back to top
25 C
Hanoi
Thursday, 12 September, 2024
Trang chủSự kiện & Hoạt độngLiên hiệp VHNT & VifolacĐánh giá tình hình văn học nghệ thuật Quý III/2023

Đánh giá tình hình văn học nghệ thuật Quý III/2023

Chiều 6/10, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật và hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương Quý III/2023, định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm Quý IV/2023.

Đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ Trưởng Vụ Văn hoá – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật và hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương Quý III/2023.

Tình hình văn học nghệ thuật Quý III/2023

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ Trưởng Vụ Văn hoá – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong Quý III/2023, trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật hưởng ứng, tuyên truyền các sự kiện chính trị, và các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước.

Các chương trình, hoạt động này được cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, đạt chất lượng về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, tạo không khí vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, góp phần đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ Trưởng Vụ Văn hoá – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (Liên hiệp), các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ lực trong tập hợp lực lượng, định hướng sáng tác, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động sáng tạo. Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, có chất lượng. Những cuộc thi, liên hoan, triển lãm toàn quốc và từng khu vực do Liên hiệp, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sáng tạo và xây dựng phong trào.

Đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: “Trong 9 tháng vừa qua, hoạt động của Liên hiệp, các Hội nói riêng và tình hình văn học nghệ thuật trong cả nước nói chung đã dấy lên một phong trào sôi nổi, đây cũng là kết quả mà chúng ta đã tiến từng bước tiến vững chắc cả về số lượng và chất lượng để có được những phong trào, chương trình đạt chất lượng cao”.

Đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số hạn chế, trong đó nổi bật là tình trạng chậm chi trả tiền thưởng cho các tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2022 (04 tháng sau lễ trao giải các tác giả chưa được trao thưởng); chậm chi trả hỗ trợ văn nghệ sĩ tiêu biểu gặp khó khăn theo Kết luận số 59/KL-TW ngày 09/4/2013 của Ban Bí thư (văn nghệ sĩ trong danh sách chưa nhận được hỗ trợ đợt 02/2022).

Theo đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, tình trạng này đã và đang gây tâm tư, bức xúc trong một bộ phận không nhỏ giới văn nghệ sĩ và công chúng.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết: “Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị với Bộ Tài chính từ tháng 4/2023 và tháng 5 Bộ Tài chính cũng đã có văn bản trả lời, tuy nhiên, trong quá trình này có vướng mắc liên quan đến Nghị định của Chính phủ về mức tiền thưởng và quy định về nguồn kinh phí chi trả. Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chi tiết tất cả ngân sách được hưởng của các Hội. Sau khi nhận được văn bản của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vào ngày 27/9/2023 thì ngày 30/9 Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, đến ngày 5/10 Chính phủ đã uỷ quyền cho Bộ Tài Chính có văn bản để báo cáo Uỷ ban Thường vụ quốc hội”.

Bà Trần Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính phát biểu tại Hội nghị.

Theo bà Trần Thị Quỳnh Nga, lý do chậm chi trả tiền thưởng là do sự vướng mắc của thủ tục, Nghị định, còn tiền thưởng thì không có gì thay đổi. Để tránh những vướng mắc cho những lần chi trả tiền thưởng sau, bà Nga đề nghị các cán bộ thực hiện nhiệm vụ này nên chủ động bố trí dự toán để việc chi trả không bị chậm trễ, gây nên những đáng tiếc.

TS. Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng đề nghị: “Đây là những vướng mắc về thủ tục hành chính của chúng ta, mà những giải thưởng này 5 năm mới có một lần nên rất mong các đồng chí có thể cố gắng khi trao tặng đã chuẩn bị tiền thưởng rồi, điều đó thực sự là niềm vui, nguồn động viên to lớn cho người nhận giải, hãy coi đó là động lực để các cơ quan cùng hoàn thành”.

Tác phẩm văn học nghệ thuật trong môi trường số

Trong thời đại số hóa nhanh chóng hiện nay, văn học nghệ thuật đã trải qua biến đổi đáng kể. Tác phẩm văn học nghệ thuật không còn bị giới hạn trong giấy và mực, chúng tồn tại và phát triển trên nền tảng số. Ở Việt Nam, sự thay đổi này đang tạo ra một cơ hội mới để nâng cao giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật.

Trong phát biểu tham luận về vấn đề nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật trong môi trường số ở Việt Nam hiện nay, NSND Trịnh Thuý Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã đề cập đến cách tận dụng môi trường số nhằm nâng cao giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật trong nước.

NSND Trịnh Thuý Mùi phát biểu tham luận Hội nghị.

Theo NSND Trịnh Thuý Mùi, không gian sáng tạo số đang trở thành một xu hướng lớn trong nền văn hóa hiện đại. Đây là một không gian kết nối các văn nghệ sĩ với công nghệ và internet, giúp họ có thể tạo ra các sản phẩm văn học nghệ thuật mới bằng cách sử dụng các công cụ số hóa và phát triển các dự án trực tuyến.

Không gian sáng tạo số đòi hỏi các văn nghệ sĩ cần phải tiếp cận với các công nghệ số mới để khám phá các phương tiện mới thể hiện sáng tạo của mình. Đây là một hành trình không chỉ là đưa công nghệ vào việc sáng tác văn học nghệ thuật, mà còn là đưa văn học nghệ thuật vào thiên đường số.

Với không gian sáng tạo số, các văn nghệ sĩ có khả năng tạo ra những tác phẩm thú vị và độc đáo bằng cách sử dụng các công nghệ số như máy tính, phần mềm đồ họa, video, âm thanh, hoạt hình, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo và internet. Nó giúp người sáng tạo tận dụng và kết hợp các công nghệ số để sáng tạo tác phẩm nghệ thuật sáng tác văn học một cách tối ưu hơn.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện đại, việc tiếp nhận, ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực văn học nghệ thuật như thế nào để vừa gìn giữ, phát triển, không để mai một truyền thống bản sắc văn hóa, vừa không được bảo thủ để cởi mở tiếp nhận cái mới luôn là một vấn đề quan trọng với sự phát triển của cá nhân người nghệ sĩ trong dòng phát triển chung của thời đại.

Việc nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi các tác giả phải có sự đổi mới, sáng tạo nội dung và hình thức, nâng cao hiểu biết về công nghệ hiện đại. Trong môi trường số ở Việt Nam hiện nay có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức như vấn đề bản quyền và sự phụ thuộc vào công nghệ.

NSND Trịnh Thuý Mùi cho rằng, các tác giả cần trang bị cho mình những kiến thức để chủ động đối mặt với những thách thức như bản quyền và sự phụ thuộc vào công nghệ. Chỉ có sự kết hợp của những nỗ lực này mới có thể định hình một tương lai hứa hẹn cho văn học nghệ thuật số ở Việt Nam, nơi giá trị của tác giả, tác phẩm nghệ thuật được tôn trọng và phát triển trong môi trường số đang mở rộng.

“Sự phụ thuộc vào công nghệ đòi hỏi phải có trình độ kiến thức và năng lực tài chính để đảm bảo tính ổn định và bảo mật của các nền tảng trực tuyến. Bên cạnh đó phải có kế hoạch dự phòng để giảm thiểu nguy cơ mất tác phẩm do sự cố kỹ thuật”, NSND Trịnh Thuý Mùi nhấn mạnh.

Nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm

Về việc triển khai nhiệm vụ trong Quý IV, PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh việc Liên hiệp sẽ tổ chức một Hội thảo khoa học với chủ đề “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo để có được tác phẩm hay, góp phần chấn hưng và phát triển sự nghiệp văn hoá, văn nghệ của đất nước”. PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cho biết thêm, Hội thảo đã nhận được khoảng 25 tham luận của các nhà khoa học, các nhà lý luận phê bình, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/10.

PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu kết luận Hội nghị.

Để tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, từng bước khắc phục những hạn chế, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Liên hiệp, các Hội và các cơ quan có liên quan tiếp tục tập trung, phối hợp triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật cho đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ; nghiên cứu, quán triệt 02 bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, và tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, từ đó vận dụng, cụ thể hóa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thành các chương trình, đề án, kế hoạch hoạt động của đơn vị;

Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung của Quyết định số 118 – QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Quy chế tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; Hướng dẫn số 66-HD/BTGTW, ngày 08/8/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc triển khai thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc phân công theo dõi, chỉ đạo các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Liên hiệp và các hội chủ động, tích cực trong phối hợp triển khai, thông tin, tuyên truyền về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương để phối hợp, triển khai tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, xác định rõ nhiệm vụ, nội dung, sản phẩm cần thực hiện, tăng cường thông tin, truyền thông, thông qua các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả để phát động phong trào thi đua sáng tác trong toàn khối hưởng ứng sự kiện quan trọng này; phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan, tham gia trách nhiệm, trí tuệ vào Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035.

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM