back to top
26 C
Hanoi
Tuesday, 10 September, 2024
Trang chủTin Văn hóaSách & Văn hóa đọcSách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”: Tái hiện cuộc đời, sự...

Sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”: Tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, một vị tướng toàn năng của dân tộc. Suốt cuộc đời hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng đã có nhiều công lao và cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất, 112 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hướng tới 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Nhà xuất bản Thông tấn đã biên soạn và xuất bản cuốn sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Cuốn sách dày hơn 200 trang, in khổ 23x25cm, tập hợp hơn 250 bức ảnh về Đại tướng được sưu tầm, tuyển chọn từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Sách được in bằng hai ngôn ngữ Việt – Anh và được thiết kế mỹ thuật trang trọng, đẹp mắt với 3 phần lớn, giúp người đọc có những hiểu biết sâu sắc hơn về một một vị Đại tướng trong lòng dân.

Lật giở từng trang sách, qua mỗi bức ảnh, mỗi đoạn chú giải chi tiết, bạn đọc sẽ thấy được những hình ảnh sinh động tái hiện về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng gắn với những thay đổi của dòng chảy lịch sử, với cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân đội và nhân dân Việt Nam trong TK XX. Đó là những hình ảnh gần gũi gắn với tuổi thơ, gia đình của ông hay đó còn là những hình ảnh của Đại tướng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình và khi trở thành Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phần 1: Quê hương, gia đình, tuổi thơ (1911-1940)

Võ Nguyên Giáp sinh ra ở vùng đất thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình có truyền thống cách mạng và yêu nước. Ông nội Võ Nguyên Giáp từng tham gia phong trào Cần Vương. Ông ngoại là Đề đốc chỉ huy nghĩa quân Cần Vương chống thực dân Pháp dưới quyền thủ lĩnh Hoàng Phúc. Thân phụ là cụ Võ Quang Nghiêm, một nhà nho, dòng dõi khoa bảng. Thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Kiên, một người phụ nữ hiền thục đảm đang. Võ Nguyên Giáp là con thứ năm trong số bảy anh chị em, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Võ Nguyên Giáp giống mẹ từ vóc dáng, gương mặt, đặc biệt là đôi mắt thông minh, hiền lành, nhân hậu nhưng cương nghị.

Dòng sông Kiến Giang

Quảng Bình là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, có nhiều làng khoa bảng, là một trong những cái nôi sản sinh ra nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, những danh nhân của đất nước như Võ Xuân Cẩn, Dương Văn An, Nguyễn Đăng Tuân, Nguyễn Hàm Ninh, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Lê Trực, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Phạm Tuân, Hoàng Kế Viêm…

Sông Kiến Giang và ngôi nhà nhỏ bên sông Kiến Giang là nơi gắn bó với tuổi thơ của Võ Nguyên Giáp

Truyền thống quê hương cách mạng và hoàn cảnh gia đình đã hun đúc, nuôi dưỡng trong lòng cậu bé Võ Nguyên Giáp lòng yêu nước, căm thù giặc, tạo động lực để Võ Nguyên Giáp sớm tham gia đấu tranh cách mạng, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Từ đó, sớm hình thành khí chất, bản lĩnh và tinh thần cách mạng, một nhân cách lớn ở Võ Nguyên Giáp.

Tháng 9-1925, Võ Nguyên Giáp thi đỗ và nhập học vào Trường Quốc học Huế. Từ đây người thanh niên ấy tích cực tham gia các phong trào bãi khóa của học sinh; tham gia Hội Việt Nam Cách mạng đồng chí, Tân Việt Cách mạng Đảng, tham gia viết báo… Năm 1930, Võ Nguyên Giáp bị địch bắt và 13 tháng sau được trả tự do. Sau khi ra tù, Võ Nguyên Giáp vẫn tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Có thể nói, Trường Quốc học Huế là một trong những nơi giúp cho Võ Nguyên Giáp giác ngộ lý tưởng cách mạng và trở thành nhà cách mạng.

Những năm sau đó, Võ Nguyên Giáp hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội và tham gia viết bài cho các báo tiếng Pháp Le Travail, Notre Voix và là biên tập viên báo tiếng Việt như Tiếng nói của chúng ta, Tiến lên, Tập hợp, Thời báo, Tin tức… Ông sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén, hiệu quả trong hoạt động cách mạng của mình.

