Sắc màu rực rỡ của những ngôi chùa Khmer lúc nào cũng dang rộng cửa chào đón khách ghé thăm. Trừ những ngày lễ, quanh năm các ngôi chùa ấy khoác lên mình vẻ điềm nhiên vốn có như cây bồ đề tự do xanh lá. Mỗi lần vào chùa, tôi luôn cảm nhận một không khí rất khác: Như thể những ồn ào khói bụi đã dừng lại ngoài kia, chào đón tôi là không gian tín ngưỡng của những tiếng chuông khơi mở tâm hồn. Một nét đẹp của sự tĩnh tại.
Nhớ tới những ngôi chùa ở Sóc Trăng, người ta thường nghĩ ngay đến chùa Dơi (còn gọi là chùa Mahatup). Trên đường Văn Ngọc Chính, TP Sóc Trăng, ngôi chùa là ngôi nhà của đàn dơi treo mình ngủ ngon lành trên những hàng cây sao, cây dầu. Chúng chẳng quan tâm đến những đôi mắt tò mò ngắm nghía của du khách, bình thản ôm ấp giấc mơ riêng.
Đến đây, lòng nhẹ đi khi được lắng nghe nhạc cổ truyền của dân tộc anh em, những người nghệ sĩ say sưa tấu khúc nhạc Ngũ âm truyền thống. Ấy là một dàn nhạc được hợp thành bởi năm bộ nhạc cụ làm từ năm loại chất liệu khác nhau tạo nên năm âm sắc riêng. Hơi ngược với tư duy thường thấy, tôi cho rằng âm nhạc chính là tiếng hát của sự yên tĩnh. Bởi lẽ đối lập với tiếng ồn, âm nhạc đưa ta vào những tiềm thức rộng lớn, nơi ta gặp chính ta và trò chuyện với cái tôi. Âm nhạc là thư giãn, là thưởng thức, là thả tâm hồn vút cao như cánh diều gặp cơn gió lộng. Giữa ngôi chùa thênh thang mát lành, nơi những con dơi hòa mình trong bóng lá, tai ta lắng nghe khúc nhạc Ngũ âm, cảm giác những gánh nặng trên vai nhẹ hẫng đi từng chút.
Bên cạnh chùa Dơi, ký ức trong tôi đậm dấu hơn hình ảnh một ngôi chùa Khmer khác. Mỗi năm, khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp kết thúc, mọi người đã sắp sửa chuẩn bị quay lại cuộc sống bộn bề, tôi lại cùng gia đình đến thăm chùa Chén Kiểu. Mặc dù không phải là người Khmer, song tôi bị sự độc đáo của ngôi chùa Khmer này thu hút, như thể đã trót say vị ngải trong tô bún nước lèo đậm đà. Còn được gọi là chùa Sà Lôn, ngôi chùa xinh xắn ấy tọa lạc ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, là vị trí của đặc sản bánh cống cũng do chính những người Khmer làm bán. Một trong những ngôi chùa đặc biệt với kiểu kiến trúc chẳng đâu có được, nơi những bức tường được áp bằng những mảnh chén, đĩa sành sứ tạo nên những họa tiết riêng, ngẫu hứng mà đầy đặc sắc.
Nằm trong chuỗi những ngôi chùa Khmer Nam Bộ của Sóc Trăng, như bao ngôi chùa khác, cổng chùa luôn mở rộng chào đón mọi người như lòng mến khách thật thà của người dân Khmer. Ngay từ những bước chân đầu tiên, ánh mắt của tôi được lấp đầy bởi những bức tường áp đầy sành sứ ánh lên trong nắng. Dưới bầu trời dìu dịu xanh, vẻ ngời sáng của những lớp men khiến ngôi chùa vừa như mạnh mẽ lại vừa mang một vẻ đẹp mong manh. Phủ trên tất cả vẫn là sự trầm lắng của nơi thiền tự, khi vài con chim bồ câu thản nhiên lướt cánh ngang qua, đậu thành đàn trên mái ngói, trên cành cây, trong sân vắng. Chúng là điểm nhấn cho “bức tranh” thanh bình của ngôi chùa hiền hòa.
Có thể thấy ở khắp nơi những biểu tượng quen thuộc: Sư tử đá, tiên nữ Apsara, những nữ thần Keynor có cánh,… chùa Chén Kiểu mang đầy những gam màu và hình ảnh nhận diện văn hóa Khmer. Không chỉ đơn giản vậy, chùa còn thể hiện nét riêng không lẫn vào bất cứ ngôi chùa nơi đâu, ở cách hòa phối màu sắc và đặt để trang trí. Chính nguyên liệu sành sứ khơi nguồn sáng tạo: Những mảnh chén, đĩa không đồng nhất cả về hình dạng lẫn màu sắc, đòi hỏi con mắt nghệ thuật sắp xếp. Nhờ sắc men sành sứ với gam trắng đặc trưng, kiến trúc xung quanh đã được gia giảm sắc màu và bổ sung những gam màu nhẹ nhàng hơn. Sự tài hoa tạo nên bối cảnh vừa thuận mắt mà không lấn át vẻ đẹp đậm đà bản sắc văn hóa.
Chuyện xưa kể lại, ngôi chùa ngày ấy cũng được xây dựng bằng những vật liệu bình thường. Rồi chiến tranh tàn phá đi những đường nét uy nghiêm, dẫu khó khăn, niềm tin và nhu cầu tín ngưỡng thiêng liêng vẫn vực dậy mong muốn xây dựng lại ngôi chùa thuở trước. Gặp biết bao trở ngại, nhất là vật liệu đắt đỏ và thiếu thốn, các vị sư khi ấy đã nảy ra sáng kiến kêu gọi quyên góp chén, đĩa từ bà con trong vùng để áp lên tường. Chẳng cần phải lành lặn vẹn nguyên, những mảnh vỡ vẫn tạo nên giá trị. Cách làm sáng tạo này không những tiết kiệm được chi phí mà còn biến mọi người trở thành những nghệ sĩ tài hoa, bằng cách ghép các mảnh vỡ để tạo ra họa tiết. Những mảnh sứ như một thành viên của cộng đồng, tất cả đan tay thể hiện sự đoàn kết trong tín ngưỡng tâm linh của người dân Khmer. Tất cả tạo nên ngôi chùa đầy màu sắc.
Thông điệp ấy phần nào khiến tôi nhớ đến phong cách wabi sabi của đất nước mặt trời mọc. Trong tiếng Nhật, wabi là cái đẹp của sự mộc mạc, hài hòa với thiên nhiên, còn sabi là cái đẹp toát ra từ sự điềm nhiên, tĩnh lặng dù bị che khuất bởi thời gian. Theo thẩm mỹ của văn hóa Nhật Bản, ấy là sự tìm kiếm những gì không hoàn hảo, tôn vinh cả cũ kỹ và vô thường. Một phong cách giúp con người nhận biết giá trị của lối sống đơn giản và thuận tự nhiên. Chẳng phải rất giống sao? Khi ở chính ngôi chùa Chén Kiểu này, mọi người đã nương theo dòng chảy của sự thay đổi bằng cách tận dụng những điều sẵn có.
Chẳng có sự hoàn hảo và trọn vẹn nào nơi những bức tường đầy mảnh vỡ ấy, nhưng khi nhìn vào đó, con người tìm thấy vẻ đẹp trong bản chất chưa hoàn thiện của kiến trúc trong mối tương quan với môi trường xung quanh. Những họa tiết bất đối xứng, khi tối giản, khi lại cầu kỳ tùy theo màu sắc và họa tiết của mảnh chén, đĩa vỡ, ngôi chùa như mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên. Có lẽ vì những ý nghĩa đậm chất thiền này, khiến mỗi lần đến đây tôi cảm thấy mình thư thái và an tĩnh lạ lùng.
Có lần dẫn bạn đến thăm chùa, khi nghe tôi kể những điều ấy, bạn tôi mở sổ tay chép lại say sưa. Với bạn, những chuyến du lịch đâu phải chỉ vui chơi, hành trình đến thăm vùng đất khác chứa đựng sự lắng nghe và tìm hiểu. Những tấm ảnh được bấm liên tục, liên tục, sau khi đã no mắt trầm trồ trước những cách bài trí lạ lẫm của các cột, kèo và khắp các bức tường, bạn muốn lưu giữ những vẻ đẹp văn hóa này.
Trong màu nắng vàng như mật óng, tôi và bạn tắm mình bằng dòng chảy của những trải nghiệm kỳ lạ, khi phát hiện những kết hợp đầy thú vị nơi kiến trúc vừa đậm kiểu Đông Dương với cửa sổ lá sách xanh và họa tiết kỷ hà, vừa ghi dấu ấn Khmer với màu sắc rạng rỡ được bố cục hài hòa. Đó dường như là một bài học mới cho chúng tôi, người yêu mến những thể nghiệm văn hóa mới lạ. Tựa một con sông cuộn chảy, văn hóa không ngừng lại mà luôn phát triển, đổi khác đi, rẽ những nhánh mới. Trong sự vận động ấy, giữ cái cũ và tạo cái mới luôn là bài toán cho công tác bảo tồn. Chùa Chén Kiểu chẳng khác một minh chứng trong việc kế thừa truyền thống và kiến tạo nên những nét văn hóa mới.
Sau cùng, tôi nghĩ, con người tìm đến những địa điểm tâm linh, dẫu có khi chẳng để mong cầu, mà để lòng lấy lại bình yên. Với những ngôi chùa: Ta thiền định, ta lắng nghe, ta chiêm ngưỡng. Như một nguồn năng lượng trắng và sạch, những ngôi chùa ở xứ sở Sóc Trăng đem đến vẻ đẹp của sự yên tĩnh.
Tùy bút của Phát Dương