Nhà thơ Trần Hữu Thung sinh ngày 26/7/1923 tại xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An và mất năm 1999 ở quê nhà. Ông là tác giả của gần 20 tác phẩm đã xuất bản, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật đợt I năm 2001. Ông cũng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957.
Là một nhà thơ trưởng thành sau Cách mạng tháng Tám, Trần Hữu Thung luôn hăng hái, nhiệt tình trong lao động sáng tạo phục vụ cách mạng. Gắn mình trong công tác kháng chiến, tác phẩm của Trần Hữu Thung ngay từ buổi đầu đã mang những tình cảm thật chân thành, cảm động để tuyên truyền vận động quần chúng ở nông thôn. Thơ đối với ông, những ngày đầu cầm bút, chỉ là phương tiện công tác, ông viết để ca ngợi chiến công, phổ biến chủ trương chính sách, phản ánh đời sống người nông dân kháng chiến. Lời lẽ mộc mạc, tình cảm thật thà, phổ cập, Trần Hữu Thung không quan tâm lắm đến cái mà bây giờ ta gọi là trữ tình riêng tư. Ông không nói chuyện mình, không vui buồn chuyện riêng. Đúng hơn, lòng ông vui buồn cùng vận nước, tình dân.
Trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Trần Hữu Thung là cán sự văn hoá, cán bộ tuyên truyền thuộc Liên khu IV rồi phụ trách Chi hội văn nghệ liên khu. Làm thơ, viết ca dao nhiều từ dạo đó. Năm 1944, ông viết bài thơ dài “Việt Nam ly khúc”, theo thể song thất lục bát, mang hơi hướng thơ yêu nước của phong trào Đông Du, cổ động lòng yêu nước, thương dân, ý chí cách mạng. Thời kháng chiến chống Pháp, những bài thơ “Cò trắng phát thanh”, “Hai Tộ hò khoan”, “Nhớ sông Lô”… chưa thể coi là thơ, nhưng các văn phẩm ấy lại có sức phổ biến rộng, phù hợp với năng lực tiếp nhận của vùng quê kháng chiến Nghệ An, Thanh Hoá, những năm cuối 1940, đầu 1950. Đến bài “Thăm lúa”, viết năm 1950, mới là bài thơ “khai sinh” nhà thơ Trần Hữu Thung. “Thăm lúa” mang giọng thơ năm chữ, đôi chỗ gợi nhớ nhịp điệu hát dặm Nghệ An, nhưng đã đầy đủ cốt cách một thi phẩm mới mẻ của nền thơ cách mạng. “Thăm lúa” diễn tả thành công tình cảm, nỗi nhớ nhung của một người vợ trẻ hậu phương hướng về người chồng đang chiến đấu ở tiền tuyến. Tác giả đã xây dựng được hình ảnh một phụ nữ nông dân thật đẹp, tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam kháng chiến biết gắn nghĩa nước với tình nhà. “Thăm lúa” đã đoạt Giải Nhất văn học tại Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới năm 1953 ở Budapest.
Trần Hữu Thung có phong cách một nhà thơ dân gian. Từ ngôn ngữ, hình ảnh đến giọng điệu trong thơ Trần Hữu Thung đều mộc mạc, chân chất mà nồng đượm nghĩa tình. Chính cuộc sống, cách sống của tác giả tạo nên chất thơ ấy, chất tâm hồn ấy. Đã từng tham gia công tác ở các cơ quan chỉ đạo văn học nghệ thuật ở Trung ương, từng có công tích cách mạng lẫn văn chương, nhưng lại xin trở về quê nhà, sống như một nông dân, thanh bần, vất vả. Nghệ thuật thơ có thể chưa cao, nhưng những điều gan ruột bộc bạch thì lại hay cảm động lòng người.
Ngoài “Thăm lúa” – bài thơ được đưa vào sách giáo khoa, được nhiều người bình giảng, còn có bài thơ hay khác như “Anh vẫn hành quân” đã được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc. Ông còn là tác giả gần 20 tác phẩm đã xuất bản như: “Đồng tháng Tám” (tập thơ đoạt Giải Nhì về thơ của Hội văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955), “Dặn con” (thơ – 1955), “Ngày thu ấy” (thơ – 1957), “Gió Nam” (thơ – 1962), “Hai Tô hò khoan” (thơ – 1961), “Chị Nguyễn Thị Minh Khai” (thơ – 1961), “Đất quê mình” (thơ – 1971), “Tiếng chim đồng” (thơ – 1975), “Mặt đường mặt đồng” (thơ), “Lời mách sáo” (thơ), “Anh vẫn hành quân” (tuyển thơ – 1983), “Sen quê Bác” (thơ – 1985).
Bên cạnh thơ, Trần Hữu Thung còn viết văn xuôi chủ yếu là những ghi chép, giữ lại những năm tháng, những kỷ niệm của quê hương đánh giặc như: “Ngày ấy bên sông Lam” (kịch bản phim truyện – 1980), “Ký ức đồng chiêm” (ký – 1988, đoạt Giải Nhất cuộc thi ký do báo Văn nghệ và đài TNVN tổ chức), “Hồi ức về săn bắn” (1966), “Tiếng hát ru” (1975)… Đáng trân trọng là những công trình sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian của vùng quê Nghệ Tĩnh: “Vè – Dòng sữa quê hương”, “Sức biểu hiện của dân ca Nghệ Tĩnh”…
Hơn năm mươi năm cầm bút, trước sau ông vẫn rõ là nhà thơ dân gian.