Năm 1968, Phạm Tiến Duật, Lê Lựu cùng với họa sĩ Hoàng Đình Tài và Vương Khánh Hồng (nhiếp ảnh) tăng cường cho lực lượng văn hóa – văn nghệ ở Trường Sơn thuộc Đoàn 559, sau này là Bộ Tư lệnh Đường Hồ Chí Minh với nhiệm vụ làm báo và sáng tác văn học nghệ thuật. Đây cũng là thời cơ tiếp cận nơi trận mạc, có mặt cùng với bộ đội trực tiếp chiến đấu ở trận địa pháo cao xạ, trạm giao liên đưa bộ đội hành quân ra phía trước, với bộ đội công binh phá đá mở đường, ngủ cùng với lính lái xe Trường Sơn mặt mũi lấm lem bụi đất, cũng có khi đi cùng với các Thủ trưởng Bộ Tư lệnh có mặt ở các binh trạm từ cửa rừng đến nơi chuyển giao quân, súng đạn và lương thực cho quân giải phóng.
Bộ đội toàn tuyến trên đỉnh Trường Sơn biết tin có một nhà thơ trẻ, khá nổi tiếng, đó là Phạm Tiến Duật đã có mặt ở Trường Sơn và chỉ ít lâu sau bài thơ Tiểu đội xe không kính được in trên Báo Trường Sơn, lính lái xe đọc và kháo nhau: “Anh em ơi, nhà thơ Phạm Tiến Duật viết về chúng mình đây này!”. Họ xúm lại – cùng nhau đọc và phán: “Rất lính lái xe ở một trận ác liệt nhé!”, “Ngôn ngữ cứ ngang như lính Xế, hãy đọc lại cùng nhau nghe nhé!”:
“Không có kính không phải vì không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ mất rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng…”
“Hay, hay, quá tuyệt vời…”, “lặng im mà nghe, biết gì mà phán!”. “Đừng khinh nhé, là lính lái xe nhưng cũng qua đại học rồi đấy”. Ông ta lại như đang ngồi trong buồng lái của chúng mình mà nói ra cảm giác rất thực và cũng lại rất thơ nữa: “Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/ Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim/ Thấy sao trời và đột ngột cánh chim/ Như sa, như ùa vào buồng lái”. Các cha nội ơi, khổ thơ này mới tuyệt vời chứ: “Không có kính, ừ thì có bụi/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha!” Ô hô! Các cha nội ơi, rất chiến trận, lại cũng rất lạc quan, giữa cái sống và cái chết mà “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. Và họ phá lên cười “Ha… ha…!”… “Ha ha!”… Lạc quan đến thế là cùng. “Mà chúng mình mới chỉ biết tài thơ nhưng đâu đã biết mặt”.
Phạm Tiến Duật tranh thủ chợp mắt, vừa tỉnh dậy, nghe thấy hết câu chuyện liền mở cửa buồng lái xuất hiện với nụ cười hiền: “Có đấy, chào các bạn, Phạm Tiến Duật đã nghe hết những lời bình phẩm, sung sướng quá liền xuống trình diện và chào các bạn đây”. Mọi người xông vào ôm hôn, nhìn Phạm Tiến Duật”: Tóc cũng trắng như người già, mặt mũi cũng lấm lem như lính xế nhưng mà anh chưa cười ha ha! Lính lái xe thực sự thán phục, yêu quý Duật vô cùng, kèm theo những cú véo đau điếng, rồi bằng một giọng cảm động: “Anh Duật ơi! Thơ anh như có cánh, nói ra đúng tâm trạng của chúng em. Sáng nay được gặp anh, nhưng tối nay chiếc máy bay “AC.130” được mệnh danh là “chủ nhiệm pháo sáng”, nó thả pháo sáng suốt đêm, nó bắn như vãi đạn; biết đâu có thể trong chúng em có những bạn không còn nữa, nhưng thôi, chúng ta hãy nhìn nhau “Mặt lấm cười ha ha!”. Ô hô, tuyệt vời quá anh Duật ơi! Và sau đó anh em lái xe chỉ gặp Phạm Tiến Duật trong thơ qua tiếng ngâm thơ đến “nhập hồn” của nghệ sĩ Linh Nhâm trên Đài Tiếng nói Việt Nam mà thôi”.
Đi với đội nữ thanh niên xung phong trên Đường 20 “Quyết thắng”, Đại đội trưởng là nam cùng với Phạm Tiến Duật, các em coi hai anh như “mì chính cánh”; còn Phạm Tiến Duật thì khóc và thương cho các em sống kham khổ, thiếu thốn đủ mọi thứ, hy sinh cả tình yêu hạnh phúc lứa đôi. Trong bài thơ Gửi em cô thanh niên xung phong viết về những cô gái “Thạch Kim – Thạch Nhọn” là một bài thơ dài khá lạc quan và cảm động. Có khổ thơ đặc tả về cô gái ngủ ngày. Có thể ai cũng biết hình ảnh cô gái ngủ ngày trong thơ Hồ Xuân Hương nhưng chân dung cô gái ngủ ngày trong cuộc sống và chiến đấu ở Trường Sơn là như thế này:
“Cạnh giếng nước có bom từ trường
Em không rửa, ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà…”
Và Phạm Tiến Duật hạ một câu khi nước mắt tràn ra:
“Thương em, thương em, thương em biết mấy…”
Cái tổ hợp Văn học – Nghệ thuật của chúng tôi ở Trường Sơn được biên chế ở Phòng Tuyên huấn Bộ Tự lệnh gồm có Trung tá, Nhà thơ Trọng Khoát (sau này được thăng hàm Đại tá), còn chúng tôi nhàng nhàng như nhau gồm có Lê Lựu (nhà văn); Phạm Tiến Duật, Phạm Lê (nhà thơ), các họa sĩ Hoàng Đình Tài, Đức Dụ, điêu khắc gia Minh Đỉnh; nhiếp ảnh có Hoàng Kim Đáng và Vương Khánh Hồng. Báo Trường Sơn có Trung tá, nhà báo Lục Văn Thao (Tổng biên tập), các phóng viên Lê Đình Hy, Phạm Minh Lợi (sau này là biên kịch của xưởng phim quân đội), Nguyễn Khắc Thiệu; đặc biệt là Nghiêm Thị Hằng, trở thành nhà thơ nữ nổi tiếng, nhà nghiên cứu chuyên sâu về Hồ Xuân Hương.
Chúng tôi thường ăn cơm cùng một mâm tập thể, hai ba người ở một nhà hầm. Trước bữa ăn, Phạm Tiến Duật thường mang thơ mới viết ra đọc cho mọi người nghe, khi thì bài Tiếng bom ở Seng Phan, khi Gửi em cô thanh niên xung phong, khi thì Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Mọi người ai cũng đôi lần đọc bài thơ Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan nhưng bài Đèo Ngang của Phạm Tiến Duật cũng là một phát hiện khám phá lý thú: “Đường nhằm hướng Nam/ Người nhằm hướng Nam/ Xe đạn nhằm hướng Nam vượt dốc/ Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang/ Mà quên mất con Đèo chạy dọc.
Các bài “nặng ký” như: Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Lửa đèn, Vầng trăng và những quầng lửa và trường ca Những vùng rừng không dân… Duật thường đọc trong khi họp cả phòng Tuyên huấn và anh đọc rất diễn cảm như nghệ sĩ đọc thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng anh em còn thích một bài Phạm Tiến Duật viết về Đảng ở mặt trận, chỉ cần hai câu thôi:
“Ngọn đèn Chi bộ họp giờ trước
Ầm ầm xe chạy một giờ sau”
Mọi người phục tài Phạm Tiến Duật: Bằng chất liệu nguyên khối, thô mộc mà chế tác thành thơ hay và khuyên Duật: Ở Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Văn nghệ đang có cuộc thi thơ. Duật nên gửi dự thi ngay, thế nào cũng được giải đấy!
Đúng như dự đoán, chùm thơ Phạm Tiến Duật gửi dự thi được Hội đồng giám khảo nhất trí cao, quyết định trao tặng Giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ với các bài Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây; Lửa đèn; Tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niên xung phong. Từ thời điểm ấy, uy tín thơ Phạm Tiến Duật lên rất cao, được các thi sĩ bậc cha anh như Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi sủng ái, coi như một trong hai ngôi sao sáng trên bầu trời thi ca Việt thời chống Mỹ, đó là Phạm Tiến Duật và Lê Anh Xuân nhưng cũng rất tiếc cho Phạm Tiến Duật trong cuộc trao giải ấy lại thiếu vắng anh bởi chiến trường đang trong chiến dịch “Tổng công kích”. Tất cả gạo, đạn và cuộc hành quân ra phía trước đang cần gấp.
Khi chiến dịch mùa khô 69 kết thúc thắng lợi, Phạm Tiến Duật mới được phép ra hậu phương nhận giải. Báo chí, Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục đưa tin, phỏng vấn, tôn vinh, cổ vũ. Phạm Tiến Duật còn được các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mời cơm, bạn bè gặp gỡ giao lưu chúc tụng… Phạm Tiến Duật say sưa với thắng lợi, ở lại hậu phương quá lâu mà quên mất kỷ luật trong quân ngũ thời chiến, lại mới là Đảng viên dự bị nên khi vào chiến trường nhận luôn quyết định không trở thành Đảng viên chính thức. Có một số tác giả luyến tiếc khi viết về Phạm Tiến Duật đang thăng hoa nổi tiếng mà bị khai trừ Đảng. Xin thưa rằng, Phạm Tiến Duật mới chỉ là Đảng viên dự bị, đâu đã chính thức mà khai trừ Đảng.
Lại có tác giả nói rằng, trong những năm ở Đường mòn Hồ Chí Minh với quá nhiều thiếu thốn và nhiều lúc đói như điên dại, nhưng nhà thơ Phạm Tiến Duật đã được chu cấp đầy đủ như một vị tướng. Điều đó cũng hoàn toàn không chính xác. Phạm Tiến Duật chỉ hơn mọi người làm văn nghệ trong cơ quan là được tặng chiếc tặng chiếc đồng hồ Liên Xô “Pôn Zốt” và được dự giao ban Bộ tư lệnh ở diện hẹp mà thôi. Ở chiến trường thời chiến từ tướng tá, sĩ quan đến binh lính, cuộc sống sinh hoạt cũng không chênh lệch nhau là mấy, lấy đâu mà chu cấp đầy đủ. Phần thưởng cao nhất với anh là được các Chính ủy, Tư lệnh đến chiến sĩ toàn chiến trường yêu mến quý trọng mà thôi.
Việc Phạm Tiến Duật không trở thành Đảng viên chính thức, Tư lệnh trưởng Đồng Sĩ Nguyên, Chính ủy Đặng Tính có biết không? Biết, nhưng cũng không thể can thiệp.
Buồn, nhưng biết làm sao được. Duật quyết vượt qua, tiếp tục sống và viết. Một đêm trăng sáng, sau khi cơm nước xong, mọi người khuyên Duật: Sắp đến tuổi “Ông ba mươi” rồi, nếu không ấy vợ sẽ “chập cheng” đấy! Duật cười và thổ lộ: Ở Quảng Bình có một nhà thơ nữ tài năng, xinh đẹp và rất yêu Duật. Duật thực sự xúc động và cũng rất yêu nhưng còn phân vân chưa dám quyết bởi khi lấy nhau suốt ngày tranh luận về thơ thì mệt lắm.
Người thứ hai là một cô giáo dạy toán cấp III ở Hà Nội, em gái một diễn viên kịch nói, một kịch sĩ trẻ tầm cỡ tài năng lớn, đó là nghệ sĩ Trọng Khôi. Có lẽ Duật quyết định lấy làm vợ và bài thơ Một giờ và Mười phút hình thành từ đấy: “Cứ một giờ lại mười phút/ Trong buổi hành quân sáng nay/ Anh bỗng nhớ em lên lớp mỗi ngày/ Cứ một giờ lại nghỉ mười phút/ Khi em ngồi nhớ anh ngày Chủ nhật thẳm sâu/ Anh đang lội bùn, trong rừng đầy lá mục/ Lúc em ngồi với học sinh là lúc/ Anh đứng đỉnh đèo gió thổi mênh mông”… và cuộc sống gia đình rồi sẽ đến và thơ vẫn tiếp tục hiện ra. Các tập thơ nổi tiếng lần lượt được xuất bản: Vầng trăng – Quầng lửa (1970); Ở hai đầu núi (1981); Vầng trăng và những quầng lửa (1983); Thơ một chặng đường (1994); Nhóm lửa (1996); Tiếng bom và tiếng chuông Chùa (1997)…
Thế rồi Duật quyết định cưới cô giáo dạy toán cấp III ấy và ở trong nhà bố mẹ vợ tại số 6 ngõ Yên Thế (Hà Nội). Hai vợ chồng chỉ kê được một chiếc giường. Trên mái bắt đầu mưa đã dột nên trên nóc màn thường phải phủ chiếc tăng bạt bằng ni-lông để đỡ ướt… Nhà thơ Xuân Diệu ở số 4 Điện Biên Phủ, gần nhà Duật. Ông trọng tài và yêu quý Duật lắm. Mỗi khi đi bơi trên bể bơi Ba Đình về thường ghé lại thăm và đọc thơ mới cho Duật nghe, có khi còn đích thân chép tặng. Nhà thơ Lê Hồng Thiện cũng được Xuân Diệu quý mến. Anh kể về câu chuyện nhà thơ Xuân Diệu trao “chìa khóa” cho nhà thơ Phạm Tiến Duật.
