PGS. TS, Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện: “Tôi là người cùng học với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Khóa VIII Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963 – 1967), ngay từ những năm học dưới mái trường Tổng hợp, anh Trọng đã bước đầu bộc lộ những thiên tư đáng quý.
Anh kính thầy, yêu quý bạn bè, sống có lý tưởng và hoài bão mạnh mẽ, chuyên cần học tập, tích cực tham gia các hoạt động của lớp và nhà trường. Anh thực hiện một lối sống giản dị, trung thực, chan hòa với mọi người, đã làm là làm đến nơi đến chốn, không buông bỏ giữa chừng. Đảm nhiệm cương vị Bí thư Chi đoàn, anh kiên trì phấn đấu để ‘vừa hồng vừa chuyên’, vừa sở hữu một khối lượng tri thức chuyên ngành, chuyên sâu, vừa tích cực rèn luyện để trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh được kết nạp Đảng vào tháng 12 năm 1967 ngay khi kết thúc khóa học.
Lớp chúng tôi mọi người đều trân quý, mến mộ và tin cậy anh – một chàng thư sinh quê xứ Kinh Bắc hào hoa, siêng học, lịch lãm mà thân thiết, đáng mến. Sau này, khi rời ghế nhà trường, dù lập thân lập nghiệp ở các cương vị khác nhau nhưng đối với những người bạn cũ, anh Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn gắn bó thân thiết mà không có sự cách biệt về địa vị xã hội”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến: “Lớp Ngữ Văn khóa VIII, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi hồi đó có rất sinh viên với nhiều độ tuổi khác nhau, lớp có cả học sinh, cán bộ, cán bộ ở nước ngoài về đi học. Là một người gương mẫu, anh Nguyễn Phú Trọng đã được tin tưởng giữ trọng trách Bí thư Chi đoàn lớp. Chúng tôi luôn nhớ đến anh – một sinh viên có dáng người gầy và nhỏ nhắn, một người học trò mẫu mực, chưa bao giờ bị thầy phê bình.
Thời gian đi sơ tán, chúng tôi ở với dân, một buổi đi học, một buổi về giúp đỡ dân. Là sinh viên văn nên ở đâu chúng tôi cũng tổ chức sinh hoạt văn nghệ với nhân dân. Có một điều đặc biệt rằng, dù những vở kịch chúng tôi biểu diễn anh Trọng không phải là diễn viên, đạo diễn nhưng là cán bộ đoàn nên lần nào anh cũng đi đầy đủ.
Anh Trọng là người nghiêm túc và đúng giờ, có lần họp đoàn chúng tôi còn mải mê đá bóng, văn nghệ nên đến trễ nhưng anh cứ đúng giờ là lên ngồi đúng vị trí, giở sổ ra điều hành công việc. Anh dù không khiển trách ai ghê gớm nhưng sau này chúng tôi noi gương anh mà thực hiện đúng giờ. Để thấy rằng, anh là người có khả năng hướng dẫn người khác bằng chính việc làm, hành động cụ thể của mình. Chúng tôi hồi đó vẫn nói đùa: ‘Ai chứ anh Trọng sau này dứt khoát sẽ trở thành cán bộ của Đảng thôi, vì cái chất của anh là thế’.
Lớp chúng tôi đều là những người học hành nghiêm chỉnh, anh em ra trường chủ yếu làm báo, sau này một số trở thành những cán bộ cốt cán của nhiều tờ báo. Chúng tôi thân thiết với nhau và như thành thông lệ, chuyện vui buồn đều sẽ cho nhau biết. Với anh Trọng, trong lớp khi biết ai có chuyện vui, chuyện buồn anh luôn tìm cách chia sẻ, nếu bận anh sẽ gọi điện hỏi han.
Tại những cuộc họp lớp, giữa anh và chúng tôi dường như không có ranh giới, tất cả đều như sống lại với những kỷ niệm xưa, những lúc đó anh Trọng vô cùng dí dỏm. Anh gần như không vắng mặt trong cuộc họp lớp nào, nếu bận anh sẽ gọi điện đến xin lỗi và nói rất tiếc, khi họp lớp xong sẽ gọi cho tôi hỏi thăm sức khỏe các thầy, tình hình của các bạn, rất ân cần và tỉ mỉ.
Anh Trọng luôn quan tâm mọi người như vậy, mỗi lần gặp gỡ anh đều hỏi thăm gia đình tôi, anh trai tôi, các con cháu tôi anh đều nhắc tới. Còn với tôi, khi ra cuốn sách mới nào tôi cũng đều biếu anh, có những lần bận không gặp được thì tôi gửi ở văn phòng, sau đó anh đều gọi điện và nói cám ơn.
Lần gặp gần đây nhất, anh vẫn hỏi thăm tôi về cuốn sách mới. Lần ấy, anh vẫn nhắc: ‘Ông Huyến ơi, nhớ sang năm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam nhất định phải họp đấy nhé!’.
Được làm bạn với anh Trọng nhiều năm, lại là một nhà nhiếp ảnh nên tôi rất để ý tác phong của anh. Ở đâu cũng thế, cứ hễ gặp người già cả hay các đồng chí cán bộ lão thành anh đều ân cần, khi bắt tay anh hơi cúi người, tay còn lại thì đặt lên bàn tay, chỉ điều nhỏ ấy thôi có thể thấy rằng, ở anh Trọng, cái gì cũng xuất phát từ tấm lòng mà ra”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường: “Năm 2013, tôi biên soạn xong cuốn sách ảnh với tựa đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền ngoại giao cách mạng Việt Nam được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ưu ái nhận lời viết Lời tựa. Ông nhận lời một phần vì tôi được NSNA Vũ Huyến giới thiệu và tôi nghĩ cũng là vì ông nhận thấy, trong cuốn sách của tôi ngoài ảnh tư liệu còn có nhiều tư liệu mới lần đầu tiên công bố bằng hình ảnh về Bác Hồ. Bày tỏ niềm xúc động của mình, tôi không in Lời tựa theo bản đánh máy mà tôi đã in bản viết tay rất trang trọng của ông.
Kể từ lần đó, gần 5 năm sau, vào năm 2018, tại Hội nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ vì thời gian không cho phép, trong số rất ít người, ông đã bắt tay tôi. Cử chỉ đó khiến tôi vô cùng xúc động bởi ông có một trí nhớ thật tuyệt vời, sau ngần ấy năm dù biết bao công việc bộn bề vậy mà ông vẫn còn nhớ tới tôi. Tôi khâm phục và sẽ mãi trân trọng điều này, đó là dấu ấn sâu sắc nhất của ông với tôi.
Qua đây để thấy rằng, ngợi ca về đức tính của vị lãnh đạo ấy không chỉ quan tâm tới những việc lớn mà còn có thể thấy ngay từ những điều rất nhỏ và bình thường như cách ông đối xử với một con người bình thường như tôi”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương: “Tôi có một kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi tôi chuyển công tác từ Hội Văn nghệ Hà Nội sang Hội Nhà văn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi đó là Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, trong buổi chia tay tôi, ông đã dành cho tôi một nghĩa cử đặc biệt.
Đó là một buổi chia tay nhỏ, được tổ chức vào buổi tối tại trụ sở Thành uỷ Hà Nội và có một số lãnh đạo sở cũng phụ trách về văn hóa, văn nghệ ở Hà Nội tham gia. Tại đó, ông đã dặn tôi một câu khiến tôi nhớ mãi: ‘Hôm nay chúng tôi đến gặp mặt và tiễn anh Phương về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, chúc anh sức khỏe và công tác tốt, chỉ lưu ý anh đừng quên mình đã từng là Chủ tịch của Hội Văn nghệ Hà Nội, đã từng là Tổng Biên tập của báo Người Hà Nội, khi về trung ương có việc gì liên quan đến Hà Nội thì anh báo trước để anh em chúng tôi kịp đáp ứng’.
Đó là câu nói mà hiểu theo nghĩa khách khí thì là khách khí, thân ái cũng rất thân ái nhưng nó rất có ý nghĩa với tôi. Tôi coi như đó là lời trao nhiệm vụ của lãnh đạo thành phố đối với mình. Tôi nghĩ rằng, nó không có gì là quá lớn nhưng lại đầy ấm áp, lịch lãm và gây xúc động với một người làm cái nghề thuộc về tình cảm, tư tưởng như tôi.
Đồng chí làm ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng hơn 10 năm nay, chúng ta là những người dân bình thường nhưng sự ra đi của ông lại khiến tất cả người dân đều cảm thấy có sự xao động trong tâm hồn mình, xao động một cách thực sự. Trong khu tôi sống, không khí dường như lắng xuống và mọi người đều cảm thấy nỗi buồn cứ hiện diện thật lâu trong lòng.
Có lẽ sau sự kiện Bác Hồ ra đi năm 1969 thì bây giờ, mỗi người chúng ta lại như đang nhắc lại ở trong tâm hồn mình những kỷ niệm làm xáo trộn như vậy. Nó cho thấy tình cảm thật đặc biệt, thật đáng quý của người dân đối với người lãnh đạo cao nhất đất nước”.
PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: “Tại thời điểm này tôi vô cùng xúc động, vì ngày 22/7/2023, cách đây đúng một năm về trước, tôi trong vai trò là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã được đến và chuyển tận tay giấy mời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vào ngày 25/7/2023. Trong suốt một năm qua, những kỷ niệm, lời dặn dò của Tổng Bí thư vẫn vang lên bên tôi như ông đang ở bên cạnh mình.
Trong câu chuyện của chúng tôi ngày hôm đó, ông đã nói rất nhiều về văn hóa, văn học nghệ thuật và chỉ có người am hiểu sâu sắc về lĩnh vực này mới có thể nói một cách cuốn hút như thế. Cảm nhận được sự thấu hiểu và quan tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với văn học nghệ thuật, thay mặt Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tôi đã xin phép trong Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam được kính trao tặng đồng chí Tổng Bí thư kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật”. Ông nói ngay: ‘Đối với tôi thế này là vinh dự quá!’.
Và trong buổi lễ, tôi đã trân trọng gắn kỷ niệm chương lên ngực áo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đối với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, đây là một sự kiện vô cùng lớn và vinh dự. Trong khoảnh khắc xúc động đó, các văn nghệ sĩ chúng tôi càng thêm khẳng định rằng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một chiến sĩ lỗi lạc, một nhà lãnh đạo xuất sắc trên mặt trận văn hóa.
Qua nhiều lần được gặp gỡ và tiếp xúc, tôi nhận thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một con người có nhiều phẩm chất đáng quý, ông dung dị, có lối sống trong sạch, ông là tấm gương sáng cho chúng ta học tập, noi theo. Đức tính giản dị, cử chỉ ấm áp, gần gũi của đồng chí được học tập từ phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông xứng đáng là người học trò xuất sắc của Bác Hồ”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng: Nhà tôi gần quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ cách một cây cầu và dòng sông Đuống. Mặc dù gần gũi nhưng khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời mọi người đều ngỡ ngàng và thương tiếc.
Ông rất quan tâm đến lực lượng văn nghệ sĩ, từ khi còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội cho đến Chủ tịch Quốc hội và mấy nhiệm kỳ Tổng Bí thư nhưng với những sự kiện về văn học nghệ thuật thì ít khi đồng chí không có mặt và phát biểu thân mật với tinh thần như một người bạn lớn của giới văn nghệ sĩ.
Trong cuộc chống tham nhũng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là làm, không thay đổi, không có vùng cấm, kiên quyết không lùi bước. Uy tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ ở quê hương, ở trong nước mà còn cả nước ngoài.
Đến khi trả lời cuộc phỏng vấn này, tôi vừa được biết tin nước Cộng hòa Cuba tổ chức Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đồng chí, điều đó khiến tôi vô cùng xúc động”.
Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng: “Cũng như mọi người dân Việt Nam, tôi vô cùng kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một con người giản dị, thanh cao, sang trọng, cả một đời vì nước vì dân cho đến phút cuối cùng.
Các nghệ sĩ trong giới hội họa của chúng tôi ở tỉnh Phú Thọ cũng đều cho rằng, đức tính của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thật dễ khiến người ta nhớ tới Bác Hồ.
Tôi nhớ lại những kỳ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm ngày thành lập có ông đến dự, tôi đều lắng nghe rất kỹ bài phát biểu của ông, trong đó, ông luôn đánh giá cao vai trò của văn học nghệ thuật đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Sự ra đi đột ngột của đồng chí Nguyễn Phú Trọng khiến chúng tôi rất bàng hoàng và xúc động, ngay trong gia đình tôi, các thành viên đều đã có những phút lặng người trước sự ra đi của vị lãnh đạo ấy, ông đã thực sự để lại nhiều dấu ấn trong lòng người dân.
Tôi nghĩ trong đời tôi, kể từ lần chứng kiến sự ra đi của Bác Hồ khi tôi còn bé thì đây là lần tôi xúc động và thương tiếc như vậy, cảm giác như mình mất mát một cái gì đó to lớn lắm.
Từ khi nghe tin buồn đó, tôi đã dành nhiều thời gian hơn để đọc báo, nghe tin tức và tìm kiếm những hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như những câu nói ấn tượng mà ông đã răn dạy cán bộ đảng viên”.
Nhà văn Lê Hoài Nam: “Từ khi tham gia quân đội thời chiến tranh chống Mỹ cho đến khi trở thành nhà văn, tôi đã viết tất cả những gì Đảng, Tổ quốc và Nhân dân trông đợi. Tôi là một nhà văn và tôi cũng yêu kính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành thật.
Cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất đẹp. Đẹp vì ông thấm nhuần đạo lý dân tộc, đặc biệt là đạo đức, phong cách chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì thế mà ông được cán bộ và nhân dân yêu kính vô bờ bến.
Tôi coi ông là một nhân vật có tư tưởng canh Tân lớn đối với đất nước. Chính tư tưởng canh Tân lớn ấy, ông đã đưa Việt Nam làm bạn với tất cả các nước lớn trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do ông chèo lái, Việt Nam đã trở thành một đất nước có uy tín trên trường quốc tế.
Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mỗi lần ông lên diễn đàn tôi đều rất chú ý quan sát, lắng nghe. Quả thật những gì ông nói, dù ở đâu, dù bằng lời nói rất chân thành, giản dị nhưng lại thể hiện những giá trị văn hóa rất cao, đặc biệt là văn hóa dân tộc. Mỗi lần ông nhắc đến một tác phẩm văn học nào đó, không hề có tính khoa trương, nó vừa đủ cho ý tưởng ông muốn nói. Vì thế nó thấm vào người nghe rất sâu đậm”.
Lực lượng văn nghệ sĩ nước nhà sẽ nhớ mãi về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một nhà lãnh đạo cấp cao có tầm tư duy chiến lược, luôn trăn trở, lo toan cho dân, cho nước nhưng cũng giản dị, gần gũi và giàu lòng nhân ái. Với sự am hiểu thực tiễn phong phú và tư duy lý luận sắc bén, sự am hiểu sâu sắc về đặc trưng của từng loại hình văn học nghệ thuật, đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo toàn diện đối với lĩnh vực này. Những di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại sẽ còn mãi với thời gian, còn mãi trong trái tim đồng bào, tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo kế tục coi là kim chỉ nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, giàu đẹp.