Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống; đồng chí Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản; đồng chí Trần Văn Hằng, nguyên Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; đồng chí Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; NSNA Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống;…
45 năm vất vả nhưng đầy tự hào
Năm 1978, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, cơ quan ngôn luận của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam xuất bản số đầu tiên là số gộp tháng 7 và 8 với tên gọi “Tạp chí Nhiếp ảnh” theo Giấy phép xuất bản báo chí số 03-VP9 do Phủ Thủ tướng cấp ngày 02/01/1978.
Với mục đích hướng dẫn sáng tác, định hướng thẩm mỹ nhiếp ảnh, 45 năm qua, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống trở thành địa chỉ duy nhất ở Việt Nam nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu của ảnh về lý luận và thực tiễn, giới thiệu lịch sử nhiếp ảnh trong nước và thế giới, đồng thời thông tin về các công trình sáng tác, lý luận nhiếp ảnh trong nước và nước ngoài, tập hợp các lực lượng nhiếp ảnh Việt Nam và cung cấp kiến thức cho những người yêu thích và đang làm quen với chiếc máy ảnh.
Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, NSNA Hồ Sỹ Minh, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống cho biết, trải qua 45 năm không ngừng phát triển, với một đội ngũ lãnh đạo các thế hệ tâm huyết, yêu nghề, có chuyên môn sâu, đã làm cho tờ tạp chí chuyên ngành có một vị trí đặc biệt quan trọng trong giới yêu thích nhiếp ảnh nghệ thuật, đồng thời là người bạn đồng hành của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, của hội viên và của bạn đọc.
Tổng biên tập Hồ Sỹ Minh nhấn mạnh: Sự nghiệp xây dựng và phát triển “Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống” như một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo nối tiếp nhau.
Với đặc thù của một tờ báo ảnh chuyên ngành nghệ thuật, nên các thế hệ lãnh đạo Tạp chí đều là những nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh thành danh, những nhà lãnh đạo có uy tín trong lĩnh vực nhiếp ảnh, các nhà báo như NSNA Đinh Đăng Định, Hoàng Tư Trai, Lê Phức, Nguyễn Đức Chính, Chu Chí Thành, Hoàng Kim Đáng, Vũ Huyến, Cao Phong, Đặng Đình An, Bùi Hỏa Tiễn, Vũ Cảnh, Phạm Tiến Dũng, Hồ Sỹ Minh,… Nhiều người trong số họ đã để lại dấu ấn của mình qua những tác phẩm phản ánh cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cũng như công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, đóng góp những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị vào pho sử bằng hình của đất nước.
Đầu năm 2018, sau nửa năm khó khăn bị tạm dừng xuất bản vì không còn nguồn hỗ kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước, Tạp chí Nhiếp ảnh xuất bản trở lại, chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ và đổi tên thành Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống dưới sự chèo lái của nhà báo, NSNA Hồ Sỹ Minh. Tên gọi mới và định hướng mới, Tổng biên tập Hồ Sỹ Minh mong muốn nghệ thuật nhiếp ảnh lan tỏa rộng hơn, đi sâu hơn vào đời sống của nhân dân, phản ánh sâu rộng hơn các lĩnh vực của đời sống xã hội, của đất nước. Từ đây, Tạp chí có hàng loạt thay đổi và nhiều khởi sắc.
Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống khai mở thêm chuyên mục, nhiều chủ đề mới về văn hóa, du lịch, nhiếp ảnh và đời sống… với nhiều bài viết hay, hình ảnh đẹp mang hơi thở nóng bỏng của cuộc sống, đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước.
Để cạnh tranh trong thời đại công nghệ số, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống ngoài đổi mới mạnh mẽ, từ hình thức đến nội dung, Ban Biên tập còn phải nắm bắt nhu cầu của bạn đọc, mở rộng đối tượng bạn đọc, đưa đến cho bạn đọc những thông tin, tri thức mà bạn đọc cần một cách nhanh chóng và kịp thời nhất.
Từ đó, Ban Biên tập đã bắt tay vào xây dựng Đề án Tạp chí điện tử nhiepanhdoisong.vn song hành với Đề án đổi mới Tạp chí. Định hướng tập trung xây dựng, phát triển đưa Tạp chí lên không gian mạng để tăng độ lan tỏa, giúp công chúng và bạn đọc dễ dàng tiếp cận với nguồn nội dung phong phú và đặc sắc của Tạp chí.
Bên cạnh đó, hoạt động của Tòa soạn được tổ chức lại theo hình thức tòa soạn hội tụ. Tuyển dụng nhân sự mới có đủ năng lực kiến thức phù hợp với báo chí hiện đại. Các phóng viên, biên tập viên đều thông thạo ngoại ngữ, kỹ năng tác nghiệp độc lập và đa phương tiện, làm việc được ở nhiều vị trí khác nhau trong toà soạn. Nhờ vậy Tạp chí đã nhanh chóng đổi mới và bắt kịp với sự phát triển của công nghệ truyền thông.
Để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững
Tại buổi Lễ, NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, nhân viên của Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống trong suốt 45 năm qua.
Cùng với sự trưởng thành trong mái nhà chung của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tạp chí đã hoàn thành sứ mệnh của mình là cầu nối giữa Hội với hội viên và bạn đọc rộng rãi trong toàn quốc, nhất là trong giới hâm mộ nhiếp ảnh, đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam. Với hơn 400 số báo, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống đã phản ánh sinh động mọi mặt hoạt động nhiếp ảnh, tích cực tuyên truyền những giá trị tốt đẹp.
Để đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã gợi mở thêm một số nội dung với Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống.
Đó là việc thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của tạp chí; làm tốt sứ mệnh của mình đối với sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam. Cần khơi dậy khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển của từng hội viên, từng tác giả yêu thích nhiếp ảnh.
Tạp chí cần có những thay đổi mang tính đột phá về tư duy và cách làm để theo kịp sự vận động, biến đổi nhanh chóng của thực tiễn đời sống xã hội hiện nay. Xây dựng Tạp chí phát triển theo hướng cơ quan truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, đa dịch vụ, mô hình tòa soạn hội tụ.
Với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, Tạp chí cần chủ động xây dựng Kế hoạch hoạt động của mình có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình để thực hiện hiệu quả. Trong đó, đặc biệt lưu tâm các giải pháp tuyên truyền, quảng bá và định hướng sáng tác cho hội viên, nhất là giới trẻ yêu nhiếp ảnh; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đưa nhiếp ảnh vào quá trình phát triển, tạo thành nguồn lực cho quá trình phát triển; tăng cường giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra nước ngoài và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của nước ngoài đến với công chúng yêu ảnh trong nước.
Thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Lê Quốc Minh đã chúc mừng dấu mốc 45 năm Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống xuất bản số đầu tiên. Theo đồng chí, thời kỳ hiện nay mang lại rất nhiều cơ hội cho báo chí và nhiếp ảnh nhưng cũng mang lại rất nhiều thách thức. Trước đây chỉ những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mới có thể mang lại những bức ảnh giá trị cho cuộc sống thì bây giờ, dưới sự phổ biến của công nghệ, các thiết bị hiện đại, rất nhiều người không chuyên cũng có thể tạo ra những bức ảnh đẹp. Đó là một thách thức lớn đối với người nghệ sĩ nhiếp ảnh, bởi nó đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao.
PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cũng nhấn mạnh: “Là thành viên của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp của chúng ta ngày càng phải được nâng cao hơn nữa, để làm sao cho các tác phẩm mà chúng ta sáng tạo ra phải vừa mang tính chuyên nghiệp và vừa mang tính nghề nghiệp, trong đó chứa đựng tư tưởng, nội dung, những giá trị nhân văn, nghệ thuật và có được dấu ấn trong lòng công chúng”.
45 năm kế thừa truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước, tiếp tục đoàn kết đổi mới, sáng tạo, vượt khó vươn lên, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống đã trở thành tờ báo có uy tín, thu hút lượng bạn đọc nhiều hơn, rộng rãi hơn, góp phần xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, và đa dạng về Chân, Thiện, Mỹ; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.