Cuốn sách dày dặn và sang trọng đến tay những độc giả đầu tiên trước đúng một ngày kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, khi trong không gian đã vang vang ca khúc bất hủ “Mười chín tháng Tám” của người nhạc sỹ tài hoa Xuân Oanh.
Nhưng Xuân Oanh đâu chỉ là nhạc sỹ – người nhạc sỹ cách mạng thế hệ đầu cùng với Văn Cao, Nguyễn Đình Thi … những người “đã sống, đã sáng tạo, đã tận hiến và đã để lại một gia sản dựng lên những cột mốc sừng sững trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Và bước vào bất tử.”
Lời giới thiệu “Đỗ Xuân Oanh – Cánh chim Oanh của Mùa Xuân Cách mạng” đã hé mở về Nhà Báo Xuân Oanh của thời kỳ đầu Báo Cứu Quốc; Phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam Xuân Oanh -người đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thế giới; Người chiến sỹ Xuân Oanh; Nhà Ngoại giao Xuân Oanh; và nữa Xuân Oanh-Thi sỹ, Xuân Oanh-Dịch giả, Xuân Oanh Họa sỹ…
Hơn 300 trang sách với 20 bài viết của nhiều tác giả, nhạc sỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà thơ, nhà báo trong nước và quốc tế, trong đó gồm cả một số bài viết của tác giả Xuân Oanh đương thời đã cùng khắc họa chân dung Người Nghệ sĩ toàn tài với cầm, kỳ, thi, họạ, thông thạo 7 ngoại ngữ, có vốn kiến thức đông-tây, kim-cổ, Người Chiến sỹ Cách mạng lão thành sắt son của Việt Nam.
“Đỗ Xuân Oanh – Cánh chim Oanh của Mùa Xuân Cách mạng” được chia làm 3 chương chính và hai phần. Mở đầu với bài viết được lấy làm tiêu đề chung của cuốn sách: “Xuân Oanh – Cánh chim Oanh của Mùa Xuân Cách mạng” của nhà báo Đỗ Lê Châu (con trai trưởng của nhạc sỹ), và Phần kết là “Một số tác phẩm văn học nghệ thuật của Xuân Oanh.” Ở Phần kết này, độc giả được tiếp cận những bản nhạc – có bản gốc, có bản in lần đầu cách đây gần 8 thập kỷ của nhạc sỹ Xuân Oanh: Mười chín tháng Tám, Quê hương anh Bộ đội, Bài ca Hồ Chí Minh, Bình minh trên đất nước không bao giờ tắt….. và được tích hợp QR code để độc giả có thể nghe ca khúc được trình bày bởi những giọng ca kinh điển “muôn năm…”
Cùng đó là những bức họa do người nghệ sỹ tài hoa vẽ với màu sắc tươi tắn, chứa đựng thông điệp rõ ràng về sự lạc quan, yêu đời, yêu con người của ông và Trường ca “Đi tìm mùa Xuân ở khoảng giữa” – tác phẩm thấm đẫm chất lãng mạn cách mạng của Xuân Oanh, mang nội hàm sâu sắc về tình yêu đất nước, Tổ quốc của Xuân Oanh, cái nhìn thấu đáo và biện chứng cũng như những trăn trở của ông trước thế sự, thời cuộc… quan điểm của người nghệ sỹ với cái xấu, cái tiêu cực và sự kỳ vọng mong muốn những điều tốt đẹp được lan tỏa, mong muốn đất nước đẹp giàu phồn vinh của ông.
“Đỗ Xuân Oanh- Cánh chim Oanh của Mùa Xuân Cách mạng” mang đến cho độc giả những điều chưa biết về Xuân Oanh – một trong 3 chàng ngự lâm của âm nhạc Việt, cách gọi của nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha trong “Trăm năm Xuân Oanh.”
Khi Văn Cao viết “Tiến quân ca” cho Đoàn quân Việt Minh, Nguyễn Đình Thi viết “Diệt Phátxít” thì Xuân Oanh là cán bộ Việt Minh ở phía Nam Hà Nội.
Khi “Tiến quân ca,” “Diệt Phátxít” dội bom phá tan dinh lũy thực dân, dứt tung xiềng xích nô lệ của dân tộc thì Xuân Oanh bằng cảm hứng xuất thần ngay trong ngày lịch sử ấy, ngày 19/8/1945 khởi nghĩa ở Hà Nội mở ra cao trào Tổng khởi nghĩa toàn quốc đón chào cuộc đời tự do. Đấy là Hạnh phúc mang tựa đề độc đáo: “Mười chín tháng Tám!”- Trăm năm Xuân Oanh – Nguyễn Thụy Kha.
Ở bài viết Xuân Oanh- Cánh chim Oanh của Mùa Xuân Cách mạng, nhà báo Đỗ Lê Châu đã kể câu chuyện về cuộc đời người nghệ sỹ từ khi là một cậu bé, phải sớm bỏ học mưu sinh bằng đủ các nghề đúc kẽm, phu mỏ, dạy học, đàn hát thuê… và tham gia Mặt trận Việt Minh, rồi vào Đảng (Đảng Cộng sản Đông Dương)… và trở thành người chiến sỹ trung kiên, lão thành Cách mạng.
“Có thể nói Xuân Oanh đã đến với Cách mạng với tất cả sự cuồng nhiệt, say mê, trong trẻo của một người yêu nước chân thành, một nghệ sỹ và một nhà khoa học bẩm sinh.
Cả cuộc đời của Xuân Oanh sau này cũng đều phải tự học mọi thứ. Ông thành thạo tiếng Anh, Pháp, có thể phiên dịch, thuyết trình bằng tiếng Trung, tiếng Nga, có thể giao tiếp bằng tiếng Đức, Tây Ban Nha và từng đọc diễn văn bằng tiếng Nhật trước cả ngàn người tại một cuộc míttinh chống bom nguyên tử ở Nagazaki năm 1976, có thể sáng tác hợp xướng, khí nhạc, có thể bình văn, thơ bằng tiếng Việt, tiếng Anh, Pháp, có thể vẽ tranh nhiều thể loại (và từng có tranh sơn dầu được đưa đi triển lãm quốc tế), có thể làm thợ điện xí nghiệp cho đến sửa chữa mọi thiết bị điện dân dụng, có thể sửa chữa từ máy quay đĩa, ghi âm cho đến quạt máy, tivi, có thể tháo tung máy xe máy ra, có thể sửa đàn piano, đóng giầy, dép, tự may, vá như những thợ may khéo tay nhất và thậm chí có thể làm đầu bếp nấu nhiều món ăn Pháp, Italy chiêu đãi bạn bè…
Với Xuân Oanh, dường như chẳng có gì là không thể. Chỉ tiếc ông không bao giờ có được cơ hội học được bất kỳ cái gì một cách bài bản đến nơi đến chốn. Những cái ông tự học được đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của công tác cách mạng và cuộc mưu sinh…” (trích Xuân Oanh – Cánh chim Oanh của Mùa Xuân Cách mạng – Đỗ Lê Châu).
Với những người làm công tác đối ngoại, phần hai của Xuân Oanh – Cánh chim Oanh của Mùa Xuân Cách mạng mang giá trị tư liệu và kinh nghiệm vô cùng lớn.
Nếu như ở các bài viết Đạo lý ngoại giao của Bác Hồ và Học làm báo, làm ngoại giao từ người thầy Xuân Thủy do chính tác giả viết, chia sẻ về triết lý, quan điểm, đường lối ngoại giao cởi mở, khéo léo, sáng tạo – được khởi nguồn tự nhiên như ADN và trở thành một nghệ thuật-thứ nghệ thuật “biểu hiện ở mức độ cao nhất cái tinh túy, cái hồn, cái chất sâu lắng của một loại hoạt động chính trị-xã hội” …. và “Tôi tin rằng, trong suy nghĩ và trong hành động của Hồ Chủ tịch đối với mọi trường hợp lấy công tác ngoại giao như một phương tiện nghệ thuật để thực hiện mục đích chính trị nhất định, hoàn toàn không có một cái gì cho phép mọi người hiểu rằng có một ranh giới nào đó để phân biệt đâu là Nhà nước, đâu là nhân dân”- Đạo lý ngoại giao của Bác Hồ – Xuân Oanh.
Thì bài viết của Thomas Wilber – con trai của trung tá phi công Mỹ Gene Wilber, người đã có 4 năm 8 tháng bị giam tại Hỏa Lò sau khi máy bay của ông bị bắn rơi tại Nghệ An – đã tường tận về một Xuân Oanh – nhà ngoại giao nhân dân tài ba, chân tình và xuất sắc.
Khi cựu binh Mỹ Gene Wilber trở về nước, ông đã bị hoài nghi thậm chí bị một bộ phận dư luận lên án vì những phát ngôn của mình về chính sách nhân đạo của Việt Nam.
Ngay cả Thomas, khi đến Việt Nam cũng mang trong lòng sự hoài nghi để rồi sau nhiều lần thu thập thông tin, nhân chứng, tư liệu về cha mình, sau khi gặp Xuân Oanh – người đã từng vào Hỏa Lò để gặp cha anh khi bị giam tại đây, đã giải tỏa tất cả, và sau đó những bài viết của anh tại Mỹ đã thể hiện sự thán phục ngưỡng mộ về văn hóa Việt Nam, về con người Việt Nam, về chính sách của Việt Nam với tù binh với chiến tranh… Qua đó hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, công lý, một Việt Nam tươi đẹp với những con người hồn hậu, mà uyên bác, giản dị mà tài năng … đã đến với độc giả thế giới, với độc giả Mỹ.
“Gặp gỡ được Oanh đã cho chúng tôi một cái nhìn sâu sắc về đời sống xã hội Việt Nam. Chủ nghĩa dân tộc của ông là chủ nghĩa cá nhân và đam mê. Khi chúng tôi đi dọc Bờ Hồ vào một buổi tối, ông ấy bắt đầu nói về văn hóa Việt Nam. Ông nhắc nhở chúng tôi rằng ngôn ngữ Việt là một ngôn ngữ thi ca đến nỗi đối thoại thông thường cũng thành thơ. Ông nói với vẻ tự hào rằng đó là một ngôn ngữ tinh tế và quý giá, “khó học hơn nhiều so với tiếng Trung Quốc.”
Chúng tôi hiểu rằng nền văn hóa này đang khao khát được giải phóng khỏi những năm tháng mù mịt do sự thống trị của các cường quốc lớn hơn”- Phía bên kia: hai người Mỹ báo cáo về chuyến đi bị cấm đoán của họ tới Việt Nam/ Đỗ Xuân Oanh và ngoại giao nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ – Thomas Wilber.
Xuân Oanh – Cánh chim Oanh của Mùa Xuân Cách mạng được ra mắt để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người Nghệ sỹ do các con của ông: Nhà báo Đỗ Lê Châu (đã mất); nhà báo Đỗ Lê Chi và doanh nhân Đỗ Lê Chân tập hợp từ nguồn tư liệu gia đình và của nhiều tác giả, được ấn hành tại Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
Cuốn sách được làm công phu, kỹ lưỡng, cẩn trọng với tình yêu và sự thành kính vô bờ bến của Châu-Chân-Chi với Cha mình, là “món quà của trăm năm” mà gia đình tác giả “Mười chín tháng Tám” tặng cho độc giả trong những ngày tháng Tám-mùa Thu đẹp đẽ và lộng lẫy gắn liền với những trang lịch sử hào hùng của dân tộc./.
Nhạc sỹ Xuân Oanh tên thật là Đỗ Xuân Oanh sinh ngày 4/1/1923. Mất ngày: 27/3/2010Trước 1945, ông tham gia tuyên truyền cho Mặt Trận Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông lên chiến khu Việt Bắc và làm việc cho Báo Cứu quốc. Ông rất giỏi ngoại ngữ, biết 7 thứ tiếng hoàn toàn do tự học. Ông từng là phát thanh viên chương trình Tiếng Anh thế hệ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông từng làm phiên dịch viên cho các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam như Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố thủ tướng Phạm Văn Đồng. Năm 1951, tham gia thành lập Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam, làm Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban. Từ 1968 đến 1972, tại Hội nghị Paris về Việt Nam, tham gia Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tư cách đại diện cho Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Việt Nam và Ủy ban Việt Nam Đoàn kết với nhân dân Mỹ-Pháp, vận động phong trào chống chiến tranh xâm lược của Mỹ. Năm 1989 ông tham gia xuống đường chống bom nguyên tử tại Nhật Bản, ông phổ nhạc thành công bài thơ “Trời sẽ lại trong xanh” của tác giả người Nhật Umeda Shyozi đã để lại ấn tượng sấu sắc cho bạn bè thế giới. Trong khoảng những năm 90 của thế kỷ trước ông chuyển sang nghề dịch giả với bút danh Anh Thư. Giải thưởng: Tác phẩm tiêu biểu: Âm nhạc: Mười chín tháng Tám (1945); Cây súng bạn đường; Đời vẫn tươi; Quê hương anh bộ đội; Ca mừng chế độ ta tươi đẹp; Hồ Chí Minh người là muôn ánh sao…. Quê hương hai tiếng ấy (Hợp xướng 4 chương) Thơ: Đi tìm mùa Xuân ở khoảng giữa Dịch: Sang tiếng Việt: Trần trụi giữa bầy sói (cùng Hoàng Tố Vân); Hai số phận; Lucky; Nửa đêm về sáng; Một lần chưa đủ; Mãi mãi xanh; Máy yêu; Cổng vàng; Vườn Thượng Hải; Phía sau tình yêu; Bảo bối Thượng Hải. |