back to top
26 C
Hanoi
Thursday, 12 September, 2024
Trang chủVăn học Nghệ thuậtTác giảNhà thơ Lê Anh Xuân và những trang viết đi cùng năm...

Nhà thơ Lê Anh Xuân và những trang viết đi cùng năm tháng

Nhà thơ Lê Anh Xuân (tên thật là Ca Lê Hiến) – một người con của mảnh đất Nam Bộ thành đồng, trước hết là một nhà giáo.

Năm 1963, tốt nghiệp khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Lê Anh Xuân được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Cuối năm 1964, Lê Anh Xuân “xếp bút nghiên” xung phong trở về Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Chỉ vỏn vẹn chưa đầy 4 năm ở chiến trường miền Nam nhưng nhà giáo, nhà thơ, chiến sĩ Lê Anh Xuân đã để lại những tác phẩm hết sức quý giá, trong đó có những trang viết tri ân không thể nào quên về những con người đã hy sinh vì nước.

Ấn tượng nhất là những vần thơ của Lê Anh Xuân nói về các bà mẹ. Đó là những bà mẹ “Tần tảo sớm hôm/ Nuôi các anh ta dưới hầm bí mật/Cả đời mẹ hy sinh gan góc/Hai mươi năm giữ đất giữ làng/Ôi mẹ ta bà mẹ miền Nam” (Trở về quê nội). Những bà mẹ miền Nam thuở ấy dù luôn phải đối diện với bao khó khăn gian khổ; giữa sự sống và cái chết chỉ là gang tấc nhưng vẫn luôn âm thầm, kiên trì bám đất, bám làng với những mái lều tranh bao lần cháy đi lợp lại mà vẫn ấm lửa cách mạng, nuôi cán bộ dưới hầm bí mật. Hình ảnh đó đã gây xúc động lớn đối với nhà thơ: “Con nhìn tóc mẹ đang bay/Con thương mẹ đã bao ngày gian lao/Vì sao tuổi mẹ đã cao/Đấu tranh mẹ vẫn đi đầu mẹ ơi” (Về Bến Tre).

Bao năm tháng đã trôi qua, nhưng làm sao có thể quên hình ảnh một người mẹ trên sông Hàm Luông trọn cuộc đời vì cách mạng. Trong gian nhà đơn sơ của mẹ, trên bàn thờ, mẹ cắm những bông trang đỏ để nhớ sắc cờ cách mạng sau khi các con đi tập kết. Dưới bàn thờ, mẹ đào hầm nuôi cán bộ. Chồng bị giặc giết, rồi con bị giặc giết, lòng mẹ vẫn không sờn. Mẹ bị giặc bắt, chúng đánh mẹ mù mắt. Đêm “đồng khởi”, mẹ mừng quá, “đánh mõ tre, đánh cả vào tay”. Sau đồng khởi, giặc lại đến. Mẹ tìm mọi cách cứu cán bộ. Rồi mẹ hy sinh. Từ đó các em học sinh đến trường cứ thay nhau hái bông trang cắm trên mồ mẹ. Cũng từ đó: “Sông Hàm Luông ca hát sớm chiều/Hát rằng: Hỡi mẹ kính yêu/Cuộc đời mẹ đẹp như màu bông trang” (Bông trang đỏ).

Chân dung Lê Anh Xuân. Ảnh tư liệu.

Nhà giáo, nhà thơ liệt sỹ Lê Anh Xuân còn có những dòng thơ tri ân viết về các em nhỏ làm công tác giao liên. Đó là trường hợp của bé gái đưa đò trên sông An Hóa. Đưa người đi biểu tình qua sông, để che mắt quân giặc, em mặc sẵn trong mình sáu lớp áo, mỗi lớp một màu. Mỗi lần qua sông em thay một màu áo, lúc thì màu vàng như sao, lúc xanh như tóc, lúc hồng như máu, lúc đen như màu áo chiến khu, lúc trắng như màu áo học trò, lúc như hoa tím trời chiều. Cảm phục quá, nhà thơ đã phải thốt lên: “Áo em như có phép tiên/Đò qua mấy chuyến, áo em mấy màu” (Em gái đưa đò).

Hình ảnh em Trương Văn Trì – một thiếu nhi khác trên sông Cổ Chiên – cũng hết sức đẹp đẽ. Trương Văn Trì được nhà thơ Lê Anh Xuân ví như là một “Ánh lửa trên sông”. Tham gia cách mạng, khi gặp hiểm nguy em rất mưu trí, bình tĩnh và có nhiều tình huống ứng xử thật thông minh: “Qua sông nguy hiểm chẳng sờn/ Đạn bom em vượt, sóng cồn em qua” (Ánh lửa trên sông). Khi bị giặc vây, không ngần ngại, em ôm thủ pháo lao vào tàu giặc, cứu nguy cho cán bộ trên thuyền: “Tàu thù vừa ập đến nơi/ Em Trì tôi đã ngang trời đứng lên/Lời em vút ngọn sóng rền/ Thanh thanh như tiếng chim chuyền cành xanh/Bác Hồ ơi, cháu hy sinh!/ Nói rồi em vụt lao nhanh qua tàu” (Ánh lửa trên sông).

Những tác phẩm của nhà thơ, liệt sỹ Lê Anh Xuân tập trung nhiều nhất vào những người chiến sĩ luôn phải đối diện trực tiếp với kẻ thù. Tấm gương hy sinh của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã tạo cảm hứng mãnh liệt để nhà thơ Lê Anh Xuân cho ra đời “Trường ca Nguyễn Văn Trỗi”. Dáng đứng của anh Nguyễn Văn Trỗi trên trường bắn như đã đóng đinh lên tấm ván thời gian, đóng đinh vào trong trang thơ Lê Anh Xuân: “Như anh đứng đấy trẻ tươi/ Tạc hình thế kỷ muôn đời không tan”. Nhà thơ Lê Anh Xuân còn ghi lại dáng đứng Việt Nam của anh hùng liệt sỹ đất Đồng Tháp Huỳnh Việt Thanh: “Anh đứng giữa Tháp Mười/ Giữa biển cỏ mênh mông màu thế kỷ” để “Gió thổi thời gian và biển cỏ xa khơi”, và “Gió thổi tên anh vào lịch sử” (Anh đứng giữa Tháp Mười).

Có thể nói, từ những dáng đứng ở trường bắn Chí Hòa, ở mênh mông Đồng Tháp, từ dáng đứng của anh giải phóng quân hy sinh trên đường băng Tân Sơn Nhất, nhà thơ Lê Anh Xuân đã tạc vào trong thơ của mình Dáng đứng Việt Nam” mãi đi cùng năm tháng: “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ giải phóng quân/ Tên Anh đã thành tên đất nước”.

Năm 1968 nhà thơ Lê Anh Xuân cũng đã hy sinh anh dũng trong một trận càn của Mỹ tại Long An. Cũng như những người mẹ, người chị, người em, chiến sĩ anh dũng mà ông đã viết, liệt sỹ, người anh hùng Lê Anh Xuân đã hóa thân vào đất nước…

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM