back to top
26 C
Hanoi
Tuesday, 10 September, 2024
Trang chủTin Văn hóaĐiểm tin văn hóaChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chủ động rà soát, đề...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chủ động rà soát, đề xuất xây dựng luật nhằm hoàn thiện thể chế cho phát triển Văn hóa Việt Nam giai đoạn mới

Sáng 31/3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa và công tác phối hợp chuẩn bị tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội Trần Sĩ Thanh.

Cùng dự buổi làm việc có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Nhóm Nghị sĩ trẻ Quốc hội khóa XV; đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, các Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, buổi làm việc nhằm rà soát tình hình thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo lĩnh vực phụ trách; việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, cùng các kết nghị quyết, kết luận của Trung ương.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, tại Hội thảo Văn hóa 2022 do Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức vừa qua đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, đặc biệt là đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa. Trong đó, kiến nghị bổ sung một số nhiệm vụ lập pháp trong các lĩnh vực liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân nhưng lại mới được điều chỉnh ở pháp lệnh, nghị định đòi hỏi cần sớm có luật điều chỉnh như văn học, nghệ thuật biểu diễn. Mặt khác, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về một số dự án luật có liên quan đến chức năng nhiệm vụ hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp rà soát như Luật Xuất nhập cảnh…

Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong 137 nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cần rà soát trong lĩnh vực Bộ phụ trách để có xem xét nội dung nào cần được đẩy nhanh, đẩy lên sớm hơn, nội dung nào chưa có để kịp thời có đề xuất. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tinh thần của Quốc hội và Chính phủ là việc gì cần thiết là phải làm nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Cũng tại Hội thảo Văn hóa, các ý kiến cũng đề xuất bổ sung chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trên cơ sở phát triển chương trình mục tiêu về văn hóa trước đây. Nếu chương trình được thông qua sẽ là Chương trình mục tiêu quốc gia thứ 4 của cả nước khi đó sẽ có nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện. Cho biết, nhu cầu đầu tư hiện nay là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội gợi mở Bộ cần có rà soát để có kiến nghị chính sách đầu tư phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc.

Về việc chuẩn bị cho Hội nghị Nghĩ sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội cho biết chủ đề của hội nghị lần này là “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” tập trung vào vai trò, đóng góp của giới trẻ, trong đó có các nghị sỹ trẻ nhằm giải quyết những thách thức phát triển thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và con người để thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030. Nội dung này cũng phù hợp với mục tiêu của IPU và ưu tiên của Việt Nam nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trên cơ sở chủ đề chung, các phiên thảo luận chuyên đề tại Hội nghị sẽ tập trung vào 03 nội dung: Chuyển đổi số; Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội cho biết các nội dung này đều liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ và đề nghị các cơ quan cùng thảo luận về các nội dung của Hội nghị, xây dựng các văn kiện. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tìm được sự liên kết và thể hiện rõ kết nối giữa chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo với giá trị văn hóa và con người và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh những nét đặc sắc của giá trị văn hóa con người Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục thảo luận về định hướng nội dung và cách thức phối hợp tổ chức thực hiện. Tham vọng của cả IPU và Quốc hội Việt Nam là có được Tuyên bố Hà Nội tại sự kiện lần này. Do đó công tác chuẩn bị nội dung là rất quan trọng. Bên cạnh đó, trong các ngày diễn ra sự kiện bên cạnh sự kiện chính còn có các hoạt động bên lề, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử lãnh đạo Bộ tham gia Ban Tổ chức và các Tiểu ban, phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong tổ chức các hoạt động, sự kiện bên lề như chương trình văn hóa nghệ thuật chào mừng.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Cũng tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị có báo cáo và bảo đảm chuẩn bị kỹ lưỡng cho các hoạt động trong tuần văn hóa Việt Nam tại một số nước Mỹ Latin như liên hoan nghệ thuật, triển lãm ảnh, trình chiếu phim…nhân dịp năm kỉ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước. Những hoạt động này đều có liên quan tới các lĩnh vực do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phụ trách. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo cho chuyến thăm; góp phần xây dựng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước, thúc đẩy quảng bá những đặc trưng văn hóa, nghệ thuật dân tộc tới bạn bè quốc tế, hình ảnh thiên nhiên, đất nước, con người và du lịch Việt Nam tới các hội đoàn thân hữu yêu mến Việt Nam, phát huy tình hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Chủ động đề xuất bổ sung nhiệm vụ lập pháp đáp ứng yêu cầu hoàn thiện, đồng bộ thể chế cho phát triển văn hoá

Báo cáo về công tác thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, nghiên cứu bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện, đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận thức sâu sắc nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về văn hoá, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021 và phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bế mạc Hội thảo Văn hoá năm 2022. Trong đó, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm cả hệ thống chính trị cần thực hiện trong thời gian tới, đồng thời chỉ ra 4 giải pháp để thực hiện.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đang tích cực triển khai nghiên cứu, thể chế hoá 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng đã được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại Hội thảo Văn hoá 2022 để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2022-2030. Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hoá, thể thao và du lịch giai đoạn 2021 – 2026 với 5 dự án luật, 9 dự thảo nghị định; ban hành Kế hoạch hành động tiếp tục thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030, xác định 3 nhóm nhiệm vụ với danh mục đề án, chương trình, dự án cụ thể.

Triển khai các nhiệm vụ xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tập trung xây dựng 2 đề án trọng tâm về “Xây dựng Bộ Chỉ số văn hoá quốc gia vì sự phát triển bền vững” và “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” nhằm xây dựng một khung khổ định hướng cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Làm rõ về hoàn thiện thể chế chính sách, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, thực hiện kết luận của Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, Bộ đã cùng với các cơ quan của Quốc hội như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban Pháp luật để phối hợp rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý ngành. Đánh giá chung, hệ thống pháp luật về văn hoá hiện đã bao quát, toàn diện các lĩnh vực thuộc ngành quản lý, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, chính trị, văn hoá và hệ thống pháp luật nói chung như Luật Du lịch, Luật Thể dục, Thể thao, Luật Quảng cáo, Luật Thư viện, Luật di sản văn hóa. Tuy nhiên, ở một số nội dung như quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội, nghệ thuật biểu diễn…mới ở quy định, nghị định, đặc biệt trong lĩnh vực văn học chưa có văn bản quy định.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy báo cáo làm rõ một số vấn đề trong công tác xây dựng pháp luật của Bộ.

Hiện nay Bộ đang chủ động rà soát, tổng kết để sửa đổi Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo bám sát theo đúng tiến độ, kế hoạch theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15. Đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mĩ thuật nhiếp ảnh, triển lãm, Bộ cũng đang theo dõi để có tổng kết thực tiễn thi hành để có đề xuất phù hợp, bảo đảm thận trọng kỹ lưỡng. Đối với lĩnh vực văn học, Bộ đang quyết liệt để triển khai xây dựng nghị định quản lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nêu rõ. Đồng thời nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội bảo đảm thực hiện nhiệm vụ lập pháp, kịp thời có những đề xuất kiến nghị tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực văn hóa.

Ghi nhận nhiều kết quả tích cực của ngành văn hóa thể thao và du lịch sau đại dịch

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng thời gian qua dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả, thành tích nổi bật, quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, về kết quả trong các lĩnh vực công tác, Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch đã chủ động, tích cực chỉ đạo, tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, đề án quan trọng trong phát triển văn hóa; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành văn hóa; rà soát, đánh giá, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, bố trí nhân lực và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới với việc nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành; công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm; việc kiểm kê, xếp hạng, ghi danh các di sản, di tích, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể  và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục đạt nhiều kết quả; các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức sôi nổi, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp nhưng ngành đã tìm nhiều cách để tạo được không khí tích cực với nhiều sự kiện biển diễn trực tuyến; chưa bao giờ hoạt động lễ hội phong phú và ít vi phạm như năm nay.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung lực lượng tổ chức thành công và tham dự nhiều giải thể thao lớn trong nước cũng như khu vực và trên thế giới (Đại hội thể dục thể thao các cấp, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, đặc biệt là SEA Games 31 để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam; Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội đạt thành tích xuất sắc, ghi dấu ấn lịch sử). Thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng; toàn Ngành tiếp tục triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới” trong tất cả các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, nông dân, lực lượng vũ trang, người khuyết tật…

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để từ đó có được nhiều đề xuất chính sách giải pháp trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Trên cơ sở kết quả Hội thảo Du lịch 2021, ngành đã tham mưu ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động du lịch; kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, cho phép các hoạt động du lịch hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới từ 15/3/2022. Qua đó, du lịch Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá cả về tổng lượng khách và tổng doanh thu từ du lịch.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Đối với công tác xây dựng thể chế, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Bộ có nhiều nỗ lực, đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, nhất là chuyển tư duy từ “làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa”, chú trọng công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Kế hoạch 81/KH-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nổi bật là: đã trình Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với nhiều điểm mới, thay đổi quan trọng, bảo đảm chất lượng; phối hợp tham mưu, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Công tác tham mưu, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật được quan tâm, cơ bản đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.

Bộ đã chủ động rà soát, xây dựng mới và tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026 với các Ban, Bộ, ngành Trung ương, qua đó, giúp ngành văn hóa thể thao và du lịch có thêm những nguồn lực quan trọng trong công tác phát triển

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hoạt động của Bộ đã có nhiều khởi sắc nhưng so với yêu cầu đề ra đòi hỏi của sự phát triển, Bộ cần tiếp tục nỗ lực cố gắng hơn nữa. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phụ trách rất lớn, với 38 nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ. Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những vấn đề còn hạn chế, bất cập, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Bộ phải nhận thức sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vị trí, vai trò và tâm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về văn hóa, trước hết là để mỗi cán bộ ngành văn hóa phải hiểu và thấm nhuần sâu sắc nhất; từ đó tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các chủ trương và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đó là: “phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc“; đồng thời, Nghị quyết xác định các đột phá chiến lược: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển”, “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc“.

Định hướng, quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt nêu trên tiếp tục được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quán triệt và nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam… kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.”

Với định hướng lớn, những nội dung kết luận chỉ đạo này cần tiếp tục nghiên cứu thấm nhuần trong toàn ngành, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Bộ cần tiếp tục và thường xuyên rà soát, tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo tinh thần kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021; Kết luận 19-KL/TW và Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; kết luận của lãnh đạo Quốc hội tại Hội thảo Văn hóa 2022 về 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện ngay nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa; tạo bước đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành văn hóa thể thao và du lịch.

Trong đó, chủ động đề xuất những vấn đề mới, như chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 “sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người”, bảo đảm phù hợp với “tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật”, “phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa”. Trong quá trình này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong quá trình này Bộ cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để có rà soát, đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu đề xuất sửa đổi hoặc thay thế các luật hiện hành có phát sinh khó khăn, vướng mắc do ban hành quá lâu và nay không còn đáp ứng yêu cầu; từ đó sớm trình đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội như các Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Báo chí…Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất xây dựng những luật mới, hoàn toàn mới để đưa vào chương trình cho khóa này hoặc định hướng khóa sau.

Cần tiếp tục nghiên cứu, căn cứ lý luận, thực tiễn và đề xuất ban hành các luật, quy định chuyên ngành (như Luật Mỹ thuật; Luật Nhiếp ảnh; Luật Tài trợ, hiến tặng, Luật về tự do sáng tạo trong khoa học và văn hóa, văn học, nghệ thuật; Luật Bản quyền tác giả, tách nội dung từ Luật sở hữu trí tuệ…).

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tập trung hoàn thiện và kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn dưới Luật; mạnh dạn đề xuất những nội dung cần thiết nhất là những nội dung gắn liền với quyền của công dân để ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi những luật có liên quan như Luật Đầu tư, Đấu thầu, các luật về thuế, Luật Đất đai – đào sâu những nội dung đất đai cho thiết chế văn hóa; tháo gỡ vướng mắc về visa tạo điều kiện kích cầu du lịch quảng bá văn hóa.

Nghiên cứu xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa khả thi, hiệu quả

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Trong đó, Chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể về việc đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh; phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 100 năm ngày thành lập nước.

Tập trung phối hợp với các Ban, Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội những vấn đề cấp bách, đặc thù cần có cơ chế, giải pháp riêng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần về văn hóa, thể thao và du lịch thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Cố gắng trong nỗ lực có được Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa để tập trung nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045. Để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi của chương trình, Chủ tịch Quốc hội lưu  cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình; nghiên cứu các nhóm chính sách đã được tổng kết tại Hội thảo Văn hóa 2022 làm cơ sở lý luận, thực tiễn để xây dựng khung chính sách cho Chương trình…

Quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam qua Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Liên quan đến Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Hội nghị cũng là dịp tốt để quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ phối hợp tham mưu, đóng góp cho các nội dung của Hội nghị, đặc biệt là về chủ đề Giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững. Đây là một trong những nội dung chính của Hội nghị, được các nghị viện và Ban thư ký IPU hết sức quan tâm.

Các đại biểu tại buổi làm việc.

Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp trong công tác tổ chức, cử đại diện Lãnh đạo Bộ tham gia Ban Tổ chức, tham gia Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Thông tin và Tuyên truyền của Hội nghị; cử cán bộ tham gia Tổ giúp việc của các Tiểu ban liên quan. Phối hợp chuẩn bị nội dung tham gia của Đoàn Việt Nam tại Phiên thảo luận chuyên đề về Giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững. Phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, đối thoại thanh niên về về những vấn đề có liên quan đến Chủ đề chính và các chuyên đề của Hội nghị; tổ chức các hoạt động thăm quan, quảng bá về văn hóa, du lịch của Việt Nam.

Phối hợp tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ Hội nghị; phối hợp tổ chức triển lãm, các hoạt động giao lưu xúc tiến, trải nghiệm văn hóa cho các đại biểu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan trong công tác thông tin, truyền thông trước, trong và sau Hội nghị.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao quà lưu niệm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tại buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu.
hủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà phát biểu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sĩ Thanh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thị Phương phát biểu ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tại buổi làm việc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm.
Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu bên lề buổi làm việc.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà.
BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM