Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của: GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng; PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Văn học nghệ thuật Việt Nam – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, quán triệt sâu sắc tư tưởng văn hóa, văn nghệ Hồ Chí Minh; các Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam những năm gần đây; phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và căn cứ vào thực trạng, thực tiễn đời sống văn hóa, văn nghệ của đất nước hiện nay, Hội thảo “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần chấn hưng và phát triển văn hoá, văn nghệ của đất nước” trả lời câu hỏi “Vì sao văn học, nghệ thuật Việt Nam tuy đã có thành tựu rất đáng ghi nhận, biểu dương, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn còn ít tác phẩm đỉnh cao, ít văn nghệ sĩ lớn, có tầm cỡ như những giai đoạn trước kia?”
PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng cần làm rõ những yếu tố cơ bản góp phần làm nên những tác phẩm hay, đáp ứng kỳ vọng của công chúng yêu văn học nghệ thuật. Để trả lời câu hỏi nghiêm túc nói trên, theo ông cần nhìn nhận một cách đồng bộ các phương diện: tài năng, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ, những giải pháp về: kiện toàn, đào tạo cán bộ quản lý Hội văn nghệ; chăm lo phát hiện, bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ; hoàn thiện các chế độ, chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ; kiến tạo môi trường xã hội, văn hóa thuận lợi;…
“Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay, xứng đáng” là mong mỏi chính đáng chung của giới sáng tạo văn học, nghệ thuật. Đây cũng là đòi hỏi mang tính thời đại với từng tác giả – những chủ thể sáng tạo nhằm làm sao có được những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm.
Tại Hội thảo, các nhà lý luận phê bình, các văn nghệ sĩ đã thảo luận và nêu ý kiến về những khía cạnh mình tâm huyết, trăn trở bấy lâu nay. Từ đó nhằm tháo gỡ những điểm chưa thanh thoát, thúc đẩy văn học, nghệ thuật vượt qua khỏi sự trì trệ mà vươn lên phát triển với một khởi sắc mới, một niềm tin mới, không khí hào hứng mới, góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người mới trong thời đại hôm nay.
Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, một tác phẩm để đời chắc chắn phải hay với nhiều người ở các lứa tuổi khác nhau, với nhiều tộc người ở các thời đại khác nhau. Đó phải là tác phẩm có tính nhân văn về nội dung và giá trị nghệ thuật trong biểu hiện. Những kiệt tác của nhân loại xưa nay ít nhiều đều như thế. Sở hữu tác phẩm nhân văn và giá trị nghệ thuật cao là ước ao không chỉ của cá thể sáng tạo, mà còn của cả quốc gia, cả dân tộc.
Còn về việc “Chấn hưng sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của đất nước” theo nhà văn Lê Hoài Nam đây là một công việc lớn, rất lớn, một mình Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam không thể kham nổi mà cần phải có sự tham vấn từ các cơ quan cấp trên và các bộ, ngành có liên quan.
“Rất cần có những chuyên gia giỏi; họ không những chỉ có bằng cấp danh giá mà còn có sự hiểu biết sâu rộng trong giới văn chương, thậm chí họ hiểu khuynh hướng và tác phẩm của từng nhà văn; họ không chỉ có tài mà còn có cái tâm trong sáng, khách quan, một lòng một dạ với đất nước, với nhân dân, với thế hệ trẻ”, nhà văn Lê Hoài Nam nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực văn học, nhà văn Lê Hoài Nam cho rằng sự vận động của văn học mang tính đặc thù riêng và gặp không ít những áp lực như sự vượt trội của sách điện tử, mạng internet so với sách in giấy, áp lực về kinh tế. Tuy nhiên để có một tác phẩm hay nhà văn Lê Hoài Nam quan niệm: “Các nhà văn nếu đã coi văn chương là cái nghiệp của đời mình thì không hẳn cứ phải chờ đợi đến cái lúc công chúng trống giong cờ mở chào đón chúng ta mới nhiệt thành sáng tác”.
Trong ngành sân khấu biểu diễn, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng việc chấn hưng và đổi mới nằm ở việc tìm lại người xem đã mất của sân khấu, nhất là người xem trẻ: “Cách tốt nhất là giữ vững tính chuyên nghiệp của người sân khấu, của nghề sân khấu trong tinh thần đối thoại thế sự – nghệ thuật với người xem, mà chỉ có nghệ thuật sân khấu mới có được trong tính đặc thù của mình”.
