Ngày 26/10 tại Hà Nội, báo Văn nghệ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 75 ngày ra số báo Văn nghệ đầu tiên. Trong dịp kỷ niệm đặc biệt này, báo Văn nghệ đã vinh dự nhận được Thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lẵng hoa của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Tham dự lễ kỷ niệm có gần 400 khách mời là lãnh đạo các cơ quan trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam; các nhà văn, bạn viết; nguyên cán bộ lãnh đạo, nhân viên từng công tác tại báo Văn nghệ cùng các phóng viên, biên tập viên, nhân viên tại tòa soạn.
Giữ gìn thương hiệu báo Văn nghệ
Phát biểu khai mạc buổi lễ, nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập báo Văn nghệ đã ôn lại kỷ niệm ra đời và phát triển của tờ báo, theo ông, cách đây 75 năm về trước, vào tháng 3/1948, tại Thôn Gia Điền, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ, Tạp chí Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn nghệ Việt Nam) tiền thân của tờ báo Văn nghệ hôm nay, tiếng nói của Văn nghệ sĩ kháng chiến kiến quốc đã ra đời.
Sức hấp dẫn của tờ báo đã được khởi phát ngay từ những số đầu tiên với sự hội tụ của hàng loạt những tên tuổi lớn trong nền văn học nghệ thuật nước nhà, những người đã tự nguyện đi theo tiếng gọi của non sông, tập hợp dưới lá cờ kháng chiến kiến quốc của dân tộc do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu, như: Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh…
Ngoài việc luôn giữ vững định hướng, tôn chỉ mục đích, báo Văn Nghệ còn có một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là nơi tập hợp đội ngũ các văn nghệ sĩ trong cả nước, tuyển chọn và công bố các tác phẩm chất lượng cao, những tác phẩm có xu hướng đổi mới sáng tạo, để hỗ trợ khích lệ đội ngũ những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hoá văn học nghệ thuật trên con đường tìm tòi sáng tạo của họ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng khẳng định: “Trong 75 năm qua, báo Văn nghệ đã để lại một di sản lớn cho đất nước này, nếu chúng ta không nhận ra đó là một di sản tinh thần, một di sản chữ nghĩa, một di sản văn hóa thì chúng ta sẽ không thể tìm thấy một di sản khác sau đó nữa”.
Trong chặng đường đó, báo Văn nghệ với sự hiện diện của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi nhất, những nhà nghiên cứu, những họa sĩ danh giá nhất đã cùng hội tụ để làm nên vẻ đẹp trí tuệ, tư tưởng và sức lan tỏa phi thường của báo Văn nghệ trong mọi lĩnh vực.
“Văn nghệ là một tờ báo đặc biệt, là một câu chuyện đặc biệt, là một lịch sử đặc biệt trong lịch sử lớn của dân tộc, nó làm nên nhân cách, tư cách, lương tri của người Việt Nam thông qua những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ. Mong các nhà văn, nhà thơ tiếp tục ủng hộ báo Văn nghệ bằng cách mang đến những tiếng nói trung thực nhất, sâu sắc nhất, trí tuệ nhất, bản lĩnh nhất trong sáng tạo nghệ thuật, chỉ như thế chúng ta mới làm cho tờ Văn nghệ còn giữ lại thương hiệu của mình và bền vững phát triển”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.
TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh, sự phát triển của báo Văn nghệ hôm nay chính là lời tri ân sâu sắc nhất của đội ngũ những người làm báo Văn nghệ đối với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự yêu mến của bạn đọc trên khắp mọi miền Tổ quốc.
TS. Đoàn Thanh Nô tin tưởng rằng, với những thành tựu đạt được, báo Văn nghệ sẽ luôn là diễn đàn của văn nghệ sĩ cả nước, đóng góp không ngừng nghỉ trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền văn nghệ Việt Nam. Đồng thời tìm ra một hướng đi mới, vừa giữ được phong cách văn chương sang trọng vốn có, vừa tạo sự hấp dẫn, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của công chúng.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cũng bày tỏ mong muốn, trong công cuộc đổi mới của mình, báo Văn nghệ sẽ đổi mới làm sao cho độc giả của thế hệ ngày hôm nay được thấy lại những năm tháng huy hoàng của báo Văn nghệ trong lịch sử:
“Thay vì chúng ta chỉ muốn làm tốt hơn nữa trang báo điện tử hiện nay thì chúng ta nên làm sao có thể số hóa những số báo Văn nghệ in ngày xưa để qua đó độc giả khi tiếp cận báo Văn nghệ trên không gian số có thể thấy được một phần lịch sử không phải chỉ của tờ báo mà còn của đất nước. Hãy cho những bài báo bất hủ của ngày xưa có cơ hội được tỏa sáng một lần nữa trên không gian số, để được tiếp cận với những độc giả trẻ hôm nay, với những góc nhìn của hôm nay”.
Diễn đàn quan trọng về văn hoá, văn học nghệ thuật
Trong suốt chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ những người làm báo Văn nghệ, cùng với đội ngũ cộng tác viên hùng hậu trong và ngoài nước, đã luôn thực hiện đúng và ngày càng tốt hơn những tôn chỉ mục đích, những tư tưởng và ước mơ ban đầu của những người sáng lập, xứng đáng là diễn đàn quan trọng về văn hoá, văn học nghệ thuật của nước ta, xứng đáng với sự tin cậy của bạn viết và bạn đọc trong và ngoài nước.
Năm 1995 báo Văn nghệ cho xuất bản thêm tờ Phụ san Văn nghệ Trẻ và Văn nghệ Dân tộc Miền Núi, mở rộng diễn đàn, có thêm không gian cho các cây bút, nhất là các cây bút Trẻ vùng đồng bào dân tộc và cả nước. Chỉ trong thời gian ngắn phụ trang Văn nghệ Trẻ, Văn nghệ Dân tộc miền núi của báo Văn Nghệ đã trở thành những ấn phẩm báo chí có uy tín phát hành mỗi số hàng chục ngàn bản.
Trên các ấn phẩm này cũng liên tiếp xuất hiện những bài bút ký phóng sự phản ánh hiện thực sôi động của công cuộc đổi mới trên khắp đất nước, trong đó có không ít những tiếng nói phản biện phản ánh những tiêu cực, những lực cản đang còn tồn tại đâu đó trong xã hội, cản trở sự phát triển lành mạnh của sự nghiệp đổi mới.
Từ năm 2016 báo Văn Nghệ đã xây dựng nền tảng của mình trên không gian mạng bằng việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công báo Văn nghệ Điện tử và Phụ trang Văn nghệ Trẻ Điện tử tại địa chỉ: baovannghe.com.vn; baovannghe.vn. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về cả nhân sự, tài chính và các yếu tố kỹ thuật công nghệ nhưng sự ra đời báo Văn nghệ Điện tử đã mở ra một trang mới trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Báo Văn nghệ, kiên quyết không bị “bỏ lại phía sau” trong cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra trên khắp cả nước.
Từ năm 2008, báo Văn nghệ bắt đầu từng bước thực hiện việc tự chủ về mọi mặt. Việc “cai sữa bao cấp”, có thể nói cũng là một quá trình vô cùng gian nan đối với Ban biên tập và toàn thể biên tập viên, phóng viên, nhân viên của toà soạn. Điều này cũng gây nên sự lo lắng, bất an, hồi hộp thường xuyên cho bạn đọc, bạn viết từng gắn bó với tờ báo trong nhiều năm. Và hai tờ báo Văn nghệ Trẻ, tạp chí Văn nghệ Dân tộc miền núi đã phải dừng xuất bản.
Trước đó, trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến nay, báo Văn nghệ đã tổ chức được 12 cuộc thi sáng tác văn học lớn nhỏ, ở tất cả các thể loại: Truyện ngắn, Thơ và Bút ký, góp phần phác thảo nên diện mạo của một xu hướng văn chương mang trầm tích của tự do sáng tạo. Đồng thời, tiếp tục khẳng định vị thế của báo Văn nghệ, chính là một hệ thống chuẩn mực về tư tưởng, văn hoá, lí tưởng nghệ thuật.
Với tôn chỉ mục đích đã được xác định từ khi ra đời, đồng hành cùng dân tộc và đất nước, với những thành tựu xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước của dân tộc, Báo Văn nghệ xứng đáng với những tấm Huân chương Độc lập hạng Nhì và Huân chương Độc Lập hạng Nhất do Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng, cùng với lời tuyên dương “Đã nhiều thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, phản ánh cuộc sống mới con người mới, góp phần xây dựng và phát triển nền Văn nghệ cách mạng Việt Nam”.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 75 năm Ngày báo Văn nghệ ra số đầu tiên, Ban biên tập báo Văn nghệ ra mắt giao diện báo Văn nghệ điện tử tại địa chỉ: baovannghe.com.vn; baovannghe.vn và ra mắt báo Văn nghệ Trẻ Điện tử, tại địa chỉ: vannghetre.com.vn và vannghetre.vn.
Báo Văn nghệ là một trong những địa chỉ tiêu biểu của nền báo chí cách mạng nước nhà luôn luôn đồng hành cùng những chặng đường vẻ vang của Đảng, của dân tộc, góp phần cùng các cơ quan báo chí trong nước hoàn thành tốt trọng trách của báo chí cách mạng Việt Nam.