Phần II: Nhà quân sự thiên tài (1940-1975)

Võ Nguyên Giáp là một người say mê môn lịch sử, nhất là lịch sử chiến tranh và các vị tướng cầm quân. Ông không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào, nhưng trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã đối mặt với nhiều vị tướng được đào tạo bài bản từ các học viện quân sự nổi tiếng của quân đội đối phương và ông luôn chiến thắng. Ông đã học nghệ thuật quân sự ngay trong thực tế khói lửa của chiến trường, không chỉ trở thành nhà chỉ huy quân sự có tài thao lược kiệt xuất, bậc thầy về chiến lược, chiến thuật quân sự mà còn có công lao to lớn góp phần vào việc hình thành và phát triển học thuyết quân sự – đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Học thuyết đó kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam và thế giới, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của ông cha, dẫn lối cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên những chiến thắng vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cuối năm 1941, Võ Nguyên Giáp từ Trung Quốc về nước, được giao nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng, xây dựng các tổ chức cách mạng ở vùng căn cứ địa. Ông đã bám dân, bám bản, mở nhiều lớp đào tạo cán bộ, huấn luyện quần chúng, vận động nhân dân, tổ chức Việt Minh, tổ chức tự vệ… khơi dậy lòng yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do, xây dựng và phát triển, bảo vệ các cơ sở cách mạng ở Cao Bằng.

Năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao Võ Nguyên Giáp là người thành lập đội vũ trang tập trung. Ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Võ Nguyên Giáp đã thay mặt cách mạng tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ngay sau đó, Đội đã làm nên chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần (25 và 26/12/1944).

Ngày 16/8/1945, tại gốc đa Tân Trào, Võ Nguyên Giáp với tư cách là Chỉ huy trưởng, thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa đọc Quân lệnh số 1, kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên giành chính quyền và ngày 28/8/1945, Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi trong cả nước, toàn bộ chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã về tay nhân dân Việt Nam.

Năm 1946, Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Năm 1948, Võ Nguyên Giáp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi ông 37 tuổi…

Có thể nói, qua các bức ảnh, chúng ta như được sống lại và bước vào cuộc hành trình chiến đấu gian khó nhưng vô cùng anh dũng của quân và dân ta dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò xuất sắc và gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt kháng chiến 30 năm chống Pháp và chống Mỹ; là người đã thực hiện xuất sắc quyết định của Bác Hồ và Trung ương Đảng, chỉ huy quân đội làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, lừng lẫy năm châu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phần III: Vị danh tướng của thời đại

Võ Nguyên Giáp là một người cộng sản kiên trung, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng theo học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông là một vị Tổng Tư lệnh lỗi lạc, văn võ song toàn, có công lao to lớn đối với dân tộc, với đất nước. Ông đã có công chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, với đủ các thành phần quân – binh chủng cách mạng, chính quy, hiện đại; tổ chức chiến tranh và chỉ huy tác chiến xuất sắc trăm trận trăm thắng; góp phần xây dựng học thuyết quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, giải quyết thành công đáp án một nước đất không rộng, người không đông, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu vẫn có thể đánh thắng kẻ thù xâm lược dù chúng giàu mạnh và hiện đại đến mấy. Tài năng đó của Đại tướng đã được các nhà sử học quân sự của nhiều cường quốc đánh giá, tôn vinh ông là một trong những vị nguyên soái tài danh của mọi thời đại.

Phần 3 của cuốn sách gồm những bức ảnh thể hiện các cương vị của Đại tướng: là nhà chính trị xuất sắc; là nhà ngoại giao tài ba; là người đóng góp cho sự nghiệp khoa học – kỹ thuật và giáo dục; là nhà lý luận quân sự xuất sắc; là tấm gương mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sống giản dị, khiêm tốn, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng, đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ suy tôn ông là Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đại tướng in đậm trong lòng dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc. Tình cảm đó được thể hiện ở những hình ảnh trong cuộc sống đời thường, đặc biệt khi ông về với đất mẹ. Hình ảnh những người Việt Nam từ già đến trẻ đều khóc thương và đau xót vĩnh biệt vị Đại tướng đã khẳng định sự bất tử của ông trong trái tim mỗi người con đất Việt. Đó là động lực thôi thúc thế hệ trẻ sống có ích để xây dựng đất nước phát triển hùng cường, để không hổ thẹn với các thế hệ đi trước và ngay với vị Đại tướng kính yêu của chúng ta.

Có thể nói, qua từng phần của cuốn sách ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những hình ảnh và chú giải, bạn đọc sẽ hình dung rõ hơn về chân dung của vị tướng tài ba từ nhân cách cho đến tài thao lược trong quân sự. Khép cuốn sách lại, những hình ảnh đó sẽ còn đọng lại mãi trong trái tim người đọc và cuốn sách sẽ là một nguồn tư liệu giá trị giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về một vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM