back to top
23 C
Hanoi
Wednesday, 4 December, 2024
Trang chủVăn học Nghệ thuậtTác phẩmNgắm thơ Hoàng Cầm từ góc nhìn văn hóa

Ngắm thơ Hoàng Cầm từ góc nhìn văn hóa

Cuốn sách “Thơ Hoàng Cầm với Văn hóa Kinh Bắc” của tác giả Nguyễn Thị Minh Bắc đã được NXB Văn học tái bản với tên mới “Nhớ người cầm lá diêu bông”, có chỉnh sửa, bổ sung và đi sâu bình giải thêm.

Gần ba trăm trang cùng ba chương được chia rõ ràng, dẫn dắt bạn đọc đến vùng đất Kinh Bắc một thuở xa xưa và những giá trị nghệ thuật trong thơ của Hoàng Cầm – trái tim đã dành cả cuộc đời để tái hiện vẻ đẹp của vùng đất ấy.

Với định hướng phân tích những yếu tố đặc sắc trong thơ Hoàng Cầm từ góc nhìn văn hóa, chương hai của cuốn sách – “Thơ Hoàng Cầm là tấm gương phản chiếu văn hóa Kinh Bắc” – được tác giả chú trọng nghiên cứu hơn cả.

Đối với thi nhân, hình tượng con sông Kinh Bắc trong thơ ông mang đậm yếu tố lịch sử, đằm sâu cội nguồn văn hóa và thấm đẫm tâm trạng. Nếu hai nhà thơ Bàng Bá Lân và Anh Thơ nhìn nhận sông Thương như bức tranh quê hương bình dị, thì Hoàng Cầm thể hiện nó một cách độc đáo: “Em vắt cam vàng đầu ngọn sông Thương”, “Tắm sông Thương không mát”. Con sông Đuống lại mang tới những câu chuyện huyền sử, đó là dấu chân Thánh Gióng khi đánh giặc trong bài “Nắng phù sa” và câu chuyện về Ngưu Lang, Chức Nữ trong “Bất ngờ”. Hình tượng đồi núi trong thơ Hoàng Cầm đa dạng nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Bắc lại đặc biệt ấn tượng với ngọn núi Thiên Thai. Bà nhắc tới nhà thơ Thế Lữ, vì say đắm vẻ đẹp huyền bí mà đi vào Thiên Thai từ góc nhìn điển tích, còn Hoàng Cầm lại cảm xúc hóa vẻ đẹp ấy, đưa nó đến gần hơn với văn hóa và đời sống con người. Tác giả cho rằng, núi đồi Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm vừa mang vẻ đẹp hùng vĩ, vừa gợi lên sắc màu văn hóa từ những huyền sử được dệt nên.

Tác giả còn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của thời gian nghệ thuật trong việc định hình nên yếu tố đặc sắc trong thơ Hoàng Cầm, nổi bật là thời gian về đêm. Tác giả nhận định, thời gian đêm được nhắc đến nhiều hơn cả, đa dạng và được nhà thơ thể hiện rất tài hoa. Bà đưa dẫn chứng cụ thể với bài thơ “Về Kinh Bắc” với 5 đêm khác nhau. Đêm Thổ mang hình tượng quê hương đất mẹ; đêm Kim mang nhiều ẩn ức khó lý giải; đêm Mộc gợi nhắc tuổi ấu thơ hồn nhiên; đêm Thủy mang đến sức sống tràn trề và đêm Hỏa thì mang tới nhiều cảnh tượng dữ dội, gợi nhắc về nỗi khổ của dân tộc. Tác giả kết lại thời gian nghệ thuật bằng nhận định, thơ Hoàng Cầm ngắn gọn, cô đúc hơn, giàu sức gợi về cảnh quê, tình quê và hồn quê xứ Kinh Bắc.

“Nhớ người cầm lá diêu bông” có sự bổ sung phần phụ lục, tác giả chú tâm phân tích một số bài thơ hay của Hoàng Cầm. Sau ba chương mang tính học thuật, phần phụ lục như một sự soi chiếu với những điều mà tác giả đã viết, đồng thời độc giả được hiểu sâu hơn về những thi phẩm đã làm nên tên tuổi nhà thơ.

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM