back to top
26 C
Hanoi
Tuesday, 10 September, 2024
Trang chủVăn học Nghệ thuậtNghệ thuậtNhiếp ảnh Hà Nội: Cái nôi của nền nghệ thuật nhiếp ảnh...

Nhiếp ảnh Hà Nội: Cái nôi của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam

Nhiếp ảnh Hà Nội thời kỳ đầu

Năm 1985, nhà thơ Khương Hữu Dụng cùng với nhóm nghiên cứu Trà Lĩnh phát hiện thấy trong Lịch sử Triều Nguyễn có ghi: Đặng Huy Trứ (1825-1874) là một nhà thơ lớn thế kỷ XIX, còn là một nhà quân sự, nhà kinh tế, ngoại giao, nhà khoa học và là người đầu tiên đem nhiếp ảnh thế giới vào Việt Nam từ năm 1869.

Nhân vật thứ hai là Khánh Ký (1874-1946) (tức Nguyễn Đình Khánh) sinh tại làng Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức (Hà Nội). Khánh Ký là một nhà nhiếp ảnh tài năng, người thầy lớn, trở thành ông tổ làng nghề nhiếp ảnh duy nhất ở Việt Nam-Làng Lai Xá. Khánh Ký còn là một nhà hoạt động Cách mạng nổi tiếng ở Pháp đầu thế kỷ XX cùng với Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh, Khánh Ký, Lê Văn Sao, Hai Tân do Nguyễn Ái Quốc phụ trách. Ông còn là một doanh nhân văn hóa Việt Nam cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ XX.

Cả hai nhân vật này đều xuất hiện và hoạt động tại Hà Nội, người đặt nền móng cho nhiếp ảnh Việt Nam. (1869-1946).

Sau này, những nhân vật tiếp theo làm nghề ảnh mang tính chất tài tử như cụ Nguyễn Văn Khải (1885-1971), Lê Đình Trữ (1904-1981), Trương Cam Khuyến (1905- 1985), các cửa hàng ảnh nổi tiếng có nhân vật trở thành Nhiếp ảnh gia tài tử như Cheen Phu Ly, Lý Lan Siêu, Chen Vai Tung, Dương Quỳ, Nguyễn Lê Sinh, Bùi Quý Vụ, Lê Văn Lễ, Nguyễn Văn Chiêm, Võ An Ninh, Vũ Năng An, Hồng Tranh, Phạm Văn Mùi, Nguyễn Mạnh Đan, Đỗ Huân… cùng một số nhà nhiếp ảnh từ Hà Nội sang Hồng Kông, Trung Quốc lập nghiệp cũng rất nổi tiếng.

Những tên tuổi như tôi đã dẫn, họ sinh sống và lập nghiệp ở Hà Nội, trước khi vào Sài Gòn, Huế, Hải Phòng và các địa phương khác. Nhà nhiếp ảnh Đỗ Huân là Trưởng ban tổ chức, đã tổ chức được 3 cuộc triển lãm Ảnh nghệ thuật mang tính toàn quốc tại Hà Nội vào các năm: 1952-1953-1954.

Nhiếp ảnh Hà Nội qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ

Cách mạng tháng Tám (1945) bùng nổ diễn ra một sự kiện lớn của đất nước, các nhà nhiếp ảnh cửa hiệu hoặc tài tử khác cũng xách máy “xuống đường” theo kháng chiến ghi lại những sự kiện lịch sử nổi tiếng ấy như Nguyễn Bá Khoản, Vũ Năng An, Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Đinh Đăng Định, Võ An Ninh, Triệu Đại, Bùi Duy Ly, Đinh Ngọc Thông… là những tác giả nổi tiếng thời chống Pháp.

Thế hệ thời kháng chiến chống Mỹ có thêm một đội ngũ khá hùng hậu. Thông tấn xã Việt Nam có Lâm Hồng Long, Lê Minh Trường, Minh Lộc, Chu Chí Thành, Văn Bảo, Văn Sắc, Nguyễn Đức Chính, Lương Nghĩa Dũng, Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Minh Đạo, Văn Phúc, Xuân Lâm, Ngọc Quán… Báo Quân đội nhân dân có Vũ Ba, Triệu Hùng, Đoàn Công Tính, Vũ Đạt, Trần Hồng, Hoàng Như Thính, Bá Thước… Báo ảnh Việt Nam có Ngô Dư, Trọng Thanh, Trần Định… Báo Nhân dân có Văn Bang, Trịnh Hải, Phạm Kim, Vũ Quang Huy, Thanh Hảo… Báo Tiền phong có Mai Nam, Hoàng Thiết, Hoàng Kim Đáng (Báo Văn nghệ)… Khu vực Hà Nội có Đỗ  Huân, Xuân Liễu, Lê Vượng, Nguyễn Nhưng, Quang Phùng, Xuân Át, Phạm Tuệ, Đan Quế, Hồng Trọng Mậu, Vũ Điều, Hữu Vượng, Trần Cừ, Bùi Việt Hưng, Vũ Nhật, Quang Hạnh…

Có thể nói, lực lượng nhiếp ảnh cả nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đội ngũ tác giả chủ yếu vẫn là khu vực Hà Nội. Họ đã ghi chép cho đất nước một pho sử sống động bằng hình ảnh có giá trị lịch sử và nghệ thuật, nổi tiếng như “Hiên ngang cao xạ pháo’’’1 của Vũ Tạo; ảnh về Thành cổ Quảng Trị của Đoàn Công Tính; “Phúc Tân kêu gọi trả thù” và “Quyết bảo vệ cầu Long Biên” của Vũ Ba; “Chạy đâu cho thoát” và “Cảnh giác” của Mai Nam; “Rực lửa Thanh niên” của Trịnh Hải, “Trên nóc tòa đại sứ Mỹ’ và “Em có ý kiến” của Xuân Liễu; “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn” và “Mẹ con ngày gặp mặt” của Lâm Hồng Long; “Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất” của Đinh Quang Thành; “Cuộc trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn” của Chu Chí Thành. Đặc biệt là hình ảnh về Bác Hồ của Đinh Đăng Định.

Đội ngũ những người viết lý luận phê bình nhiếp ảnh Hà Nội thời kỳ đầu mới chỉ xuất hiện Nguyễn Trân, Lê Thanh Đức, Đỗ Huân, Đức Vân… Thời Xuân Liễu làm Chủ tịch, cùng với Hoàng Kim Đáng và Lê Cường đã hoàn thành một công trình xuất bản mang tên “Nhiếp ảnh Hà Nội – Những chặng đường” – (NXB Công an Nhân dân).

Năm 2014, thời Đặng Đình An làm Chủ tịch đã xuất bản một công trình lý luận mang tính toàn quốc, đó là “Nhiếp ảnh – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” (NXB Thông tấn) do Nguyễn Thành (Trưởng ban), Cao Minh (Phó Trưởng ban), Hoàng Kim Đáng và Xuân Liễu (Ủy viên) với sự cộng tác của những cây bút trên mọi miền đất nước như: Nguyễn Thành, Cao Minh, Xuân Liễu, Hoàng Kim Đáng, Trần Đương, Hồng Trọng Mậu, Vũ Nhật, Vũ Đức Tân, Chu Chí Thành, Vũ Huyến, Trần Mạnh Thường, Mai Nam, Vũ Văn Cảnh, Duy Tường, Nguyễn Việt Tiến, Việt Văn, Đặng Đình An, Phạm Bá Thịnh, Nguyễn Đăng Minh…

“Phúc Tân kêu gọi trả thù”. Ảnh: Vũ Ba. Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Sự ghi nhận và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước ta

Thành tựu của nhiếp ảnh Hà Nội qua hai cuộc kháng chiến và trong hòa bình xây dựng đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước ta đánh giá rất cao. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ghi trong sổ vàng truyền thống có đoạn viết: “…Qua các bức ảnh, tôi đã rung động trước cái Đẹp. Đẹp cả về mặt kỹ thuật cũng như về nội dung. Đặc biệt là những bức ảnh mô tả được sự đổi mới mà Tổ quốc ta, đồng bào các dân tộc Việt Nam ta đang thể hiện hằng ngày.

Tất cả những điều này báo hiệu rằng: ngành nhiếp ảnh Việt Nam trong tương lai sẽ có những bước tiến vĩ đại và sẽ xuất hiện những nghệ sĩ thiên tài!…”.

Nhà thơ Tố Hữu với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng phát biểu tại Đại hội toàn quốc về nhiếp ảnh có đoạn viết: “Cái Đẹp trong nhiếp ảnh Việt Nam là cái Đẹp cách mạng. Cái Đẹp dân tộc và cái Đẹp của sự thật…”, “Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã để lại cho nhân dân ta một gia tài rất quý báu. Không những cho hôm nay mà mãi mãi về sau, nhân dân ta rất xúc động trước những tấm ảnh mà anh chị em nghệ sĩ đã chụp bằng cả trái tim, cả tấm lòng và tài năng của mình”.

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp-nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy TW, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, ông nói rõ đặc thù của nghệ thuật nhiếp ảnh và đánh giá cao trong cuộc Hội thảo lớn mang tên: “Nhiếp ảnh về đề tài chiến tranh Cách mạng” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Hội nhà báo Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội, rằng: “Với mọi ngành nghệ thuật khác khi chiến tranh qua đi, người nghệ sĩ vẫn có thể mô tả chiến tranh qua các tài liệu tin cậy. Nhưng, với nhiếp ảnh nó chỉ có thể mô tả chiến tranh, phản ảnh các mặt thực tế của chiến tranh ngay trong quá trình khói lửa. Khả năng phản ảnh trực tiếp sinh động này là một đặc điểm của nhiếp ảnh, và là thế mạnh về tính chân thực của nhiếp ảnh… Tất cả những bức ảnh chiến tranh và Cách mạng của ta là một tài sản vô cùng quý giá của dân tộc…”.

Tựu chung, qua các tác phẩm được nhân dân đón nhận, được lãnh đạo Đảng và nhà nước ta đánh giá cao, được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế đều từ hiện thực cuộc sống và chiến đấu của dân tộc ta. Các tác phẩm ấy phần lớn đều do các nhà nhiếp ảnh Hà Nội chụp.

Điều đó chứng tỏ chúng ta có đủ bằng cứ ghi nhận rằng: “Nhiếp ảnh Hà Nội là cái nôi của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam”.

Nhiếp ảnh Hà Nội hôm nay

Nhiếp ảnh Hà Nội hôm nay có một đội ngũ tác giả khá hùng hậu với trên 400 hội viên, 14 chi hội, 21 Câu lạc bộ nhiếp ảnh trải khắp nội ngoại thành, là một lực lượng bền vững, với những tên tuổi, nhiều thành tựu như Ngọc Thái, Đào Quang Minh, Nguyễn Dần, Hà Tường, Hồng Trọng Mậu, Lại Diễn Đàm, Hoàng Minh, Lại Hiển, Khắc Hường, Vũ Anh Tuấn, Việt Văn, Hoàng Ngọc Thạch, Nguyễn Đức Chỉnh, Phạm Công Thắng, Huỳnh Mai, Kim Mạnh, Tuyết Minh, Trần Hà, Nguyễn Ngọc Phan, Trần Sơn, Phạm Trường Thi, Vũ Hải, Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Quang Tuấn, Trần Đạo Lai, Tạ Quang Bảo, Vũ Quang Ngọc, Trần Thanh Hải, Nguyễn Xuân Chính, Trần Thanh Hà…

Một tin vui mới là nghệ sĩ Phạm Công Thắng được nhiều anh chị em nhiếp ảnh Hà Nội và cả nước hoan nghênh và cổ vũ. Anh chụp tốt, có triển lãm, ra sách ảnh, sáng tác Văn học và gần đây có ý tưởng lập Gallery “KÝ ỨC NHIẾP ẢNH” đã thành công ngoài dự kiến. Chỉ một thời gian ngắn khai trương đã có trên 500 hiện vật của trên 300 người tin tưởng trao gửi, đã được báo chí, truyền hình Trung ương và Hà Nội nhiều lần đề cập đến.

Nhiều Câu lạc bộ có hoạt động tốt, tổ chức được nhiều cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật. Nhóm nhiếp ảnh “4B” của các anh Nguyễn Hải, Nguyễn Hợp, Đình Vinh, Lê Trọng Đức hoạt động bền bỉ, đạt hiệu quả trong sáng tác.

“Vào lửa”- giải Nhất ảnh báo chí Hội Nhà báo Việt Nam 1968. Ảnh: Vũ Ba.

Góp thêm một vài ý kiến nhỏ

Từ ngày thành lập Hội LHVHNT Hà Nội đến nay (1966-2021) đã 55 năm, giới nhiếp ảnh Hà Nội tổ chức được 50 cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật, chưa kể các triển lãm chuyên ngành, liên kết, triển lãm của các Câu lạc bộ. Nếu tính trung bình cho một cuộc triển lãm từ 120 đến 150 tác phẩm được tuyển chọn, Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo đã tuyển chọn được gần 7.000 tác phẩm. Mỗi cuộc có từ 15 đến 20 giải thưởng. Như vậy, chúng ta có đến gần 1.000 giải thưởng hiện đang nằm rải rác trong “kho” của các hội viên. Nếu chỉ tính từ giải Nhất, Nhì, Ba hay HCV, Bạc, Đồng cũng có khoảng 350-400 giải, một con số không nhỏ! Nhưng nếu không được huy động, tập hợp lại thì những con số khổng lồ ấy kết quả cũng chỉ là con số không! Chúng ta mải làm mà quên mất việc lưu trữ, bảo tồn… Đã đến lúc cần bớt đi những cuộc thi và triển lãm để tập trung vào thực hiện một số sưu tập để trưng bày, để xuất bản và giữ lại cho hậu thế. Cụ thể như sau:

1. Huy động nguồn giải thưởng từ các hội viên được giải, từ giải 3 trở lên, tổ chức một cuộc triển lãm để biểu dương lực lượng và tổ chức Hội thảo để có điều kiện và thời gian mà đánh giá lại, nhìn nhận lại thành tựu 55 năm hoạt động. Với khoảng từ 350 đến 400 tác phẩm được giải cũng tổ chức được một cuộc triển lãm đồ sộ, hoành tráng, mở cửa nhiều ngày cho hội viên xem, cho nhân dân xem để thấy được công sức, trí tuệ, tài năng, sự hy sinh, lòng dũng cảm trong lao động nghệ thuật của những nhà nhiếp ảnh Hà Nội, vì “Trăm nghe không bằng một thấy” họ mới cảm phục, tin yêu giới nhiếp ảnh Thủ đô. Sau đó sẽ xuất bản thành sách ảnh có chất lượng cao để lưu giữ cho thế hệ sau.

2. Giới nhiếp ảnh Hà Nội hoạt động 55 năm qua, nhiều hội viên có thành tựu như tôi đã dẫn, nếu được tuyển chọn 55 gương mặt hội viên sáng giá của nhiếp ảnh Hà Nội để xuất bản một cuốn sách ảnh lớn mang tên: “NHIẾP ẢNH HÀ NỘI- NHỮNG GƯƠNG MẶT” bằng những bài viết và ảnh tuyển chọn, mỗi tác giả từ 7 đến 10 trang, như vậy chúng ta cũng có một công trình sách ảnh lớn để lại.

Những ai quan tâm và yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh, họ chỉ cần xem một phòng trưng bày thường xuyên và một cuốn sách giới thiệu những tác phẩm được giải và một cuốn sách giới thiệu 55 gương mặt hội viên tiêu biểu, tin rằng họ sẽ khâm phục giới nhiếp ảnh Hà Nội của chúng ta mà không cần tuyên truyền quảng cáo.

Quả thật “Nhiếp ảnh Hà Nội là cái nôi của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam” như tôi đã có dịp công bố lần đầu tiên trên Tạp chí Văn nghệ Hà Nội, năm 1987.

Hoàng Kim Đáng

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM