Chặng đường 15 năm hoạt động như ông tự đánh giá “so với chiều dài lịch sử thật chẳng thấm vào đâu”. Trong 15 năm từ 1930 – 1945, ở nước Việt Nam là cả một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Đỉnh cao là Mặt trận Việt Minh (với nòng cốt là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vĩ đại, xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bên chính nghĩa là người chiến thắng
Với 270 trang sách, Nhật ký một chặng đường tái hiện hành trình hoạt động cách mạng của người thanh niên yêu nước Lê Tùng Sơn. Với cách thể hiện theo tuyến tính thời gian, bạn đọc theo bước chân của nhân vật trên suốt hành trình từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đời cách mạng luôn phải đối mặt với hiểm nguy, tù đày, thậm chí phải trả giá đắt bằng chính cả tính mạng của mình. Lê Tùng Sơn cũng không ít lần gặp phải tình huống hiểm nghèo như vậy. Không chỉ gặp nguy nan khi hoạt động nơi đất khách quê người, ngay cả khi đã trở về nước, ông cũng không ít lần sa vào nơi miệng hùm hang rắn.
Bạn đọc hôm nay sẽ bị hấp dẫn bởi những tình huống thót tim lo lắng cho số phận của những chiến sĩ cách mạng, trong đó có ông Lê Tùng Sơn khi “Hoa quân nhập Việt”. Quân đội Tưởng Giới Thạch dưới danh nghĩa quân Đồng Minh sang Việt Nam giải giáp vũ khí quân đội phát xít Nhật Bản đã đứng sau hậu thuẫn cho các đảng phái chống Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính các tướng Tiêu Văn, Chu Phúc Thành ra lệnh bắt ông Lê Tùng Sơn ngay tại Hà Nội.
Ông Lê Tùng Sơn (1908 – 1983) tên thật là Nguyễn Văn Cự, quê H.Kim Động, Hưng Yên. Từ năm 1954, ông tham gia Ban phụ trách Biện sự sứ Việt Nam ở Vân Nam (1954 – 1955), Tổng lãnh sự Việt Nam ở Vân Nam – Trung Quốc (1956 – 1959), Vụ trưởng Vụ Á châu I – Bộ Ngoại giao (1960 – 1966), Ủy viên thường trực Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài – nay là Ủy ban UNESCO (1971 – 1976). Ông Lê Tùng Sơn nghỉ hưu năm 1976 và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì…
Nhật ký một chặng đường còn giúp người đọc biết thêm về phong trào yêu nước của kiều bào ta tại Vân Nam (Trung Quốc) trong những năm 1930 – 1945. Đó là bức tranh lịch sử được tái hiện qua ngòi bút tả thực dựa trên hồi cố của tác giả. Mỗi bước đi của thời gian qua từng trang sách lại cho chúng ta thấy hoạt động yêu nước ở từng địa phương. Đặc biệt, không khí sôi động của những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 ở các tỉnh biên giới Hà Giang – Cao Bằng về tới Hà Nội; những cuộc giao phong trong các đảng phái đối lập khiến cho Hồ Chủ tịch và Chính phủ phải khéo léo và kiên quyết xử lý khi các tình huống phát sinh ở Vĩnh Yên, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai… Cuối cùng, bên chính nghĩa là người chiến thắng, các đảng phái phản động lần lượt bị quét khỏi Việt Nam.
Cộng sự gần gũi của lãnh tụ Hồ Chí Minh
Ông Lê Tùng Sơn sinh trưởng tại Hưng Yên, từ nhỏ đã được nghe những người có chữ trong làng đọc câu thơ của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời Trần “Múa giáo non sông trải mấy thâu/Ba quân khí mạnh nuốt sao Ngưu…”. Năm 1929, ông tham gia tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng, được phân công cùng anh em do Phó Đức Chính và Phó quản Nguyên chỉ huy đánh đồn Thông (Sơn Tây). Việc đánh đồn không thành. Phó Đức Chính, Phó quản Nguyên và Thanh Giang (một trong những người chỉ huy đánh đồn Yên Bái, thất bại chạy về Sơn Tây) bị bắt. Lê Tùng Sơn cũng bị chính quyền thực dân Pháp lùng bắt. Sau một thời gian trốn ở nhiều nơi giữa Sơn Tây và Vĩnh Yên, bị truy nã gắt gao, ông chạy sang Vân Nam (Trung Quốc) hoạt động.
