Chi hội Văn học nghệ thuật (VHNT) huyện Định Hóa thành lập năm 1987, đến năm 2009 nâng lên thành Hội VHNT, là thành viên Hội VHNT tỉnh. Hoạt động ở địa bàn miền núi, lực lượng hội viên mỏng và yếu về chuyên môn, kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách của huyện rất ít, cơ chế chính sách đối với các hội đặc thù còn hạn chế nên ban đầu đội ngũ cán bộ chủ chốt của Hội khá vất vả, lúng túng trong xác định nhiệm vụ và xây dựng phong trào.
Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Hội, kể lại: “Hồi đó có những lúc phải ứng tiền nhà ra để hoạt động. Tôi tự đi học vi tính để làm văn bản và quản lý sổ sách trên máy tính”.
Việc đầu tiên Hội VHNT huyện Định Hóa làm là thu hút lực lượng nòng cốt trong hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các xã, thị trấn vào Hội. Xác định nhiệm vụ chính là tham gia xây dựng phong trào văn hóa cơ sở, Hội chủ động đề xuất với các xã, thị trấn thành lập các câu lạc bộ VHNT. Hoạt động này đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương tích cực ủng hộ. Đến nay đã có 18/23 xã, thị trấn thành lập được câu lạc bộ VHNT với tổng số 532 hội viên, được tổ chức theo các cụm thi đua; nổi bật là xã Định Biên lên tới 60 người. Đây là lực lượng tích cực nhất trong hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc Định Hóa, như: Hát then và đàn tính, lượn cọi hát soọng cô, múa tắc xình, hát sấng cọ…
Hằng năm, bám sát chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Hội xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các cụm tổ chức hoạt động sáng tác và quảng bá tác phẩm theo chủ đề gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Kinh phí tổ chức do các địa phương ủng hộ và hội viên đóng góp. Các sự kiện VHNT do Hội tổ chức đều thực hiện theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Theo đó, ngoài nguồn ngân sách do huyện cấp (chỉ khoảng 30 triệu đồng/năm), Hội vận động nguồn tài trợ từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nguồn đóng góp của các cá nhân…, có năm lên đến 50 triệu đồng. Với hoạt động VHNT ở một huyện nghèo miền núi, đây là khoản huy động không hề nhỏ.
Hoạt động Hội luôn được làm mới bằng việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề từ cấp huyện đến cơ sở như: “VHNT Định Hóa chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Đưa VHNT về cơ sở”, “Xã hội hóa công tác Hội để hoạt động VHNT”… Hội VHNT huyện Định Hóa còn xây dựng được một đội văn nghệ dân gian khá mạnh, tham gia biểu diễn tại các lễ hội của huyện và phục vụ du khách thập phương về nguồn thăm ATK Định Hóa. Tháng 7-2022, đội được chọn cử tham gia Triển lãm Không gian di sản văn hóa Việt Nam 2022 tại phố cổ Hội An, Quảng Nam.
Từ những nỗ lực bền bỉ trong đổi mới cách nghĩ, cách làm cho phù hợp với thực tế địa phương, hoạt động của Hội VHNT huyện Định Hóa luôn được cấp ủy và chính quyền cùng cộng đồng VHNT Thái Nguyên đánh giá cao, được Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên tự hào giới thiệu với cả nước như một mô hình hiệu quả trong đổi mới hoạt động hội.