Phóng viên (PV): Thưa nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao với một số sự kiện đã bắt đầu khởi động và sẽ diễn ra cho đến tháng 11 tới, có lẽ muốn thể hiện nhiều điều hơn việc tôn vinh một văn nghệ sĩ lớn. Xin ông chia sẻ đôi điều về những mong muốn của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam qua các hoạt động này?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Đóng góp của Văn Cao với văn học nghệ thuật, với đất nước được khẳng định từ thời ông còn trẻ cho đến tận sau này, khi đã cao tuổi. Nhìn lại tiến trình này, đã có những hoạt động được xây dựng chương trình cụ thể, đòi hỏi được phối hợp, chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công.
Thời gian qua, Liên hiệp đã phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam, gia đình nhạc sĩ, một số doanh nghiệp có tình cảm đặc biệt với nhạc sĩ Văn Cao tổ chức đêm nhạc dự kiến sẽ hoành tráng, khắc họa sinh động chân dung nhạc sĩ. Đêm nhạc “Đàn chim Việt” sẽ diễn ra vào ngày 20/8 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trước đó, gia đình đã phát hành tập tài liệu, bài viết về những kỷ niệm sâu sắc của các văn nghệ sĩ với Văn Cao. Thời gian tới, với sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp sẽ phối hợp Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương… tổ chức hội thảo về sự nghiệp, cuộc đời nhạc sĩ Văn Cao – người được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Qua những sự kiện như thế, với những tác phẩm bất hủ được trình diễn, những ý kiến, đánh giá của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về sự nghiệp, con người Văn Cao, cũng chính là câu chuyện, là vấn đề mà chúng ta đang quan tâm trong cuộc sống hôm nay. Đó là ý thức trách nhiệm, tình yêu, nỗ lực đóng góp của văn nghệ sĩ đối với đất nước, dân tộc.
PV: Có lẽ, chuỗi kỷ niệm, tôn vinh nhạc sĩ Văn Cao cũng chính là sự nhìn nhận cần thiết về việc phát huy mạnh mẽ giá trị di sản của nhạc sĩ và các văn nghệ sĩ trong thế hệ của ông, đã đồng hành đầy nhiệt huyết cùng cách mạng, nhân dân?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Liên hiệp đã và đang xây dựng kế hoạch tôn vinh các văn nghệ sĩ có đóng góp cho cách mạng, đất nước. Như năm 2022, đã kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận với việc tổ chức đêm nhạc, hội thảo, khánh thành nhà lưu niệm ở quê hương ông tại Hải Dương, tổ chức phát hành mẫu tem kỷ niệm. Năm tới, 2024, chính là năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Thi với sự nghiệp sáng tác đồ sộ, sớm có ý thức đổi mới, trong đó có hai bài hát xuất sắc: “Diệt phát-xít” và “Người Hà Nội”. Từ nay cho đến cuối năm, còn có những hoạt động kỷ niệm khác như 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Xuân Oanh, nhạc sĩ Trọng Loan…
Nhìn lại 75 năm xây dựng và phát triển của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam từ năm 1948 với sự kiện quan trọng diễn ra ở chiến khu Việt Bắc các ngày 23, 24 và 25/7/1948, đó là Đại hội Văn nghệ Việt Nam, chúng ta thấy đã hiện diện những gương mặt như Văn Cao, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân… Cho đến nay, lực lượng trong khối liên hiệp đã đông đảo, lớn mạnh với hơn 42 nghìn văn nghệ sĩ thuộc năm thế hệ, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn đứng trước nhiều câu hỏi về trách nhiệm sáng tạo, xây dựng những tác phẩm lớn; về tình cảm, sự gắn bó với nhân dân, đất nước; về cả những băn khoăn khi đâu đó chúng ta thấy có sự xao nhãng đối với những chủ đề lớn của dân tộc, đất nước, xa rời với thực tế đời sống, ẩn mình vào cái “tôi” ích kỷ, thậm chí có những quan điểm, phát ngôn đi ngược lại quyền lợi chính đáng của đất nước, nhân dân, gây ảnh hưởng đến mối đoàn kết dân tộc; hay sự thiếu tích cực trong việc đấu tranh phản biện của văn nghệ sĩ đối với xã hội…
Trân trọng những gì Văn Cao và nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu khác đã làm, chúng ta có thể nhận ra, vững tin hơn vào những bài học của lịch sử cho hiện tại. Trước thời điểm 1948, trước cả khi cách mạng giành được chính quyền năm 1945, thì từ năm 1943, với Đề cương về văn hóa Việt Nam, nhiều văn nghệ sĩ đã đi theo cách mạng bằng tình yêu nhiệt thành với đất nước. Từ đó, họ lạc quan, tin tưởng và cất lên tiếng nói tranh đấu, tiếng nói dự báo về thành công của cách mạng, kháng chiến. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, tài năng cá nhân của một lớp thế hệ những con người đã được hấp thụ tình yêu dân tộc, hòa trong dòng chảy kháng chiến. Vừa chấp hành quy định của Đảng, kỷ luật đơn vị, họ vừa phát huy tinh thần tự do sáng tạo trong môi trường văn nghệ kháng chiến. Đó thật sự là những điều khiến hôm nay chúng ta phải suy ngẫm.
PV: Một điều rất đặc biệt, khiến nhiều thế hệ văn nghệ sĩ sau này và đông đảo công chúng vẫn luôn ngưỡng mộ Văn Cao cũng như nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu khác, đó là họ đã có những đóng góp nổi bật từ khi còn rất trẻ. Điều này có ý nghĩa như thế nào với đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ hiện nay?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Thật sự là như vậy, kể từ con đường của Văn Cao trong dòng chảy tân nhạc trước 1945, chúng ta càng ngưỡng mộ những tác phẩm đẹp đẽ, gieo vào lòng những người con đất Việt lòng yêu nước, thương nòi. Cho đến năm 1946, ông viết tác phẩm mang tính bước ngoặt như “Trường ca sông Lô”, tác phẩm mang tính dự báo như “Tiến về Hà Nội” năm 1949, trong kháng chiến chống Pháp, nhiều tác phẩm đã ra đời khi ông ở lứa tuổi thanh niên; và sau này nữa, ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết cho công nhân, công an, hải quân, sau này còn có không quân…, và tiếp tục đóng góp với tác phẩm sâu sắc “Mùa xuân đầu tiên” năm 1976 sau khi đất nước thống nhất.
Chúng tôi cho rằng, nhìn vào đó, và cả một chặng thời gian những chục năm mà Văn Cao cũng chịu những khó khăn, thiệt thòi, chúng ta, đặc biệt là các văn nghệ sĩ trẻ càng nhận ra bài học sâu sắc của lòng yêu nước, sáng tạo không ngừng, luôn gieo niềm tin yêu vào tác phẩm và chuyền tải điều đó đến quần chúng. Đó là một chìa khóa của thành công.
PV: Cũng nhân câu chuyện này, ông có suy nghĩ gì về việc tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tác, trân trọng giá trị của văn học nghệ thuật trong đời sống hôm nay?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Thời gian qua, tinh thần văn hóa, ý thức đề cao các giá trị văn nghệ đã dâng lên thành phong trào, tạo nên không khí mới trong đời sống văn hóa, xã hội. Theo chủ trương của Đảng, với những định hướng quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, và mới đây là tại Lễ kỷ niệm 75 năm Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, văn hóa văn nghệ cần được nâng lên ngang bằng với kinh tế, chính trị, cần được phát huy tiềm lực dồi dào vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, cần tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ sáng tác và đóng góp, với truyền thống quý báu, vẻ vang nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên, phải nói rằng, còn một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, giá trị của văn nghệ, văn nghệ sĩ đối với việc xây dựng xã hội; có khi đặt xuống vị trí thứ yếu; có khi còn cho rằng đó chỉ là giải trí, mua vui… Câu chuyện củng cố quan niệm, ý thức và từ đó xây dựng, phát huy các chính sách, cơ chế phù hợp, tập trung các nguồn lực cho văn nghệ sĩ sáng tạo, đóng góp; phát huy thế mạnh của tác phẩm văn học nghệ thuật vào cuộc sống, phục vụ công chúng, xây dựng tâm hồn, giá trị con người mới hôm nay, đó chính là những điều mà chúng ta đang tiếp tục phấn đấu. Chúng tôi tin rằng, quan tâm nghiên cứu, thúc đẩy các vấn đề này, sẽ gây được hào hứng cho văn nghệ sĩ trong sáng tạo, quảng bá, lan tỏa tác phẩm đến nhân dân, công chúng trong và ngoài nước.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân!
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “Văn Cao – người viết “Tiến quân ca”, sau này trở thành “Quốc ca” của nước Việt Nam, là nhà văn hóa lớn, đóng góp trên nhiều lĩnh vực. Cùng với sự nghiệp âm nhạc to lớn, ông còn là một họa sĩ tài ba, là nhà thơ xuất sắc có sự đổi mới trong tư duy, sáng tạo. Và trước hết, Văn Cao chính là một chiến sĩ cách mạng từ thuở tham gia vào đội trừ gian trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945”.