Thời gian ở Trung Quốc, ông vào học tại Trường Quân quan học hiệu ở Côn Minh. Năm 1935, Lê Tùng Sơn và Bùi Đức Minh (sau Cách mạng Tháng Tám 1945 là Giám đốc Công an Liên khu 10) tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập Chi bộ Vân – Quý (Vân Nam – Quý Châu) của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Vân Nam.
Thiếu tá tình báo người Mỹ, ông Patti viết trong hồi ký Tại sao Việt Nam (Why Vietnam) đã chia sẻ một kỷ niệm khi gặp gỡ lãnh tụ Hồ Chí Minh ở một quán trà tại Côn Minh (Trung Quốc): “Tôi nắm lấy bàn tay gần như mỏng mảnh của ông Hồ và bày tỏ sự vui sướng của tôi vì được gặp một người có nhiều người bạn Mỹ ở Côn Minh. Sau đó, ông Hồ giới thiệu người Việt Nam khác, ông Lê Tùng Sơn, như là một người cộng tác gần gũi của mình trong Liên minh”.
Khi quân phát xít Nhật Bản đánh chiếm hoàn toàn Trung Quốc, rồi thừa cơ xâm lược Việt Nam, ở nơi đất khách quê người năm 1942 Lê Tùng Sơn đã cùng những Việt kiều yêu nước thành lập Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội. Sang năm 1943, Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội triệu tập đại hội đại biểu ở hải ngoại. Có uy tín trong giới tướng lĩnh Trung Quốc khi đó và những người yêu nước Việt Nam sinh sống, hoạt động trên đất Trung Quốc, ông Lê Tùng Sơn trúng cử ủy viên ban chấp hành trung ương chính thức của Hội. Cũng trong thời gian này, ông gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh mới thoát khỏi nhà giam của Quốc dân đảng nhưng vẫn chịu sự quản thúc của chính quyền Trung Hoa Quốc dân đảng.
Trong Nhật ký một chặng đường, ông Lê Tùng Sơn cho biết Nguyễn Hải Thần đưa ông vào thăm lãnh tụ Hồ Chí Minh:
“Khi tới chỗ Bác ở, Hải Thần gọi: Cụ Hồ ơi! Có ông Lê ở Vân Nam mới sang. Tôi đưa ông ấy vào thăm cụ đây.
Lúc này Bác đang viết gì trên bàn, nghe tiếng gọi, Bác đứng dậy bắt tay chúng tôi. Bác hỏi tôi: Ông ở Vân Nam mới sang? Đời sống của kiều bào ta bên đó thế nào?
Tôi trả lời câu hỏi của Bác. Sau đấy, Bác nói chuyện với Hải Thần và tôi. Tôi thấy Hải Thần đối với Bác có phần kính trọng”.
Từ cuộc gặp gỡ không hẹn mà nên này, Lê Tùng Sơn trở thành cộng sự gần gũi của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Không chỉ trong các hoạt động của người Việt Nam yêu nước ở Trung Quốc, trở về nước, ông cùng các đồng chí của mình còn sát cánh với Chính phủ lâm thời trong những ngày nước sôi lửa bỏng trong năm đầu tiên nước nhà độc lập 1945 – 1946 với các chức vụ: Chủ nhiệm báo Đồng Minh, Đại biểu Quốc hội khóa 1 ứng cử tại Thái Bình; Tham mưu trưởng Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam…
Ông Lê Tùng Sơn đã trở thành một trong những cộng sự đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cùng những đồng chí của mình là Bồ Xuân Luật, Hồ Đức Thành, Trương Trung Phụng, lãnh đạo Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội ủng hộ những quyết sách của Chính phủ những ngày còn trứng nước.