back to top
26 C
Hanoi
Tuesday, 10 September, 2024
Trang chủVăn học Nghệ thuậtVăn họcKhuynh hướng văn học mang tính sử thi trong văn học Việt...

Khuynh hướng văn học mang tính sử thi trong văn học Việt Nam 1945 – 1975

Văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975 là nền văn học của chế độ mới, ra đời và phát triển trong không khí cao trào cách mạng và cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ vô cùng ác liệt, kéo dài suốt ba mươi năm. Điều kiện giao lưu văn hóa với nước ngoài không thuận lợi. Sự tiếp xúc với văn học, văn hóa thế giới chủ yếu thông qua vùng ảnh hưởng của các nước xã hội chủ nghĩa, trước hết là Liên Xô, Trung Quốc. Khác với văn hóa miền Nam dưới thể chế của chính quyền Sài Gòn mang tính chất đa thể, văn hóa ở miền Bắc trong thời kỳ này là một nền văn hóa nhất thể, mang tính chất tập trung. Văn học Việt Nam thời kì 1954 – 1975 được chia làm hai khu vực, gắn liền với hai thể chế khác, xuất hiện nhiều khuynh hướng khác nhau. Dù tồn tại nhiều khuynh hướng nhưng khuynh hướng mang tính sử thi vẫn là một trong những khuynh hướng chính trong bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam.

Một thời đại văn học, một khuynh hướng văn học bao giờ cũng nảy sinh từ một hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa cụ thể. Ngày 19/8/1945, Cách mạng vừa giành được chính quyền, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình thì ngày 23/9/1945, giặc Pháp nấp sau lưng quân đội Anh vào giải giáp hàng binh Nhật, đã đánh chiếm Sài Gòn, sau đó mở rộng chiến sự ra các tỉnh Nam Trung bộ. Phong trào Nam tiến nổi lên rầm rộ với những thanh niên nam nữ tự trang bị quân trang vũ khí, xung vào những đoàn quân đánh Pháp. Nhà văn Nam Cao ghi lại: “Cả dân tộc đã dồn cả vào một con đường: ấy là con đường ra mặt trận, con đường cứu nước. Con đường vào Nam…” (Nam Cao, “Đường vô Nam”, Tiên phong, số 10 – 1946).

Đến ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) thì cả nước đã sống trong không khí chiến tranh. Cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, chống Pháp và Mỹ kéo dài suốt 30 năm. Một cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt và đầy gian khổ như thế tất nhiên tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc, trong đó có văn học nghệ thuật. Hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa nói trên đã chi phối mạnh mẽ văn học, là tiền đề để nảy sinh khuynh hướng văn học mang tính sử thi trong văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975.

Nền văn học mới được khai sinh cùng với sự ra đời của nhà nước nhân dân còn non trẻ, lại trải qua 30 mươi năm chiến tranh ác liệt, vận nước có lúc ngàn cân treo sợi tóc nên sớm được kiến tạo theo mô hình: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” (Hồ Chí Minh) cùng với kiểu nhà văn mới: nhà văn – chiến sĩ. Khuynh hướng tư tưởng chủ đạo của nền văn học mới là cách mạng, văn học trước hết phải là một thứ vũ khí phục vụ sự nghiệp cách mạng. Ý thức, trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ được đề cao. Gắn bó với dân tộc, với nhân dân và đất nước, dùng ngòi bút để phục vụ kháng chiến, cổ vũ chiến đấu là đòi hỏi, yêu cầu của thời đại, đồng thời cũng là tình cảm, ý thức tự giác của nhà văn. Và chính hiện thực đời sống cách mạng và kháng chiến đã đem đến nguồn cảm hứng lớn, những phẩm chất mới cho văn học. Nguyễn Đình Thi khẳng định: “Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đã đúc nên nền văn nghệ mới của chúng ta”.

*

Văn học Việt Nam vốn gắn bó sâu sắc với lịch sử dân tộc, trong thời đại chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, lại càng gắn bó sâu sắc hơn bao giờ hết. Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 -1975 trước hết là một nền văn học của chủ nghĩa yêu nước. Về cơ bản, đó không thể là tiếng nói riêng của mỗi cá nhân, là văn học của những số phận cá nhân mà là tiếng nói chung của của cộng đồng, của toàn dân tộc trước thử thách quyết liệt: Tổ quốc còn hay mất; độc lập, tự do hay nô lệ, ngục tù! Văn học Việt Nam giai đoạn này, vì thế, tất yếu và chủ yếu mang tính sử thi. Tính sử thi là một đặc điểm cơ bản, và cũng có thể coi đây là phong cách của văn học thời đại này. Đó là tiếng nói của thời đại, mang phong cách thời đại. Ta có thể nhận ra phong cách thời đại được biểu hiện sâu sắc, có tính hệ thống, có cấu trúc riêng trong khuynh hướng văn học mang tính chất sử thi của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975.

Phong cách văn học của một thời đại, một khuynh hướng hay một tác gia văn học trước hết được biểu hiện ở cái nhìn nghệ thuật về hiện thực và con người. Cái nhìn nghệ thuật của khuynh hướng văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975, đó là cái nhìn có tính sử thi. Khuynh hướng sử thi đòi hỏi người cầm bút nhìn con người và cuộc đời không chỉ bằng con mắt của cá nhân mình mà chủ yếu bằng cái nhìn có tính sử thi, tức là bằng con mắt có tầm bao quát của lịch sử, của cộng đồng, của dân tộc và thời đại.

Các văn nghệ sĩ dự Hội nghị Chấp hành mở rộng Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc tháng 3/1951. Từ phải sang, hàng trước: Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi. Hàng sau: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung – Ảnh: Trần Văn Lưu

Tố Hữu gọi đó là con mắt “nhìn bốn hướng/ Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/ Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!” (Bài ca mùa xuân 1961); còn Chế Lan Viên gọi là “con mắt Bạch Đằng – con mắt Đống Đa”, con mắt giúp nhà thơ “phát giác ra Tổ quốc ở thế oai hùng, thế mạnh” (Thời sự hè 72, Bình luận). Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca Mặt đường khát vọng cũng ý thức sâu sắc điều đó: “Quá khứ được nhìn bằng con mắt hôm nay/ Và hôm nay từ đôi mắt ngày mai/ Chúng tôi sống bằng tương lai một nửa”.

Văn học giai đoạn này tiếp cận và phản ánh hiện thực từ quan điểm sử thi; mọi giá trị của văn học, kể cả giá trị thẩm mĩ cũng được đánh giá từ những tiêu chí và lợi ích của cộng đồng. Nhân vật trong thơ trữ tình thời đại này là những con người mang một dáng dấp mới, tầm vóc mới khác hẳn với nhân vật trữ tình trong Thơ Mới 1932 – 1945. Đó là nhân vật trữ tình đại diện cho cả một thế hệ, cái riêng bao giờ cũng phải đặt sau cái chung của cộng đồng, dân tộc. Tư thế trữ tình mang tầm vóc mới. Có nói đến cái tình thì cũng là “tình sông núi”, tình cảm với non sông đất nước.

*

Cái nhìn có tính sử thi, như trên đã nói, được biểu hiện qua những hình tượng, biểu tượng – là hiện thân cho lẽ sống cao đẹp vì cộng đồng, vì dân tộc. Cái nhìn mang đậm tính sử thi còn được thể hiện tinh tế và nhuần nhị qua trường liên tưởng – một biểu hiện sâu sắc, độc đáo, của phong cách văn học thời đại này.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, khi viết về phong trào Thơ Mới, Hoài Thanh nhận xét: Thơ Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại là đi từ cái ta đến cái tôi, “đời chúng ta nằm, trong vòng cái tôi”. Cách mạng thành công, trước sự trỗi dậy của toàn dân tộc như một “cuộc tái sinh màu nhiệm”, Hoài Thanh thay đổi nhận thức, cho rằng: “đời sống riêng tư không có nghĩa lí gì trong đời sống bao la của đoàn thể”. Cái tôi riêng tư trong thời đại mới, nếu xuất hiện, thì phải theo hướng hòa hợp với cái ta chung. Ta hiểu vì sao, Xuân Diệu có tập thơ mang tên Riêng chung; Chế Lan Viên viết về hoa ngày thường đi liền với chim báo bão (Hoa ngày thường, chim báo bão).

Tư tưởng của thời đại đã được thể hiện sâu sắc trong thơ ca thời đại này, không chỉ qua những hình tượng, biểu tượng độc đáo mà còn thấm sâu vào trường liên tưởng của các nhà thơ. Trường liên tưởng cơ bản nhất của nhiều nhà thơ đều bị chi phối bởi tinh thần của thời đại.  Có thể nói, nhiều nhà thơ trong giai đoạn này, dù có viết về đề tài nào thì cũng liên tưởng đến vấn đề chung của đất nước, hướng đến vấn đề độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. So với Thơ Mới 1932 – 1945, sự thay đổi chuẩn trong cấu trúc so sánh, trường liên tưởng luôn hướng tới vấn đề trọng đại nhất của đất nước, đã thực sự trở thành một trong những yếu tố tạo nên phong cách thời đại của thơ Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975.

Hoàn cảnh chiến tranh đã liên kết con người Việt Nam thành một khối chung thống nhất, muôn người như một. Đúng như Chế Lan Viên viết, đó là “Những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung gương mặt”. Đó là thời đại mà “Mỗi bãi sú bờ đê muốn thoát ra cuộc sống của riêng mình/ Sống đời Tổ quốc”. Thời đại tràn ngập bầu không khí sử thi, mỗi sự vật, mỗi con người đều như muốn phá vỡ những khuôn khổ bình thường, chật hẹp để vươn tới tầm cao của lịch sử: “Không ai có thể ngủ yên trong đời chật/ Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng./ Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt,/ Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm,/ Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt,/ Mỗi con sông  đều muốn hóa Bạch Đằng…” (Chế Lan Viên, Tổ quốc bao giờ đẹp như thế này chăng?).

Một số tác phẩm văn học-nghệ thuật của các văn nghệ sĩ trong kháng chiến (1945-1954).

Cảm hứng về đất nước, dân tộc trở thành một cảm hứng lớn của văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975. Cảm hứng ấy, vừa kế thừa truyền thống lâu bền của văn học Việt Nam qua các thời kỳ, vừa phát triển phong phú, mạnh mẽ, sâu rộng, in đậm tinh thần thời đại, trở thành cảm hứng bao trùm cả nền văn học. Cảm hứng ấy mang đậm tính sử thi, được thể hiện trong niềm tự hào về đất nước, quê hương, về truyền thống dân tộc, khẳng định và ngợi ca những con người mà trước hết là quần chúng nhân dân – những con người bình dị, vô danh “Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” (Nguyễn Khoa Điềm, Mặt đường khát vọng), những con người “Ôm đất nước những người áo vải/ Đã đứng lên thành những anh hùng” (Nguyễn Đình Thi, Đất nước).

Cảm hứng về đất nước, dân tộc mang đậm tính sử thi đã tạo nên những hình tượng sáng chói, rực rỡ như những bức tượng đài bất tử: “Súng nổ rung trời giận giữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn, đứng dậy, sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi, Đất nước). Cảm hứng mang đậm tính sử thi thể hiện qua những hình tượng thơ hoành tráng, kì vĩ: “Những đường Việt Bắc của ta/ Đêm đêm rầm rập như là đất rung/  Quân đi điệp điệp trùng trùng/ Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan/ Dân công đỏ đuốc từng đoàn/ Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay/ Ngàn đêm thăm thẳm sương dày/ Đèn pha bật sáng như ngày mai lên” (Việt Bắc); “Hỡi miền Bắc đó, nặng đôi vai/ Gánh cả non sông, vượt dặm dài/ Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai !” (Theo chân Bác).

Với niềm hưng phấn cao độ, Tố Hữu kiêu hãnh tự hào: “Nếu được làm hạt giống để mùa sau/ Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/ Vui gì hơn làm người lính đi đầu/ Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa !” (Chào xuân 67). Chế Lan Viên say sưa, dõng dạc cất lên tiếng thơ đầy hào sảng: “Tàu Mỹ rụng đất này, ai có nghe chăng ?/ Sao thức canh đêm, bể biếc reo mừng,/ Sóng ru đất, mây nhắn cùng gió thổi:/ – “Thần chiến thắng là những người áo vải, Những binh nhất, binh nhì mười tám tuổi/ Giết quân thù không đợi có hạt nhân” (Sao chiến thắng); “Sắc trời xanh đã hóa màu Tổ quốc/ Xưa cha ông đi mà nay con cháu bắt đầu bay/ Chiều Hà Nội, những thiên thần phản lực/  Xông lên trời lấy máu Mỹ giữa tầng mây…” (Suy nghĩ 1966).

Với khuynh hướng văn học mang tính sử thi, văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975, tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn của đất nước. Đây là văn học của những vấn đề, những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng. Qua những hình tượng, biểu tượng, những tác phẩm văn học thời đại này đã tập trung thể hiện những xung đột giữa dân tộc ta với kẻ thù xâm lược, xung đột giữa ta và địch: các bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Chào xuân 67 của Tố Hữu, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Đất nước của Nguyễn Đình Thi; Sao chiến thắng, Thời sự hè 72 – bình luận của Chế Lan Viên; Kí sự Cao Lạng, kịch Bắc Sơn, tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng; Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai; Đất, Hòn Đất của Anh Đức; Người mẹ cầm súng, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi; Đất nước đứng lên, Rừng Xà nu của Nguyên Ngọc; Trước giờ nổ súng, Bên kia biên giới, Mẫn và tôi của Phan Tứ; Chiến sĩ của Nguyễn Khải; Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu; các vở kịch Nổi gió, Đại đội trưởng của tôi của Đào Hồng Cẩm; Đôi mắt của Vũ Dũng Minh,…

Có thể nói, cảm hứng mang tính sử thi, cái nhìn có tính sử thi đã chi phối hầu hết các sáng tác thuộc đủ các thể loại. Với cái nhìn mang đậm tính sử thi, những nhà văn – chiến sĩ đã sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật riêng, bao gồm cả những bức tranh đời sống và những hình tượng con người – mang vẻ đẹp riêng, đậm màu sắc sử thi và chất lãng mạn. Nhân vật trung tâm của văn học thời kỳ này là người chiến sĩ trên mặt trận vũ trang và những lực lượng trực tiếp phục vụ chiến trường như dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến – là những phương tiện để biểu hiện lịch sử. Con người chủ yếu được khám phá ở bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức chính trị, ở lẽ sống lớn và tình cảm lớn.

Nhân vật chính diện của văn học thường mang những phẩm chất tốt đẹp, gắn bó số phận mình với số phận đất nước, kết tinh những phẩm chất tốt đẹp của cộng đồng, luôn tràn đầy mơ ước và luôn hướng về tương lai tươi sáng của dân tộc. Những nhân vật nếu có được đặt trong những hoàn cảnh, môi trường khác nhau, dẫu có mang những nét tính cách khác nhau, đều lấy lợi ích của cộng đồng, của dân tộc và cách mạng làm hệ quy chiếu. Tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá phẩm chất, tính cách của họ là có phù hợp, có thống nhất với lợi ích chung của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, thống nhất đất nước hay không. Để tạo nên những nhân vật như thế, bút pháp, thủ pháp khắc họa những nhân vật thường là cường điệu, phóng đại, làm cho nhân vật mang tầm vóc vũ trụ. Đa số những con người này có nét khắc kỷ. Cái riêng tư, đời thường nếu được nói đến thì chủ yếu cũng là để nhấn mạnh thêm trách nhiệm và tình cảm của cá nhân đối với cộng đồng, dân tộc.

Trong một thời đại văn học chủ yếu mang tính sử thi và cảm hứng lãng mạn, giọng chủ đạo chính là giọng khẳng định, ngợi ca. Lời văn nghệ thuật cũng thường trang trọng và đẹp một cách tráng lệ, hào hùng.

*

Ngày nay, khi đã có độ lùi về thời gian, khi có thêm những thông tin, tư liệu mới, được mở rộng tầm mắt; đọc lại những áng văn thơ một thời say mê, rất đỗi tự hào này, ta không phải không nhận ra cái hạn chế về tầm nhìn, một cách nhìn, một cách nghĩ của một thời đại. Không phải không nhận ra, với cái nhìn mang tính sử thi, văn học thời đại này còn chưa nói được những bi kịch, những đau thương, mất mát vô cùng to lớn trong chiến tranh. Không phải không nhận ra sự nhất quán, thống nhất cao độ của cái nhìn mang tính chất sử thi, một nền văn học chủ yếu được viết bằng kinh nghiệm cộng đồng chứ không phải bằng kinh nghiệm cá nhân, không phải không làm mất đi cái đa dạng, phong phú của cuộc sống và nghệ thuật cùng với sự bùng nở của những cá tính sáng tạo và phong cách cá nhân nhà văn. Không phải không nhận ra, việc quá nhấn mạnh, đề cao con người xã hội, lợi ích chung của cộng đồng đã làm mất đi quyền cá nhân, hạnh phúc riêng của mỗi con người. Con người cá nhân, về cơ bản, đã mất địa vị, chỗ đứng trong văn học thời đại này.

Nhà thơ Chế Lan Viên trong những năm cuối đời, không khỏi day dứt: “Ở nước ba tuổi đã rời nôi lên ngựa sắt/ Tuổi trẻ chơi cờ lau đòi chơi trò đánh giặc/ Kiếm làm cho con rùa không thể yên thân trong cuộc sống thường/ Thơ chỉ sống một phần cho mình, ba phần cho nhiệm vụ/ Nghĩ mà thương” (Di cảo thơ). Nhà văn Nguyễn Khải cũng tâm sự: “Đọc lại những trang viết của tôi một thời mà tiếc cho năm tháng đã sống vất vả, sống nguy hiểm, sống hào hùng rút lại chỉ là nhũng bài báo nhạt nhẽo, không có một chi tiết nào là thật, không có một khung cảnh nào day dứt, gợi nhớ, không một gương mặt nào cám dỗ, ám ảnh […]. Nhà văn biết sống với thời cuộc nhưng còn phải biết tách ra khỏi thời cuộc để nhìn nhận ra cái sẽ còn lấp lánh lâu dài của nhiều tình tiết trong thời cuộc, sống với những người cùng thời nhưng phải lấy con mắt của đời sau để đo lường giá trị nhiều việc tưởng là tầm thường, là vô nghĩa đối với người đương thời” (Nghề văn cũng lắm công phu).

Những day dứt, những nuối tiếc nói trên thể hiện hạn chế của một thời đại văn học chủ yếu được sáng tác theo khuynh hướng sử thi, chưa chú ý đúng mức mục đích tự thân của văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, dẫu có những hạn chế, nhưng không thể không khẳng định những thành tựu, những đóng góp của văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975. Văn học thời đại này đã nói lên chân thành và sâu sắc tư tưởng chung, tâm lý chung của con người và thời đại ấy. Chế Lan Viên khẳng định: “Ơi kháng chiến ! Mười năm qua như ngọn lửa/ Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường” (Tiếng hát con tàu). Thanh Thảo cũng cho rằng: “Bài hát của hôm nay/ Thô sơ và hực sáng/ Mang lẽ đời đơn giản/ Nói được tới ngày mai…” (Bài ca ống cóng). Cần phải có quan điểm lịch sử để đánh giá đúng đắn những thành tựu và cố nhiên, cả những hạn chế nữa của văn học thời đại này. Vả lại, không có khuynh hướng, trào lưu văn học nào, không có tác giả nào, kể cả những thiên tài mà không có hạn chế. Mỗi khi đất nước chuyển sang một thời kì mới, để đáp ứng yêu cầu mới của con người và thời đại, văn học tất yếu phải đổi thay, phải phát triển trên cơ sở khắc phục những hạn chế, kế thừa thành tựu, tinh hoa của những thời kì văn học trước đó. Đó là quy luật vận động và phát triển của mọi nền văn học.

Có ai đó nói rằng, cuộc chiến tranh có tầm sử thi là cuộc chiến có tầm nhân loại. Cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ là cuộc chiến tranh mang tầm vóc ấy. Là tiếng nói của thời đại, văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 đã phản ánh những vấn đề cơ bản nhất của đất nước, con người Việt Nam, đã nói lên sâu sắc ý chí độc lập, thống nhất đất nước – một sức mạnh vô song, một sự kì diệu của dân tộc Việt Nam.

Trần Đăng Suyền

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM