Có thể nói bài “Cùng nhau đi hồng binh” của Đinh Nhu là một trong những bài hát đầu tiên nổi rõ chủ đề tổ quốc được lan truyền khá nhanh. Tiếp đến là những ca khúc của Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận luôn hào sảng âm hưởng cách mạng, thôi thúc người ta lên đường hành động để giải phóng đất nước.
Những “Xếp bút nghiên”, “Lên đàng”, “Bạch Đằng Giang”, “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước, “Hận Sơn La”, “Côn đảo”, “Du kích ca” của Đỗ Nhuận, “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, đặc biệt đỉnh cao là “Tiến quân ca” của Văn Cao đã hừng hực khí thế cách mạng, sôi sục bầu máu nóng chiến đấu vì độc lập tự do cho tổ quốc đã có sức cổ vũ mạnh mẽ hàng triệu người dân bước vào đội ngũ tranh đấu.
Lịch sử mãi ghi nhận, tôn vinh giá trị lịch sử những tác phẩm kể trên – những tác phẩm thể hiện trách nhiệm công dân rất lớn của tác giả trước vận mệnh Tổ quốc. Thành công của cuộc cách mạng Tháng 8 năm 1945 dẫn đến việc ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có công đóng góp của 4 nhạc sĩ trên. Đó cũng là những nhạc sĩ hàng đầu trong đội ngũ nhạc sĩ Việt Nam, luôn đặt tổ quốc lên trên hết trong mọi tác phẩm, coi đó là chủ đề bao trùm lên toàn bộ sự nghiệp sáng tác của mình.
Sau này, Nguyễn Đình Thi tiếp tục với “Người Hà Nội”, Lưu Hữu Phước với hàng loạt ca khúc ra đời trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng các bút danh Huỳnh Minh Siêng, Lưu Nguyễn, Long Hưng (các bài “Giải phóng miền Nam”,“Bài ca giải phóng quân”, “Hành khúc giải phóng”, “Giờ hành động”).
Ngay khi cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ bắt đầu diễn ra ở miền Bắc, ông đã có mấy bài hát giàu tính hiệu triệu, thôi thúc quân dân ta hành động (“Thanh niên ba sẵn sàng”, “Sẵn sàng chiến đấu”). Nếu Lưu Hữu Phước trở lại miền Nam hoạt động thì Đỗ Nhuận lại có mặt ở tất cả các mũi nhọn sản xuất và chiến đấu ở miền Bắc để vừa làm công tác lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam, vừa sáng tác. Tổ quốc lại tiếp tục được diễn tả trong một khối lượng đồ sộ bài hát của ông đề cập đến mọi bình diện của cuộc sống.
Giai đoạn hoà bình sau năm 1954, ông có “Việt Nam quê hương tôi” như một bức tranh sơn thuỷ rất đẹp, đầy sức quyến rũ về tổ quốc Việt Nam: “Việt Nam đất nước quê hương chúng tôi, có mặt biển xanh xa tít chân trời. Nghe sóng vỗ dạt dào biển cả, vút phi lao gió thổi trên bờ…”. Và một tổ quốc kiêu hùng đầy quả cảm với một dân tộc kiên trung lại hiện ra thật đậm nét trong rất nhiều sáng tác của ông giai đoạn chống Mỹ sau đó: “Giặc đến nhà là đánh”, “Vui mở đường”, “Trai anh hùng gái đảm đang”, “Hát mừng các cụ dân quân”, “Quê ta từ đất dấy lên”, “Trống hội tòng quân”…
Ngoài những sáng tác rất có giá trị của 4 nhạc sĩ tiêu biểu thuộc lớp cựu trào trên, một đội ngũ hùng hậu các tác giả góp sức tô đậm chủ đề tổ quốc trong nhiều tác phẩm xuất sắc của mình. Có thể kể tên: Văn Chung, Lê Yên, Lê Lôi, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Xuân Oanh, Hoàng Vân, Văn Ký, Hồ Bắc, Phạm Tuyên, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu, Văn An, Trọng Loan, Nguyễn Đình Phúc, Lương Ngọc Trác… và các lớp nhạc sĩ kế cận nối tiếp khá hùng hậu, đông đảo.
Có những tác giả trực tiếp nói đến Tổ quốc với ý nghĩa khái quát đã đạt được độ sâu sắc và phong phú. Đó là các tác phẩm “Tổ quốc ta trên mười năm đã lớn” (Hồng Đăng), “Tổ quốc ta chưa đẹp thế bao giờ” (Nguyễn Văn Thương), “Hát về Tổ quốc tôi” (Hữu Xuân), “Đất nước” (Phạm Minh Tuấn), “Việt Nam trên đường chúng ta đi” (Huy Du), “Đây là tổ quốc tôi” (Nguyên Nhung), “Đất nước tôi” (Trần Chung)…
Đặc biệt có hai bản hợp xướng giá trị, giàu sức thuyết phục đã tạo dựng được hai bức tranh hoành tráng về Tổ quốc, trong đó cảnh sắc thiên nhiên và tầm vóc lịch sử đã được các tác giả thể hiện rất hài hoà, nhuần nhuyễn trong tác phẩm. Đó là “Ca ngợi tổ quốc” của Hồ Bắc và “Tổ quốc” của Hoàng Vân. Nếu hợp xướng của Hồ Bắc trang trọng, đĩnh đạc nhưng không kém phần mượt mà, uyển chuyển thì tác phẩm của Hoàng Vân lại sinh động, gợi nhiều suy tư. Đặc biệt màn hát của các em nhỏ xuất hiện trong hợp xướng đã gây hiệu quả đột xuất bởi một thế hệ măng non của đất nước đã làm tươi xanh, tràn đầy hy vọng thêm cho khái niệm tổ quốc.
Ngoài hai tác phẩm nổi tiếng này, không thể không nhắc đến “Tiếng hát người chiến sĩ biên thuỳ” (Tô Hải), “Sóng vỗ Cửa Tùng” (Doãn Nho), “Miền Nam anh dũng và bất khuất” (Phạm Tuyên) cũng là những hợp xướng có giá trị, được lưu truyền một thời.
Những cảm hứng về chủ đề tổ quốc đã được giới nhạc sĩ khai thác ở rất nhiều khía cạnh đa dạng, phong phú, thể hiện tài năng sáng tạo không ngừng. Một trong những khía cạnh ấy là sự ra đời rất nhiều bài hát hay về các vùng quê hương, đất nước. Đó chính là những chân dung cụ thể của Tổ quốc vậy.
Ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, người dân vùng tự do đã quen biết và ưa thích bài “Quê em” (Nguyễn Đức Toàn). Tuy viết về một miền quê cụ thể là trung du Bắc Bộ, nhưng bài hát này đã mang được tất cả những nét tiêu biểu nhất của quê hương Việt Nam trong những ngày khói lửa chiến tranh: “Đồng quê lúa xanh rờn, giặc tràn lên đốt phá. Dâu bờ xanh thắm, nong tằm chín lứa tơ không tay người chăm bón…” Trung dũng và quật cường, gian khổ nhưng lạc quan, tin vào chiến thắng cuối cùng, dạt dào âm hưởng lãng mạn, đầy tình thương yêu đồng đội, quân dân là nét bao trùm được toát ra từ bài này.
Cũng như vậy, còn có bài “Nhạc rừng” nói về cuộc sống chiến đấu ở “Miền Đông gian lao mà anh dũng” của Hoàng Việt. Cùng chất hồn nhiên, vui tươi, dạt dào âm hưởng chiến thắng đầy lãng mạn, giàu chất thơ, nhưng bài hát của Hoàng Việt đã nổi rõ tính chất một miền quê ở miền Đông Nam Bộ, mặc dù tác giả không dùng một chất liệu nào của dân ca vùng này.
Bức tranh các miền quê của tổ quốc ta càng thêm phong phú, sinh động với “Hà Tây quê lụa” (Nhật Lai), “Thành phố hoa phượng đỏ” (Lương Vĩnh), “Hà Giang quê tôi” (Thanh Phúc), “Nha Trang mùa thu lại về” (Văn Ký), “Tiếng hát trên thành phố dệt” (Trần Chung), “Về Đồng Nai” (Xuân Hồng), “Đồng Nai mùa sầu riêng” (Trần Viết Bính), “Những bông sen và những mái chèo” (Nguyễn An), “Về An Giang” (Trần Chương), “Huế tình yêu của tôi” (Trương Tuyết Mai), “Vũng tàu biển hát” (Vũ Thanh), “Quảng Bình quê ta ơi” (Hoàng Vân), “Về Hà Tiên” (Nguyễn Đình San)…
Đặc biệt nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được coi là người rất có duyên sáng tác tình ca với những bài hát nổi tiếng, rất được nhân dân địa phương ông nói đến mến mộ: “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Bài ca năm tấn” (viết về Thái Bình), “Chim hót trên đồng đay” (viết về Hưng Yên).
Tổ quốc luôn gắn liền với nghĩa vụ công dân. Điều này đã được thể hiện rất rõ ở những bài hát hay nhất trong mấy chục năm qua. Dù chủ thể cảm xúc là ta hay là tôi, mọi tình cảm biểu hiện dù có riêng tư đến đâu cũng đều được gắn liền với cộng đồng, hướng tới những điều cao đẹp. Chủ đề Tổ quốc không chỉ có ở những tác phẩm nói trực tiếp về quê hương xứ sở mà còn được nổi rõ ngay cả những bài tưởng như chẳng liên quan.
Ví như những bài nói đến tình yêu đôi lứa (tình ca) mà tiêu biểu là những ca khúc đặc sắc hầu như ai cũng biết: “Tình ca” (Hoàng Việt), “Tình em” (Huy Du), “Nhớ” (Hoàng Vân), “Dòng sông” (Trần Viết Bính), “Anh ở đầu sông em cuối sông” (Phan Huỳnh Điểu), “Gửi nắng cho em” (Phạm Tuyên), “Hoa sữa” (Hồng Đăng), “Chiều trên bến cảng” (Nguyễn Đức Toàn)…
Ở đây, những rung động trái tim, tiếng lòng của đôi lứa đã được bắt nguồn từ những sự đồng cảm của những người có chung hoàn cảnh. Đó chính là hiện trạng của Tổ quốc hoặc những gì khiến số đông người cùng quan tâm. Ở những ca khúc này, không thể tìm thấy những tình cảm vụn vặt, ủy mị của những người chỉ biết tìm đến tình yêu để hưởng thụ, đến khi không toại nguyện thì yếm thế, hận đời, mà là những xúc cảm cao thượng có sức nâng con người lên, chắp cánh cho họ bay cao. Những tình cảm ấy luôn gắn liền với cội nguồn quê hương, xứ sở của tổ quốc: “Anh đi xa bao núi, tình em như khe suối lưu luyến và nhớ thương chảy theo anh khắp rừng…” (Tình em- Huy Du và Ngọc Sơn). Lời lẽ bài hát đã thực sự gây cho người nghe xúc động. Quả là tình yêu lớn lao, thiêng liêng của hai con người có chung những buồn vui cao cả. Rõ ràng có hình ảnh của tổ quốc thấm đượm trong tình cảm rất tự nhiên của những lứa đôi.
Chủ đề tổ quốc hiện ra trong rất nhiều bài hát tới mức nhuần nhuyễn khiến người nghe không thể phân biệt đâu là tôi đâu là ta, bởi mọi tình cảm và số phận riêng tư đã được hòa quyện với số phận của cả dân tộc. Có lẽ đây chính là một đặc điểm của nền văn nghệ nói chung, âm nhạc nói riêng của Việt Nam ta.
Thể hiện chủ đề Tổ quốc, dĩ nhiên các bài hát không thể thoát ly ngôn ngữ âm nhạc truyền thống, cho nên những ca khúc có giá trị nhất đã thấm đậm hồn dân tộc, trong đó một tỉ lệ đáng kể đã nổi rõ chất liệu dân ca. Dù viết cho đơn ca hay để hát tập thể, dù là ca khúc trữ tình hay hành khúc, dù một bài ngắn hay hợp xướng hoành tráng, các tác giả đều có khuynh hướng tìm tòi những hình tượng âm nhạc giàu sức thuyết phục nhất, trong đó tính dân tộc đã kết hợp rất nhuần nhuyễn với những yếu tố hiện đại khiến bài hát vừa mới mẻ lại vừa truyền thống. Đó là một thành công đáng kể thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Chủ đề Tổ quốc đã tạo nên một giá trị lớn lao của nền ca khúc Việt Nam. Đây là một chủ đề vĩnh hằng của bất cứ nền âm nhạc chân chính nào. Rất đáng lo ngại là hiện nay, sự ra đời quá dễ dãi nhiều bài hát của những tác giả không phải là nhạc sĩ đích thực, không có vốn văn hoá và nhận thức cần thiết về xã hội, lịch sử và nghề nghiệp đã khiến họ xao nhãng hoặc hoàn toàn không có ý niệm gì về việc tiếp tục thực hiện chủ đề Tổ quốc. Thay vì là những nội dung vụn vặt, những tình cảm tầm thường của dòng âm nhạc chỉ có thể giải trí. Chính điều đó đã giải thích tại sao số đông công chúng hôm nay vẫn luôn nhớ về những bài hát có giá trị mà họ đã ưa thích trong quá khứ, nay ít thấy tiếp tục được ra đời./.