CHUYỆN NHÀ THƠ XUÂN DIỆU TRAO “CHÌA KHÓA” CHO NHÀ THƠ PHẠM TIẾN DUẬT
Có lần Phạm Tiến Duật sang nhà Xuân Diệu chơi. Đang vui ông chợt nhìn Duật và buông ra một câu: Duật ạ, mình già rồi không giúp gì được cho cậu nữa. Hôm nay, mình sẽ trao cho cậu “chiếc chìa khóa” về phê bình thơ. Cậu còn trẻ nhưng viết được, nói được và nói rất duyên đấy, mình sẽ trao cho cậu chiếc chìa khóa ấy. Sở dĩ mình viết hay, bình thơ có tiếng, một phần cũng nhờ chiếc chìa khóa ấy.
Phạm Tiến Duật ngỡ ngàng hỏi: “Thế chiếc chìa khóa đó anh để ở đâu?”. Xuân Diệu bảo: “Ở trong két sắt trên gác nhà Huy Cận”. Khi két sắt được mở ra là quyển Mái Tây của Vương Thực Phủ, do Thánh Thán bình và Nhượng Tống dịch xuất hiện. Ông vừa cầm quyển sách vừa nói: “Bao nhiêu bí mật phê bình, cẩm nang ấy, mình đều vận dụng từ quyển này mà ra, giờ mình trao lại cho cậu”. Phạm Tiến Duật mới đầu còn chưa dám tin nhưng khi về nhà đọc kỹ mới thấy: Xuân Diệu không chỉ là một nhà thơ lớn, nhà phê bình văn học khổng lồ mà ông còn là người thầy vĩ đại hướng cho lớp trẻ hãy yêu mến, tự tin vào chính nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Khi làm Tổng biên tập tờ Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Duật không những đã là một nhà thơ lớn mà còn là nhà hùng biện: viết hay, nói hay, rất có duyên và cũng sẵn sàng mở lòng với những cây bút trẻ. Chuyện nhà thơ Xuân Diệu trao “chìa khóa” cho nhà thơ Phạm Tiến Duật là điều có thật và cũng được xem là “chiếc chìa khóa vàng” giúp cho Phạm Tiến Duật và thế hệ văn nghệ trẻ mở mang trí tuệ, hướng tới tương lai.
TIẾNG BOM, TIẾNG CHUÔNG CHÙA VÀ TIẾNG KHÓC CỦA THI SĨ
Tập thơ Tiếng bom và tiếng chuông chùa vừa xuất bản, Duật đã tặng tôi bởi tôi cũng là “người trong cuộc” cần được đọc trước. Đó là tập trường ca bi thương nói về hậu quả cuộc chiến tranh xâm lược do Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đem lại.
Kết thúc chiến tranh, trở về Hà Nội, Phạm Tiến Duật được nhà văn Minh Chuyên kể và đưa cho đọc bài bút ký Vào chùa gặp lại của mình và Minh Chuyên đích thân dẫn Duật đi đến nơi có hàng chục hàng trăm sư nữ là sĩ quan, chiến sĩ, thanh niên xung phong Trường Sơn thời chống Mỹ đã “quá lứa nhỡ thì”, đành cắt tóc đi tu.
Phạm Tiến Duật tìm đến một ngôi chùa đầu tiên thuộc huyện Kiến Xương (Thái Bình) một tỉnh có hai vạn liệt sĩ nằm lại ở chiến trường miền Nam trước ngày giải phóng Sài Gòn (30/4/1975). Trong chùa có một nữ tu, tên thật là Nguyễn Thị Phương, nguyên nữ Thanh niên xung phong Tiểu đoàn 25, Binh trạm 14, Bộ Tư lệnh 559, Đường Hồ Chí Minh.
Câu hỏi đầu tiên, gần như kìm nén sự bật khóc:
– Thưa sư Thầy, trước hết tôi rất lúng túng vì cách gọi. Có lẽ chúng ta gặp nhau trên đường 20 “Quyết Thắng”: Thuở ấy chúng ta gọi nhau là anh em, bởi chúng ta là đồng đội…
Nguyễn Thị Phương với bộ quần áo nâu sồng, gương mặt phúc hậu, cứ như tiểu sử thì đã gần 50 tuổi, nhưng hiện tại dáng vẻ già hơn tuổi. Nguyễn Thị Phương ngắt lời Phạm Tiến Duật:
– Lâu nay anh Duật có gặp Thủ trưởng Hoàng Trá không? Nếu anh kể với Thủ trưởng về trận bom ở cây số 68, Thủ trưởng Trá cùng đẩy phuy xăng với chúng tôi thì ông nhớ. Suýt bật khóc và nhận ra Phương đi tu nhưng không quên mình vốn là thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Ngôi chùa giản dị như một ngôi nhà dân thường. Sân rêu ngoài kia phơi thóc, phơi tăm hương. Không thấy có khách đến vãn cảnh, chỉ nhìn thấy rất nhiều dao, cuốc và dụng cụ làm ruộng, làm vườn để ở một góc chùa.
Đó là hình ảnh đầu tiên khi đặt bút viết trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa gồm 4 chương. Chương I: Gặp lại sư thầy Đàm Phương. Chương II: Gặp sư thầy Đàm Thân. Chương III: Khước từ lộc người và Chương cuối: Những khúc tưởng niệm.
Ngòi bút bắt đầu xuống mực, viết theo dạt dào cảm xúc:
“Có lẽ nào tiếng chuông chùa lại gợi tiếng bom
Có lẽ nào khói hương thơm lại gợi khói bom một thuở
Nhưng sư thầy đang ngồi đó
Cô thanh niên xung phong tuổi trẻ ngày nào”.
Boong!…
Nam – Mô – A – Di – Đà – Phật
Boong!…
“Chiếc kẻng làm bằng vỏ bom treo ở bìa rừng”
Anh Đạt của Phương chẳng khi nào về nữa. Và trước mắt Duật là Sư thầy Đàm Phương.
Boong!…
Tiếng chuông như khứa vào lòng tác giả.
Trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa tác giả viết bằng những dòng nước mắt chảy quanh. Tiếng chuông chùa và tiếng bom đã khắc sâu vào tâm trí những người đã từng ra trận, đã từng có mặt trên đỉnh Trường Sơn những năm gian khổ và ác liệt ấy.
Khi viết trường ca này (1997), Phạm Tiến Duật đang là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thơ – Hội Nhà văn Việt Nam tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội.
Chiến tranh khi ấy đã lùi xa trên 20 năm nhưng Tiếng bom và tiếng chuông chùa càng đằm sâu chất suy tưởng, khiến người đọc, đã từng là người lính trong chiến tranh sẽ không kìm nổi những dòng nước mắt.
Cho đến hôm nay, cả người giám đốc Nhà xuất bản chịu trách nhiệm xuất bản – Nhà thơ Ngô Văn Phú, người biên tập của Nhà xuất bản Hội Nhà văn – nhà thơ Nguyễn Phan Hách và tác giả của nó cũng đã ra đi nhưng Tiếng bom và tiếng chuông chùa còn mãi.
Những thành tựu văn chương Phạm Tiến Duật để lại, đã có hàng trăm bài viết của các nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học viết về tác giả. Ông được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quý trọng, được các tướng tá, sĩ quan, binh lính, bạn đọc trong và ngoài nước yêu mến, được các danh sĩ bậc cha anh cổ vũ để anh trở thành tài năng lớn.
Phạm Tiến Duật được những cây bút tôn vinh anh là “Con chim đại bàng lửa của Trường Sơn huyền thoại”, “Cây xăng lẻ của rừng già”. Có tác giả còn viết: “Phạm Tiến Duật rất xứng đáng được dựng tượng đài trên Trường Sơn”, “Nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ”.
Theo tôi, phải thêm từ “một” trong những nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ mới khách quan và phải đạo. Phạm Tiến Duật xứng đáng được dựng tượng đài trên Trường Sơn. Nhưng đâu chỉ mình anh. Hàng trăm tướng tá, chiến sĩ anh hùng vô song quả cảm, tiêu biểu như Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, như Chính ủy Đặng Tính mà cán bộ chiến sĩ trên đường Hồ Chí Minh cũng đã dựng tượng các ông trong tâm tưởng. Cũng như Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Cả gia đình sống trong diện tích chỉ 6m2 mà làm nên sự nghiệp lớn. Cuộc sống của Phạm Tiến Duật cũng tương tự như vậy, vĩ đại là ở chỗ đó.
Người trong cuộc với Phạm Tiến Duật nhìn nhận:, trước tiên anh là một chiến sĩ dũng cảm trong chiến tranh, trí tuệ và thông minh. Anh là chiếc cần “Ăng-ten” rất nhanh nhạy thu và phát những tín hiệu trong tâm hồn người lính, chắt lọc thành thơ, không những tinh tế, còn “pha” thêm chất thép mà vẫn là thơ.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật được xem là anh hùng – dũng sĩ, là nghệ sĩ, thi sĩ tiêu biểu nhất của Đại ngàn Trường Sơn.