Tôi biết và đọc thơ của nhà thơ Muồng Hoàng Yến trong một thời gian khá dài. Những bài thơ của chị được đăng trên các tờ báo Trung ương, như: “Đợi mùa vu lan”, “Với bài vị của cha”, “Đợi mùa dã quỳ đơm hoa”, “Nhớ cháo ngô quê ngoại”, “Đêm qua núi thức”, “Ngày pá thấy mặt trời”… đã gây được cảm tình với người đọc về một giọng thơ miền núi độc, lạ, có bản sắc riêng. Gần đây, tôi đã được gặp chị khi chị xuống Hà Nội nhận giải Nhì trong cuộc thi “Cha và con gái” (do Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức) với bài viết “Lời ru của pá” đẫm nước mắt. Việc nhận giải thưởng với chị là sự bất ngờ khá lớn, bởi trước đó, chị không kỳ vọng đến giải thưởng mà chỉ như lời cảm ơn gửi gắm người cha trên cao luôn dõi theo và ủng hộ mình.
“Khi biết đến cuộc thi, tôi rất lo lắng và không tự tin vì sợ mình là người dân tộc thiểu số, câu văn khó diễn tả, không được gãy gọn. Nhưng sau đó, tôi vẫn quyết định đặt bút vì tôi biết rằng, nếu không tham gia cuộc thi này thì sẽ không bao giờ có cơ hội để bày tỏ tình cảm với người pá (cha) đã mất. Bài viết này tôi viết trong khoảng một giờ vì khi đặt bút, những dòng cảm xúc về pá luôn tuôn trào. Pá tôi là nguời ít nói, nhưng lại có cách dạy con rất hay, những hành động vô cùng thân thương khiến tôi luôn nhớ mãi” – nhà thơ Muồng Hoàng Yến nhấn mạnh.
Đam mê văn chương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng do điều kiện chưa cho phép nên chị ấp ủ mãi trong lòng về cuộc sáng tạo này. 4 năm công tác tại Hà Giang đã khiến sự khao khát trở về quê hương cứ cháy trong lòng chị. Chính khát khao đó nuôi dưỡng cảm xúc trong chị rất lớn cho đến lúc được trở về công tác tại chính mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, chị mới bắt đầu viết. Cộng với những câu chuyện, kỷ niệm về tuổi thơ, về mẹ, về pá cũng là những cảm xúc rất lớn thôi thúc chị viết nhiều hơn.
Khi mới sáng tác, Văn nghệ Ba Bể là tạp chí đầu tiên đăng bài viết của chị. Lần đầu tiên khi biết mình có bài đăng, chị đã vô cùng vui mừng và xúc động. Rồi đến khi trở thành hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Bắc Kạn thì niềm vui đó càng nhân lên gấp bội. Những ngày đầu còn bỡ ngỡ, chị đã được nhà thơ Dương Khâu Luông động viên, sửa bài và chỉ ra chỗ yếu của bản thân để khắc phục, sửa chữa. Và cứ dần như thế, được gặp gỡ các nhà thơ đi trước đã giúp cho quá trình sáng tác của bản thân chị thay đổi nhiều.
Đặc biệt, những lần tham gia hội trại viết văn của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Bắc Kạn đã giúp bản thân chị nhận rõ về mình hơn. Từ đó, chị đã cố gắng tìm hướng đi mới và riêng cho mình.
Là giáo viên vùng cao lại dạy bộ môn Ngữ văn, ngày ngày được tiếp xúc với các tác phẩm văn học nên trong những tiết học, khi phân tích, bình luận cho học sinh về những tác phẩm văn chương càng thêm bồi đắp cho chị tình yêu văn chương. Đồng thời là phụ nữ, với lợi thế có trái tim nhạy cảm và làm mẹ nên trong những sáng tác của chị thường có hình ảnh người bà, người mẹ.
Với người sáng tác, cảm xúc là đến bất chợt nên chị thường tranh thủ viết lúc rảnh rỗi hoặc ngay khi cảm xúc đến. Là giáo viên, thời gian dành cho công việc chiếm khá nhiều quỹ thời gian, sáng chiều lên lớp, tối lại lo soạn bài, chấm bài, cộng thêm con nhỏ, vợ chồng xa nhau nên chị gần như ít thời gian sáng tác. Nhưng với tình yêu công việc và niềm đam mê với văn chương nên chị luôn cố gắng cân bằng cuộc sống để tạo thời gian viết cho bản thân.
Nhà thơ Muồng Hoàng Yến sáng tác chủ đề về đề tài dân tộc và miền núi, trong đó có thơ cho thiếu nhi, tình yêu quê hương đất nước và tình cảm gia đình. Chị luôn quan niệm, sự rung động thật sự của trái tim trước vạn vật, tài năng, lòng say mê, sự học hỏi và tích lũy là “chìa khóa” của cánh cửa văn nghệ.
“Bằng sự say mê và tâm huyết, tôi luôn cố gắng viết nhưng khi có được chút ít sự ghi nhận, tôi nhận thấy trong những tác phẩm của mình cần có trách nhiệm hơn với những đổi thay cuộc sống xung quanh. Là người dân tộc thiểu số, sáng tác văn chương với tôi không chỉ là sự đam mê mà bên cạnh đó còn là trách nhiệm với bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Thơ ca phải góp tiếng nói bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Tày nói riêng và vùng miền nói chung” – nhà thơ Muồng Hoàng Yến trăn trở.
Những ngày vừa qua, nhà thơ Muồng Hoàng Yến và các bạn văn, bạn thơ vừa tham gia trại sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Pù Luông (Thanh Hóa). Ở vùng đất mới, với những cuộc gặp gỡ, giao lưu với bạn bè văn chương dân tộc thiểu số ở khắp mọi miền Tổ quốc, chắc chắn sẽ là chất xúc tác diệu kỳ để những câu thơ trong chị được tuôn trào.
Trong hình dung của tôi, nữ giáo viên có tâm hồn thơ ca cứ hiển hiện với tấm lòng, tình yêu với công việc gieo chữ vùng cao như những câu thơ chị viết trong bài “Tổ quốc mình xa mấy vẫn quê hương”: “Nỗi nhớ thương em gói tự quê nhà/ Qua Đèo Gió, Đèo Giàng xuôi về biển cả/ Nhờ cánh hải âu qua muôn trùng sóng vỗ/ Gửi anh, người lính đảo Trường Sa/ Biển, đảo là xương máu của ông cha/ Trao các anh đêm ngày canh giữ/ Nơi bản làng bàn chân em bám trụ/ Bao em thơ còn khát chữ, anh à!…”.