back to top
26 C
Hanoi
Tuesday, 10 September, 2024
Trang chủVăn học Nghệ thuậtDiễn đàn & Lý luậnCông trình thế kỷ, không phải nhiệm vụ riêng của Bộ, ngành...

Công trình thế kỷ, không phải nhiệm vụ riêng của Bộ, ngành nào

Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 là công việc hệ trọng, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Việc thực hiện Chương trình là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, không phải là nhiệm vụ của riêng một Bộ, ngành nào. Có thể gọi đây là một công trình thế kỷ lớn của quốc gia về chấn hưng văn hóa và con người Việt Nam, tạo ra những giá trị mới về văn hóa, VHNT, có tác dụng tích cực trong đời sống văn hóa, đời sống tinh thần của đất nước, góp phần làm thay đổi diện mạo của xã hội.

Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới sự quản lý của Nhà nước, chúng tôi luôn xác định vị trí, nhiệm vụ của mình trong xây dựng đời sống tinh thần của đất nước. Văn nghệ sĩ rất vui mừng khi đón nhận thông tin kinh phí của chương trình với số tiền đề xuất là 350.000 tỉ đồng. Kỳ vọng Chương trình này sẽ mở ra những điều kiện thuận lợi mới để VHNT Việt Nam cất cánh và điểm đến cuối cùng chính là có nhiều tác phẩm hay, làm rung động lòng người và sống mãi với thời gian. Các tác phẩm mới sẽ góp phần củng cố lòng tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, tạo ra được khát vọng vươn lên của dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhận thức được mục tiêu này, cần có những nhiệm vụ cụ thể.

Về nhận thức, cần phải xem VHNT là một mũi nhọn trong công cuộc xây dựng và chấn hưng văn hóa mới. Phải thấy yếu tố quyết định chính là con người, trong đó văn nghệ sĩ, giới trí thức, nhà văn hóa đóng vai trò rất quan trọng, tạo nên những tác phẩm, công trình với những giá trị tinh thần, phục vụ xây dựng con người mới trong thời đại mới. Văn nghệ sĩ phải được xem là một lực lượng sản xuất ra những giá trị tinh thần và văn hóa, cần được coi trọng, cụ thể là những chế độ chính sách đãi ngộ cho một đối tượng được coi là đặc thù. Để vừa khuyến khích sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo và khuyến khích cho sự thăng hoa sáng tạo.

Cần có một khối lượng kinh phí đầy đủ để đẩy mạnh và đảm bảo phát triển cho những lĩnh vực mà không thể xã hội hóa được như đối với nghệ thuật dân tộc như chèo, tuồng, cải lương, dân ca. Với những loại hình kinh điển như giao hưởng, hợp xướng, opera, ballet… cũng cần có những gói đầu tư riêng cho từng lĩnh vực. Phải dành một phần ngân sách thỏa đáng để đẩy mạnh các loại hình nòng cốt của văn hóa, đặc biệt là đầu tư cho công nghiệp văn hóa, nếu không có đầu tư thì sẽ khó có thể cất cánh.

Chúng ta rất cần có những thiết chế văn hóa tiên tiến, hiện đại và dĩ nhiên phải được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong đó cần đặc biệt quan tâm xây dựng các nhà hát, phòng hoà nhạc, các nhà triển lãm chuyên dụng, tránh đầu tư xây dựng tràn lan, lẻ tẻ. Cần phải xây dựng trung tâm nghệ thuật mang tính đặc thù của quốc gia và mang tầm cỡ quốc tế như các thành phố điện ảnh, âm nhạc, sân khấu… và phải trở thành các đề án cụ thể.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình để đầu tư đó là công tác đào tạo tài năng trẻ. Đào tạo nghệ thuật phải được thực hiện một cách bài bản mang tính đặc thù, phát hiện năng khiếu từ bé để bồi dưỡng và gửi đi học ở nước ngoài. Chúng ta đã có những đề án đào tạo tài năng nghệ thuật, tuy nhiên vẫn cần có những gói đào tạo chuyên biệt, cụ thể.

Kể ra hàng loạt những đòi hỏi từ thực tiễn đang chờ để đầu tư, tôi muốn nhấn mạnh đây không phải là sự nghiệp của một ngành, nghề mà đây là sự nghiệp toàn Đảng, toàn dân, của cả dân tộc. Đây chính là ước mong của cả giới VHNT, giới văn nghệ sĩ nhằm tạo ra những giá trị mới về VHNT.

Tôi cho rằng con số 350.000 tỉ đồng cho giai đoạn 11 năm (2025-2035) trên phạm vi cả nước của Chương trình không hề lớn, nếu đầu tư đúng và trúng trọng điểm. Nếu ai đó cho là nhiều thì họ cần hiểu đầu tư cho văn hóa là đầu tư chiều sâu đòi hỏi phải có thời gian dài. Các sản phẩm về văn hóa cũng không thể nhìn cụ thể kiểu như sản phẩm nghiệm thu, quyết toán hằng năm được. Không thể mang các sản phẩm văn hóa ra để đong đếm như các lĩnh vực khác trong xã hội.

Nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT VN

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM