back to top
25 C
Hanoi
Thursday, 12 September, 2024
Trang chủVăn học Nghệ thuậtVHNT các dân tộcCận cảnh nhà thờ đá Đạ Tông đậm bản sắc Tây Nguyên

Cận cảnh nhà thờ đá Đạ Tông đậm bản sắc Tây Nguyên

Kiến trúc cơ bản của nhà thờ Đạ Tông là sự kết hợp hài hòa giữa nhà rông và nhà dài của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên như K’Ho, M’Nông… tạo nên nét đẹp tự nhiên, gần gũi giữa khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình.

Theo các già làng M’Nông, nhà thờ đá Đạ Tông được khởi công xây dựng vào năm 2007 và khánh thành năm 2009, trở thành nơi hành lễ của hàng vạn giáo dân ở xã Đạ Tông cùng các xã lân cận như Đạ M’Rông, Đạ Long thuộc huyện Đam Rông, Lâm Đồng.

Nhà thờ đá Đạ Tông

Đây là nhà thờ đá hiếm hoi ở Tây Nguyên, về kiểu dáng có sự kết hợp giữa nhà rông, nhà dài của người M’Nông và K’Ho, tạo nên nét đẹp tự nhiên, gần gũi. Trần nhà, cửa sổ và các bức tường được thiết kế và trang trí hoa văn, họa tiết… mang đậm bản sắc Tây Nguyên.

Cũng được xây chủ yếu bằng chất liệu đá như một số nhà thờ nổi tiếng của Việt Nam như Phát Diệm (Ninh Bình), Chánh Tòa (Nha Trang), Giáo xứ Bình Chính (Phan Rang), nhưng nhà thờ Đạ Tông có nét độc đáo riêng. Bàn thờ là phiến đá nguyên khối rất lớn, hình tròn, được cắt vát, cả bàn Lời Chúa cũng bằng đá nguyên khối.

Bên trong thánh đường.

Được xây dựng với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, nhưng giá trị thực của nhà thờ Đạ Tông còn cao gấp nhiều lần, nhờ vào sự chung tay, góp sức của cộng đồng giáo dân. Người dân địa phương đã mang rất nhiều đá từ sông Krông Nô, suối Đạ Tông và suối Rô Men về cho thợ chẻ ra xây tường, đắp cột, lát sân…

Đó là chưa kể nhiều tiểu cảnh và tượng tạc bằng đá nguyên khối được bố trí hài hòa trong khuôn viên rộng, rợp bóng cây xanh, tạo nên vẻ đẹp rất riêng cho ngôi thánh đường.

Phiến đá nguyên khối trong nhà thờ.

Nhà thờ Đạ Tông nằm dưới chân một ngọn núi hùng vĩ, cảnh vật bốn bề đẹp như tranh. Những cánh rừng nguyên sinh xanh ngắt hòa quyện với mây trắng bồng bềnh, bao quanh thánh đường là dòng sông Krông Nô và suối Đạ Tông với làn nước trong xanh, len lỏi giữa ghềnh đá.

Cha Batôlômêô Nguyễn Văn Gioan, quản xứ giáo xứ Ðạ Tông cho biết trước kia, bà con giáo dân ở 3 xã Đạ Tông, Đạ M’Rông và Đạ Long thường đến những nhà thờ cách xa từ vài chục đến cả trăm cây số để xưng tội và dự lễ, chẳng hạn nhà thờ Chánh Tòa và nhà thờ Cam Ly (TP Đà Lạt), nhà thờ Phú Sơn (huyện Lâm Hà) hay nhà thờ Lang Biang (huyện Lạc Dương).

Cụm tượng bằng đá trong sân nhà thờ.

Từ năm 2009 đến nay, người dân ở 3 xã này đã có nhà thờ khang trang rộng rãi để dự lễ hàng ngày, hàng tuần. Nơi đây còn là điểm sinh hoạt văn hóa của người K’Ho và M’Nông với những nghi lễ, phong tục độc đáo.

Có lẽ vì vậy mà nhà thờ Đạ Tông không chỉ là nơi hành lễ mà còn là điểm đến thú vị của du khách gần xa, nhất là giới trẻ.

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM