Những hy sinh của đời nghệ sĩ
Là 1 trong 73 cá nhân điển hình tiên tiến được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hôm 28.8, những chia sẻ của diễn viên múa Phạm Thu Hằng (Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam) khiến công chúng hiểu hơn về những cống hiến, hy sinh của đời nghệ sĩ.
Là diễn viên múa ballet, Phạm Thu Hằng thường xuất hiện với hình ảnh xinh đẹp, kiêu sa, lộng lẫy dưới ánh đèn sân khấu trong các vở múa nổi tiếng như: “Hồ Thiên Nga”, “Mối tình thành cổ”, “Kẹp hạt dẻ”, “Suite en Blanc”, “Giselle”… Tuy nhiên, để có vài chục phút thăng hoa như thế là hàng năm trời tập luyện bằng máu và mồ hôi.
Phạm Thu Hằng bén duyên với ballet từ nhỏ. Nhưng để đến với ballet chuyên nghiệp cô phải đi đường vòng, trải qua múa dân gian rồi mới trở lại với đam mê. Vì thế, dù phải tập luyện vất vả, trải qua nhiều đau đớn, có lần 10 đầu ngón chân tóe máu, bật móng, cô vẫn gắn bó với đam mê.
“Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim, luôn đặt cái tâm lên hàng đầu thì nghề sẽ không phụ mình”, Phạm Thu Hằng phát biểu tại Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023.
Nghe Thu Hằng bộc bạch mới hiểu, những gì được Natalie Portman thể hiện về nghệ diễn viên múa ballet trong bộ phim “Thiên Nga Đen” không hoàn toàn là hư cấu.
Một báo cáo y khoa cho thấy, diễn viên ballet phải đối mặt với 10 loại chấn thương khác nhau: Viêm gân gấp xa các ngón, bong gân mắt cá chân, gãy xương do áp lực, hội chứng đau xương bánh chè, nứt xương chậu, chấn thương mỏm khớp…
Những cống hiến thầm lặng
Vài năm qua, nhiều Di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO biết đến và vinh danh như: Nghệ thuật Xòe Thái, Tranh dân gian Đông Hồ, Mộc bản Triều Nguyễn… góp phần giúp điểm đến Việt Nam thêm phần hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế.
Để có được thành quả đó là những đóng góp thầm lặng của những nhà khoa học trong ngành văn hóa như Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Vicas), đơn vị vừa nhận bằng khen tập thể vừa nhận bằng khen cá nhân cho Viện trưởng PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương tại Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023.
Trong số 14 di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện cho nhân loại, Vicas góp sức xây dựng 8 hồ sơ. Để có kết quả đó là hàng năm trời làm việc cặm cụi, cần mẫn, quên ăn quên ngủ của đội ngũ những nhà khoa học ngành văn hóa, ngoài PGS.TS Thu Phương còn có “lão tướng” GS.TS Tô Ngọc Thanh, GS.TS Bùi Quang Thanh, chuyên gia Phạm Hùng Thoan, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, TS Vũ Diệu Trung, TS Từ Thị Thu Hằng…
“Công việc của các nhà khoa học ngành văn hóa rất thầm lặng nhưng đó là một dòng chảy không ngừng” – PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.
“Chúng tôi cảm thấy vui khi đã làm được nhiều việc để lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới như: Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc; Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Dân ca Ví, Dặm ở Nghệ Tĩnh; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt… Chúng tôi mong muốn rằng, công việc của mình sẽ giúp các giá trị văn hóa Việt được định hình trên bản đồ văn hóa thế giới”.
Tại Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc 2023, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đang rà soát để đề xuất Ban Bí thư sửa đổi Quy định 284 về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật. Khi quy định này được sửa đổi sẽ tạo cơ sở cho công tác tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa ngày càng chuyên nghiệp hơn.