Lễ ra mắt sách đặc biệt, trang trọng với sự tham dự của Chủ tịch nước
Lễ ra mắt sách được tổ chức vào ngày 20/9/2023 trước thềm kỷ niệm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu – ngôi nhà chung của các thế hệ nhà văn Việt Nam. Nơi đã tổ chức rất nhiều lễ ra mắt sách, nhưng Lễ ra mắt sách lần này đặc biệt hơn bởi sự có mặt của Chủ tịch nước, thể hiện sự quan tâm sâu sát, trọng thị của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với văn học nghệ thuật.
Tham dự lễ ra mắt sách có đồng chí Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Trần Quốc Vượng – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Lê Khánh Hải – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Đỗ Đức Duy – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái; đồng chí Phan Xuân Thủy – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; đồng chí Hà Đăng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Về phía Tỉnh ủy Thái Bình có đồng chí Ngô Đông Hải – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh Thái Bình, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng khẳng định, ngoài việc khích lệ, tạo điều kiện để các nhà văn sáng tác, BCH Hội Nhà văn luôn sẵn sàng chờ đón, giới thiệu nhiệt tình tất cả các tác phẩm mới của các nhà văn khi xuất bản. Trong tinh thần ấy, Hội tổ chức lễ giới thiệu, ra mắt tiểu thuyết “Còn có ai người khóc Tố Như”. Mỗi buổi ra mắt sách đều có nét khác biệt, buổi ra mắt sách của nhà văn Võ Bá Cường cũng vậy, nhưng có một điểm cần nhấn mạnh là độ tuổi của tác giả, khi ông đã ngoài 80 nhưng vẫn nỗ lực sáng tác để cho ra đời tiểu thuyết lịch sử là một điều rất đáng kính trọng.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh: “Hội Nhà văn đến nay luôn tâm niệm nhà văn lão thành không chỉ là tài sản, di sản về kinh nghiệm sáng tác, là tấm gương về sự tận hiến, cống hiến sức lao động, họ còn là rường cột của mối đoàn kết nhất trí trong toàn thể Hội. Buổi ra mắt sách cũng là một hành động tri ân đối với cống hiến của ông cho văn học. Việc tôn vinh các nhà văn lão thành không chỉ dừng lại ở trách nhiệm và nghĩa vụ, cần tiến tới trở thành một “nghi lễ nghề nghiệp”.
Ông cho biết thêm, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã quyết định tổ chức Hội nghị nhà văn lão thành lần thứ nhất vào cuối tháng 9 này để tri ân và tôn vinh những đóng góp của các nhà văn lão thành cho nền văn học đương đại.
Đồng chí Ngô Đông Hải – Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Thái Bình cho biết, sự kiện ra mắt sách “Còn có ai người khóc Tố Như” của nhà văn Võ Bá Cường là sự kiện lớn về văn hóa, văn học nghệ thuật, cũng là sự kiện lớn mang tính nhân văn và lịch sử của tỉnh Thái Bình. Khẳng định, tác phẩm đối với Thái Bình hết sức có giá trị “là sản phẩm quan trọng của văn hoá Thái Bình”, coi đây là mảnh ghép của lịch sử văn hóa tỉnh Thái Bình, đóng góp cho nền văn học nước nhà, đóng góp cho mảnh ghép lịch sử, văn học cả nước.
Để “Mười năm gió bụi” của Nguyễn Du tại Thái Bình không còn mờ nhòe trong lịch sử
Tại Lễ ra mắt sách, đồng chí Ngô Đông Hải xúc động kể lại câu chuyện khoảng 2-3 năm trước: “Vào một hôm khi tôi đến thăm nhà nhà văn Võ Bá Cường, khi đó ông đang rất phấn khởi vì vừa “thửa” xong một tủ sách rất bề thế, trong đó có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng được trưng bày ngay tại phòng khách. Điều đặc biệt hơn cả là trên giá sách có dòng chữ “Cảo thơm lần giở trước đèn”. Bắt đầu từ đó, giữa tôi và nhà văn Võ Bá Cường – câu chuyện về Đại thi hào Nguyễn Du bắt đầu, và chúng tôi cũng đã có điều kiện chia sẻ với nhau rất sâu sắc”.
Câu chuyện từ đó cũng đặt ra những câu hỏi lớn cần trả lời về cuộc đời của Đại thi hào Nguyễn Du ở Thái Bình. Với sự “đau đáu” của nhà văn Võ Bá Cường cùng niềm tự hào về miền đất Thái Bình với những nhà văn hóa lớn, những danh nhân của đất nước những giá trị ấy cần được ghi nhớ, tôn vinh và lưu truyền như thế nào? Từ đó nhà văn quyết tâm tái hiện lại cuộc sống của Nguyễn Du trong mười năm ở Thái Bình.
Với nhiều khó khăn khi không có tư liệu, nhân chứng, chưa có nghiên cứu, khảo cứu nào về quãng thời gian này của Nguyễn Du và cái khó là tái hiện lại không gian khi ấy. Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã thống nhất với tác giả, dù viết dã sử hay hư cấu vẫn đặt trong không gian lịch sử, tuân thủ sự thật về cuộc đời, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du.
GS Phong Lê, người tự hào là “đồng hương hậu sinh bé mọn” của Nguyễn Du cho biết, điều ông quan tâm trong và sau khi đọc sách của Võ Bá Cường là việc cảm nhận hồn cốt, tâm thế, chí hướng, bản lĩnh của một Đại thi hào đã được hình thành và sáng tỏ như thế nào trong mối quan hệ giữa đất và người từ Thái Bình in đậm dấu ấn lên 55 tuổi đời của Đại thi hào Nguyễn Du.
Ông chia sẻ: Qua tác phẩm “Tôn vinh Nguyễn Du gắn với Thái Bình và tôn vinh đất mẹ Thái Bình với tất cả tình cảm yêu thương, tự hào và thành kính là đóng góp lớn của Võ Bá Cường qua một văn phong rất đời mong ôm hết mọi xù xì, thô nhám, góc cạnh và luôn gây ngạc nhiên của sự sống. Tôi muốn đưa Võ Bá Cường vào danh sách dài những người đã có công lớn tôn vinh và làm rạng danh Nguyễn Du suốt hơn 200 năm qua”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh trong buổi lễ nhắc đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại Thi hào trong thời đại tao loạn, rối ren xung đột bởi nhiều thế lực chính trị khác nhau, các cuộc chiến tranh, nội chiến kéo dài. Nguyễn Du đã đến Thái Bình. Võ Bá Cường đã xây dựng một thiên tình sử tuyệt đẹp giữa Nguyễn Du với vợ là Đoàn Thị Huệ và những năm tháng ân nghĩa ở Thái Bình.
Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: “Nếu không có những năm tháng ở Thái Bình thì Nguyễn Du không thể sáng tác được Truyện Kiều và có được Truyện Kiều như chúng ta được biết. Đọc tiểu thuyết ta hiểu thêm triết lý của Truyện Kiều, đã vén lên bức bàn giúp ta nhìn thấy thân phận đau đớn và những bước phong trần của Nguyễn Du, qua đó giúp ta thấm thía hơn những gì mà Nguyễn Du đã gửi gắm trong thơ chữ hán, trong văn chiêu hồn và đặc biệt là trong tiểu thuyết bằng thơ bất hủ Truyện Kiều. Từ đó cho phép tôi nghĩ rằng, những ai say mê, trân trọng Truyện Kiều không thể nào không đọc Còn có ai người khóc Tố Như”.
Tại lễ ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Bá Cường gửi lời cảm ơn đến sự khích lệ của các bạn văn và lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã giúp đỡ ông hoàn thành tác phẩm, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự hiện diện, quan tâm của các vị chính khách, của đồng chí Chủ tịch nước chứng tỏ Nghị quyết của Đảng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã đang được vận hành vào cuộc sống. Ông bày tỏ: “Tôi, một nhà văn nhỏ bé, câu chữ còn non nớt, tư tưởng chưa sâu xa, chỉ dám động bút vào một giai đoạn ngắn “mười năm gió bụi” ở quê ngoại của Nguyễn Du ở quê vợ Thái Bình làm sáng tỏ một giai đoạn, một thời đại thi hào để không còn mờ nhòe. Chắc chắn những trang viết của tôi có nhiều thiếu sót, mong các vị lãnh đạo, các đại biểu và các nhà văn nhiều thế hệ lượng thứ”.
Tác phẩm “Còn có ai người khóc Tố Như” gồm 2 phần, 16 chương, khắc họa chân dung Đại thi hào Nguyễn Du ở giai đoạn về Thái Bình lấy vợ và tạm trú tại đây. Khi đó, đất nước vừa dứt loạn Trịnh – Nguyễn phân tranh thì lại xảy ra cuộc chiến khốc liệt giữa nhà Tây Sơn với Gia Long. Cuốn tiểu thuyết với lối hành văn phóng túng, hào sảng. Ngôn ngữ được cân đo, lựa chọn kỹ càng về phong tư cốt cách phẩm hạnh con người, phẩm tính thời đại rồi mới tiến tới luận về tư tưởng, tinh thần kẻ sĩ trước thời cuộc. Khi đọc “Còn có ai người khóc Tố Như” sẽ gặp những trường đoạn giàu suy ngẫm về sự đời, lẽ thời của người nông phu, bậc sỹ phu trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du.