Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm huy động, tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, tương xứng với vai trò, vị trí của ngành Văn hóa trong điều kiện phát triển chung của đất nước, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai. Cùng với đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách, bản sắc và bản lĩnh Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; hoàn thiện thể chế, thiết chế cho hoạt động văn hóa từ Trung ương đến cơ sở; nâng cao chất lượng công tác giáo dục – đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, các ngành công nghiệp văn hóa; tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào trong lĩnh vực hoạt động văn hóa…
Theo Chương trình, đến năm 2030, 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế chế văn hóa, cấp huyện, xã có trung tâm văn hóa – thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương; 85% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hóa…
Hàng năm, có từ 10 – 15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; có 2 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20 – 30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.
Đóng góp về quan điểm, mục tiêu trong Chương trình, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học… đề nghị làm rõ một số vấn đề lớn như tăng cường năng lực lãnh đạo và quản lý trên lĩnh vực chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người; giải pháp đột phá để đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa thực sự đi đầu trong công tác chấn hưng văn hóa, nghệ thuật; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng các tài năng trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; tăng cường đội ngũ chuyên gia về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hóa.
Một số đại biểu cho rằng, người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm đối với chấn hưng, phát triển văn hóa; chuẩn bị chủ trương, chính sách, pháp luật, tư tưởng, định hướng cho giai đoạn phát triển mới về văn hóa; lấy đầu tư công thúc đẩy đầu tư với sự tham gia của cả hệ thống chính trị; cần xem xét những mục tiêu ưu tiên, then chốt để bảo đảm tính khả thi; chú trọng vào lĩnh vực văn hóa gia đình, học đường và xã hội…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, văn hóa là chủ đề rộng lớn, quan trọng và cấp bách. Trong mỗi giai đoạn phát triển của dân tộc, đất nước, văn hóa luôn gắn với những dấu son lịch sử; là hồn cốt, sức mạnh của dân tộc, được thể hiện qua những hành vi ứng xử của mỗi cá nhân.
Trong bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay, để thực hiện mục tiêu chấn hưng văn hóa, Phó Thủ tướng cho rằng, Chương trình cần tiếp cận tổng thể, đồng bộ và tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên nhất. Chương trình “mở đường”, định hướng, khơi thông, xác định những nhiệm vụ, lĩnh vực nhà nước sẽ dẫn dắt, cùng với hệ thống chính trị, lực lượng xung kích về quản lý văn hóa – văn nghệ, giáo dục – đào tạo, người hoạt động văn hóa, tạo động lực và cơ hội cho mỗi cá nhân tham gia đóng góp phát triển văn hóa.
Bên cạnh đó, Chương trình tiếp tục triển khai các chủ trương phát triển văn hóa đã có với mục tiêu tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, bồi đắp các phẩm chất, giá trị cho xã hội, con người, đồng thời mang lại những giá trị vật chất thông qua công nghiệp văn hóa; hình thành những giá trị văn hóa mới trong dòng chảy thời đại gắn với kinh tế tri thức, đạo đức môi trường, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…
Lưu ý cần có cách thức quản lý phù hợp với đặc thù của sản phẩm nghệ thuật, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung đầu tư cho công tác nghiên cứu lý luận, truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và người dân về tầm quan trọng của văn hóa, ý nghĩa của các giá trị văn hóa truyền thống với tiếp thu tinh hoa văn hóa trong dòng chảy thời đại.
Nhấn mạnh Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm đạt các mục tiêu đặt ra, Phó Thủ tướng lưu ý, Chương trình cũng phải định hướng hoạt động cung cấp kiến thức phổ cập về văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật trong hệ thống giáo dục phổ thông, quy hoạch mạng lưới đào tạo chuyên sâu về văn hóa, nghệ thuật…; xác định những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể quan trọng cần tập trung bảo tồn, gìn giữ, phát huy.
Đồng thời, xây dựng tiêu chí, cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa tại các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa; sớm xây dựng, ban hành các quy chuẩn, giá trị văn hóa, con người Việt Nam, văn hóa công sở, văn hóa trong đảng, văn hóa doanh nghiệp…; tăng cường năng lực, hiện đại hóa công tác quản lý, ứng dụng công nghệ số phục vụ quản lý, quảng bá và bảo tồn các giá trị văn hóa…/.