Nguồn cảm hứng
Xã Đa Mai nằm bên bờ sông Thương có cây cầu nối con đường huyết mạch từ biên giới Lạng Sơn chi viện cho tiền tuyến lớn. Cuối năm 1964, sau một loạt thất bại ở miền Nam, giặc Mỹ điên cuồng leo thang tấn công miền Bắc. Cầu Sông Thương trở thành tâm điểm của kẻ thù hòng cắt đứt tuyến đường viện trợ từ hậu phương cho miền Nam ruột thịt. Suốt 8 năm với hơn 200 trận đánh, giặc Mỹ đã trút xuống miền quê ven sông này hàng ngàn tấn bom, hàng trăm quả tên lửa cùng hàng vạn bom bi, nhưng không làm lung lay được ý chí của người Đa Mai. Bà con vẫn một lòng bám đất, bám làng, vừa tăng gia sản xuất chi viện cho miền Nam vừa phục vụ Trung đoàn pháo phòng không 365 (nay là Sư đoàn 365) đóng quân trên địa bàn bảo vệ quê hương.
Cũng như biết bao người mẹ, người chị trong hội phụ nữ xã, mẹ Lương Thị Liên quyết ở lại bám trụ, chẳng quản mưa bom, bão đạn, dành cả tâm huyết cho cách mạng làm kháng chiến. Ngôi nhà nhỏ tranh tre nứa lá của mẹ luôn là nơi che chở, giúp đỡ cho bộ đội mỗi khi qua làng. Ngày ngày, mẹ cùng chị em toả đi các gia đình trong thôn quyên góp lương thực, thực phẩm, đan mũ rơm, áo tơi, chặt tre làm nắp hầm cho bộ đội… Dưới bàn tay các mẹ, từng bát cơm sâu nặng tình quân dân đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ tiêu diệt kẻ thù. Mỗi khi ngớt tiếng bom dội, các mẹ lại băng băng chạy tới chạy lui đến trận địa pháo, tổ chức cứu thương, động viên bộ đội tiếp tục chiến đấu…
Trước yêu cầu thực tế lúc bấy giờ, hội phụ nữ có sáng kiến thành lập Hội Mẹ chiến sĩ vá áo cho bộ đội. Hội Mẹ chiến sĩ xã Đa Mai được thành lập từ cuối năm 1965, ban đầu có 5 tổ với hơn 300 bà mẹ tham gia. Khi đế quốc Mỹ đánh phá ngày một ác liệt thì Hội Mẹ chiến sĩ ngày càng hoạt động sôi nổi và có nhiều đóng góp tích cực cho bộ đội. Từ 5 tổ lúc mới thành lập, đến 1967-1968 đã phát triển thành 9 tổ với 453 bà mẹ tham gia.
Phụ trách Hội Mẹ chiến sĩ lúc đó là bà Lương Thị Liên ở xóm Sẫu, xã Đa Mai. Các mẹ có nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú với nhiều hình thức như: Góp 6.650 công cùng nhân dân xây dựng 7 trận địa pháo cao xạ 37mm và 100mm ở quanh thị xã Bắc Giang; đào đắp 7.000m3 đất; vận động 30 chị em tham gia dân quân tự vệ luyện tập quân sự sẵn sàng thay thế pháo thủ; vận động bà con đóng góp 318 cây tre cho bộ đội làm hầm tránh đạn, đan 387 áo rơm và 218 mũ rơm tránh mảnh đạn và bom bi; đan đệm rơm cho bộ đội nằm để đỡ lạnh về mùa đông. Đặc biệt là hoạt động đi lên các trận địa pháo sau mỗi trận chiến đấu để vá áo cho bộ đội. Ngày cũng như đêm các chiến sĩ pháo thủ phải quần nhau với địch nên áo quần rách nhiều, các mẹ đã phân công nhau khâu vá tại chỗ cho anh em bộ đội.
Trong suốt thời gian dài từ 1965-1972 Hội Mẹ chiến sĩ đã không xa rời anh em bộ đội. Khi các anh chiến đấu, các mẹ là người chặt lá ngụy trang mang lên trận địa. Không sợ khó khăn vất vả và hy sinh, các mẹ cứ thay phiên nhau đi hết trận địa này đến trận địa khác để phục vụ bộ đội trong điều kiện bom rơi đạn nổ ác liệt. Hội Mẹ chiến sĩ còn quyên góp lương thực, thực phẩm để cải thiện đời sống cho bộ đội được 965kg rau xanh; 714kg đỗ, lạc; 650kg khoai lang, khoai sọ; 80kg lợn hơi… Ngoài ra các mẹ còn vận động nhau góp gạo làm bún. Khi bộ đội chiến đấu mệt mỏi, các mẹ làm bún riêu cho anh em ăn, các chiến sĩ vô cùng cảm động trước tình cảm của các mẹ.
Trong các trận chiến đấu, nhiều trận địa pháo bị trúng bom, các pháo thủ có người hy sinh, có người bị thương. Hội Mẹ chiến sĩ đã cùng chị em nữ dân quân trong xã băng bó cứu chữa, chăm sóc và đưa đến bệnh viện. Đối với những người bị hy sinh, các mẹ tắm rửa cẩn thận, chu đáo rồi mới đem chôn cất… Hội Mẹ chiến sĩ đã nhận đỡ đầu chăm sóc phần mộ của các anh, hằng năm làm giỗ, cúng lễ chu đáo như con đẻ của mình…
Tấm áo – Tấm lòng người mẹ Việt Nam trong thời chiến.
Năm 1973, Mỹ đánh phá miền Bắc vô cùng dữ dội. Tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang và Bắc Ninh) lúc bấy giờ là chiến lũy thép của một mặt cửa ngõ Hà Nội về phía Bắc. Thị xã Đa Mai lúc đó là địa bàn hoạt động của Trung đoàn Pháo phòng không 216, đã chiến đấu dũng cảm với máy bay địch để bảo vệ cầu Bắc Giang và đoạn đường sắt, quốc lộ 1A Hà Nội – Lạng Sơn chạy qua địa bàn. Những trận địa pháo giăng đầy cửa ngõ, chiến đấu suốt ngày đêm. Tiếng báo động liên hồi, trận này vừa xong đã đến ngay trận khác. Các chiến sĩ, theo hồi ký của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, “như những thiên thần không hề biết sợ chết. Đánh xong mỗi trận ai cũng mặt mày đen sạm, quần áo tả tơi vì những hố bom”.
Đúng vào lúc cao điểm ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về Hà Bắc. Ông chứng kiến ngay trong những thời khắc chiến đấu gian khổ, ác liệt ấy, phía sau trận địa là các chị, các mẹ ở Hội Mẹ chiến sĩ xã Đa Mai đã hy sinh tất cả để giúp đỡ, động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Pháo phòng không 216, bám địa bàn, trận địa, chiến đấu kiên cường, dũng cảm tiêu diệt máy bay địch để bảo vệ bầu trời Hà Bắc.
Theo Hồi ký của nhạc sĩ, ở đó, trong một đêm tối trời ông chứng kiến những bà mẹ ngồi khâu áo cho các chiến sĩ. Ông được kể rằng những mẹ, những chị ở đây đã khâu hết 2.500 tấm áo. Ông nhớ lại: “Tôi lắng nghe, vô cùng xúc động khi nhìn vào gương mặt các mẹ già, phần lớn đã sáu, bảy mươi tuổi, nhìn vào những cặp mắt đã kèm nhèm thế mà lại vá áo với những ngọn đèn “Hoa Kỳ” chỉ được phép sáng như những con đom đóm, với điều kiện che đậy thế nào cho máy bay trinh sát địch trên trời không phát hiện ra ánh sáng trong đêm. Mà đã vá là phải vá gấp để kịp đưa ra trận địa. Nhiều chiến sĩ mình trần, quần lại rách nhưng vẫn không ngơi tay đánh giặc. Thấy thế các mẹ đau lòng nên đường kim mũi chỉ phải vội vàng ngày cũng như đêm”.
Trong đêm hôm ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bất chợt chú ý đến một người có khuôn mặt rất giống mẹ ông. Chạnh lòng ông lại nhớ mẹ. Nếu còn sống ông biết mẹ vẫn luôn sẵn sàng vá áo cho con. Trong khoảnh khắc ấy, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa đã được ra đời.
Bài hát khi ra đời đã gây được sự xúc động đặc biệt cho người nghe. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác dựa trên chất liệu dân ca quan họ, thêm chút chất ngâm vịnh của làn điệu lới lơ, giai điệu đằm thắm và lời ca thì giản dị nhưng đi thẳng vào tim. Bài hát có những câu thơ: “Các con ra đi đã mấy chiến trường/Mang theo cả tình thương của mẹ” như khái quát hết tâm trạng của hàng triệu người con ra trận.
Trong bài hát này có câu “Tấm áo ấy con quý hơn cơm gạo, đời mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương”, theo lời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ông sáng tác bài này trong cơn xúc động dâng tràn và đến câu này, cụ thể là ở đoạn, “đời mẹ nghèo trông áo rách” thì ông không kìm được nước mắt. Lúc ấy một giọt nước mắt rơi đúng vào đoạn đó và ông quyết định để một dấu lặng (đoạn nghỉ) rồi mới đến câu tiếp “áo rách nên thương”.
Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã viết: “Bài Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa của tôi sáng tác từ năm 1973 đã đi vào lòng bộ đội ta như một khúc hát ân tình thấm mãi tình Đảng, tình dân, tình giai cấp, cho đến bây giờ nó vẫn còn được nhiều ca sĩ chuyên nghiệp khắp nơi hát mãi qua nhiều hội diễn mà người nào hát cũng vẫn thành công. Là tác giả mà nghe bao giờ tôi cũng xúc động vô cùng”.