Theo PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam trong lĩnh vực điện ảnh để có một tác phẩm hay là cực kỳ khó khăn, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng theo ông, dù là nghệ thuật cao siêu hay ý nghĩa to lớn mà không có khán giả thì tác phẩm đó vẫn không thể là một tác phẩm hay, bởi theo ông “phim hay phải là phim thu hút khán giả, phim hay phải là phim làm cho khán giả sống đẹp hơn”.
“Để có được tác phẩm hay, xứng đáng, tác giả – chủ thể sáng tạo phải luôn đổi mới chính mình từ tư duy, đến dám nghĩ, dám làm, dám đối diện với muôn vàn khó khăn kể cả thất bại cay đắng. Song, bên cạnh sự chi phối của những điều kiện vật chất cần và đủ, thì sự khoáng đạt của chân trời tự do – tự do sáng tác là mảnh đất ươm trồng những tác phẩm hay, xứng đáng”, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ.
Để tiếp tục đổi mới và sáng tạo tác phẩm hay, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, nên tiếp tục đổi mới về tư duy sáng tạo, về phương pháp sáng tác, đổi mới về đề tài và chủ đề, đổi mới về thi pháp, về phương thức lãnh đạo.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật phải quy hoạch lại lực lượng, phải đặt ra câu hỏi khi viết về công cuộc đổi mới này thì ai có thể đảm đương được?
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, những lứa nhà văn đang tuổi sung sức thì phải viết được về ngày hôm nay, bởi họ còn sức khỏe lại am hiểu ngôn ngữ, đời sống phong phú, đi trải nghiệm nhiều, sức lao động sáng tạo dồi dào,… Theo nhà thơ, cần có những quy hoạch riêng, cuộc họp riêng để giao trách nhiệm cho những thế hệ viết sau chiến tranh, để nhắc nhở họ đã đến lúc họ cần sáng tạo nên những tác phẩm để đời.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đã đề xuất một số giải pháp góp phần tháo gỡ những vấn đề liên quan đến việc đổi mới, sáng tạo ra tác phẩm hay. Theo ông, điều đầu tiên là phải có sự đầu tư, sự gắn kết văn nghệ sĩ với đời sống, phải tạo điều kiện cho họ có những bám sát lâu dài, tích luỹ, trải nghiệm cuộc sống. Bên cạnh đó, cần cải tiến phong cách làm việc, mối liên hệ giữa các nhà xuất bản với tác giả và giữa nhà xuất bản với đơn vị quản lý xuất bản để các tác phẩm được ra đời một cách trọn vẹn nhất.
Đề cao yếu tố tài năng của người nghệ sĩ, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng cho rằng để có tác phẩm hay phải có những nghệ sĩ tài năng, tài năng là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất.
Sau đó là sự tự do sáng tác, GS.TS Lê Hồng Lý cho rằng sự tự do quan trọng nhất của các văn nghệ sĩ đó là sự thôi thúc từ cá nhân họ. Bởi nếu không có sự tài năng, sự thôi thúc mong muốn được sáng tác từ tâm hồn nghệ sĩ thì không có tác phẩm hay. Và bên cạnh đó, cũng cần cả một bối cảnh, một vốn văn hoá, vốn sống, vốn trải nghiệm thật sinh động, phong phú.
Vấn đề phê bình lý luận theo GS.TS Lê Hồng Lý cũng là một yếu tố cần thiết: “Hiện nay trong sự mênh mông của các tư liệu có rất nhiều cái để đọc nhưng đọc cái gì mới là quan trọng. Người phê bình lý luận phải làm đúng vai trò của mình là chỉ cho công chúng biết tác phẩm nào là hay, là đáng đọc, đáng xem”.
Ở bất cứ thời kỳ nào, giai đoạn phát triển nào, văn học, nghệ thuật luôn là lĩnh vực rất quan trọng, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Những ý kiến, đề xuất tại Hội thảo “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần chấn hưng và phát triển văn hoá, văn nghệ của đất nước” đã góp phần nâng cao hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật của nước nhà, tiến tới mục tiêu sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, có sức sống bền lâu.