, thắng lợi giòn giã”.
Mái nhà chung của các thế hệ văn nghệ sĩ
Sự kiện khánh thành trụ sở mới như tiếp thêm năng lượng, niềm cảm hứng, niềm tin cho văn nghệ sĩ trên chặng đường mới với nhiều thuận lợi hơn để cố gắng phấn đấu hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó với mục tiêu cao cả là sáng tạo ra nhiều tác phẩm, công trình hay, có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc.
Công trình mới không chỉ là nơi làm việc cho Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và 5 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, mà đây còn là địa chỉ đáng tin cậy, là ngôi nhà chung ấm áp tình người luôn mở rộng cánh cửa để chào đón các thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam mỗi khi về Thủ đô có thể ghé thăm, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp.
Đây sẽ là nơi diễn ra các hoạt động nghiệp vụ, thực hiện kế hoạch công tác hàng năm của Đảng đoàn, Đảng ủy, Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên hiệp và Ban chấp hành các Hội Văn học nghệ thuật.
Cùng với thời gian, trụ sở 51 Trần Hưng Đạo đã ghi dấu ấn sâu đậm của các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam, tại đây họ đã sống, đã làm việc và sáng tạo ra những tác phẩm bất hủ để lại cho muôn đời sau. Với mỗi văn nghệ sĩ, ngôi nhà 51 từ lâu đã trở thành “ngôi nhà linh thiêng”, nghĩa tình, “thánh địa của sự sáng tạo”, là trái tim của giới văn học nghệ thuật nước nhà.