back to top
26 C
Hanoi
Tuesday, 10 September, 2024
Trang chủThư viện sốHình ảnhVề nơi nhạc sĩ Văn Cao in Tiến quân ca

Về nơi nhạc sĩ Văn Cao in Tiến quân ca

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở thôn 2 làng cổ Bát Tràng, căn nhà của cụ Vương Văn Tịch từng được chọn làm cơ sở bí mật cho nhà in Phan Chu Trinh. Đây là nơi mà nhạc sĩ Văn Cao đã tự tay in bài hát Tiến quân ca trên trang Văn nghệ của tờ báo Độc Lập vào tháng 11/1944.

Biển chỉ dẫn được đặt cách nhà cụ Vương Văn Tịch khoảng 120m. Theo người dân địa phương, trước đây, không gian chung quanh nơi này vốn rất nhộn nhịp, có nhiều người qua lại. Càng tiến sâu vào ngõ, người ta mới càng cảm nhận được sự yên tĩnh và kín đáo.
Trong con ngõ dài và hẹp, cơ sở in Phan Chu Trinh nằm khuất lấp sau những dãy nhà. Đường vào nhà in vừa được chính quyền địa phương lát gạch, sửa sang khang trang và sạch sẽ. Ngày 5/8/2005, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5563/QĐ-UB, công nhận nhà in này là Di tích cách mạng, kháng chiến.
Tấm biển treo trên cổng nhà gợi nhắc về sự kiện lịch sử: Đầu năm 1944, dưới sự chỉ đạo của Trưởng Ban cán sự Hà Nội Vũ Quý, nhạc sĩ Văn Cao được giao nhiệm vụ sáng tác một bài hát cho Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Để bảo đảm an toàn, cơ sở in phải di chuyển nhiều nơi. Khi đó, nhà cụ Vương Văn Tịch đã được chọn là nơi in ấn tài liệu bí mật và đặt tên là nhà in Phan Chu Trinh.
Không gian nhà in Phan Chu Trinh xưa và nay có nhiều sự thay đổi. Tuy nhiên, cấu trúc chính ngôi nhà vẫn được giữ nguyên. Trong những năm tháng kháng chiến, việc in ấn và sinh hoạt của nhạc sĩ Văn Cao cùng các cộng sự chỉ gói gọn trong căn nhà này. Có lẽ, đó là lý do mà dẫu ở đây cả tháng trời, nhưng mãi đến khi chuyển đi nơi khác, ông mới biết địa chỉ nhà là ở làng Bát Tràng.
Ngôi nhà gồm ba gian, gian giữa là bệ thờ dòng tộc, cũng là nơi trưng bày những tư liệu, hình ảnh quý gắn liền với di tích. Hình ảnh của nhạc sĩ Văn Cao được đặt trang trọng trong gian chính của căn nhà. Ông Trần Văn Long, Trưởng thôn 1, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội kể: “Thời điểm đó, đồng chí Văn Cao được phân công làm các tin, bài trên trang 2 của tờ báo Độc Lập. Sau khi nắm cơ bản kỹ thuật viết chữ ngược, ông đã tự tay kẻ khuông nhạc bài hát Tiến quân ca lên bản đá”.
Ngôi nhà gồm ba gian, gian giữa là bệ thờ dòng tộc, cũng là nơi trưng bày những tư liệu, hình ảnh quý gắn liền với di tích. Hình ảnh của nhạc sĩ Văn Cao được đặt trang trọng trong gian chính của căn nhà. Ông Trần Văn Long, Trưởng thôn 1, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội kể: “Thời điểm đó, đồng chí Văn Cao được phân công làm các tin, bài trên trang 2 của tờ báo Độc Lập. Sau khi nắm cơ bản kỹ thuật viết chữ ngược, ông đã tự tay kẻ khuông nhạc bài hát Tiến quân ca lên bản đá”.
Một vài tấm ván trên sàn gỗ bị mục dần theo thời gian.
Phần tường nhà trên căn gác xép cũng không tránh khỏi việc nứt nẻ dù đã trải qua nhiều lần cải tạo, sơn sửa.
Riêng phần mái làm bằng khung gỗ và lợp ngói vẫn giữ được độ chắc chắn.
Trong thời kỳ kháng chiến, để bảo đảm mọi hoạt động diễn ra thật kín kẽ, nhạc sĩ Văn Cao và đồng đội chỉ được phép di chuyển trên tầng gác xép nhỏ. Chiếc lỗ dùng để thải các chất thải trong sinh hoạt hằng ngày của họ vẫn được giữ nguyên. Trong điều kiện khắc nghiệt ấy, họ đã cùng nhau chịu đói, chịu rét, làm việc cả ngày lẫn đêm, không quản hiểm nguy để hoàn thành các bản in, bảo đảm các số báo xuất bản theo đúng kế hoạch.
Chịu trách nhiệm quản lý di tích, ông Trần Văn Long cho hay, từ năm 2005 đến nay, ngôi nhà đã trải qua 3 lần nâng nền. Nền mới được nâng cao hơn nền cũ khoảng 25cm.
Việc nâng cấp nền nhằm tránh ảnh hưởng của tình trạng sụt lún đất. Đây cũng là lý do mà giếng và bể nước ở dưới gác chính – nơi cất giấu một số dụng cụ in ấn và tài liệu quan trọng cũng bị lấp đi.
Cửa sổ trên căn gác xép được cơi nới, lắp thêm cửa kính và khung nhôm. Ngày trước, ô cửa sổ này vốn rất nhỏ, chỉ vừa đủ để lấy được ánh sáng tự nhiên. Dần dần, để phù hợp hơn với điều kiện và nhu cầu sống, chủ nhân ngôi nhà đã nhiều lần cải tạo, mở rộng diện tích cửa sổ.
Thuở ấy, đứng ở cửa sổ của căn gác, người ta có thể phóng tầm nhìn từ những nếp nhà liền kề nhau ra đến tận bờ sông Hồng. Ðây là vị trí thuận lợi cho hoạt động cách mạng. Bởi chung quanh toàn là nhà cửa san sát, nhưng phía trước lại là cánh đồng ngô, đằng sau là bãi đất trống, hướng ra đường lớn, thuận tiện cho việc liên lạc và đi lại.
Cách nhà in không xa, chúng tôi tìm gặp cụ Trần Minh Thu, 87 tuổi, là họ hàng gia đình cụ Vương Văn Tịch. Cụ là nhân chứng cho giai đoạn nhạc sĩ Văn Cao in tác phẩm Tiến quân ca trên tờ Độc Lập. Nhớ lại ngày tháng ấy, cụ Thu cho biết, lúc bấy giờ, cụ mới chỉ là cậu bé chừng 7-8 tuổi, thường xuyên sang nhà cô, chú chơi. Nhưng mọi người chỉ được phép qua lại ngoài sân, còn trong nhà thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
“Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nghe những giai điệu từ bài hát Tiến quân ca mà nhạc sĩ Văn Cao viết vang lên, lòng tôi lại ngập tràn cảm xúc. Đó là sự tự hào, là lòng biết ơn và hạnh phúc khi nước nhà độc lập. Đó cũng là niềm yêu mến đối với một bài hát đã trở thành Quốc ca, thể hiện nồng nàn tình yêu nước và sống mãi trong lòng biết bao thế hệ người Việt”, cụ Trần Minh Thu bồi hồi chia sẻ.
BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM