back to top
26 C
Hanoi
Thursday, 12 September, 2024
Trang chủSự kiện & Hoạt độngHoạt động các HộiĐể văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số khởi sắc

Để văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số khởi sắc

Trong mấy chục năm qua, hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số đã đạt được một số kết quả nổi bật. Hầu hết di sản văn học các dân tộc Mường, Thái, Tày, Nùng, Dao, Ê Đê, Gia Rai, Mơ Nông, Ba Na, Chăm… ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ đã được sưu tầm, dịch, xuất bản. Nhiều điệu múa, làn điệu dân ca, nhạc cụ của dân tộc đã được sưu tầm, chỉnh lý, phát huy tác dụng trong đời sống văn hóa.

Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đang trực tiếp vận động, tổ chức các dân tộc cả nước có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống – những bài hát giao duyên, điệu múa dân gian, lễ hội quần chúng… được đồng bào tự tổ chức biểu diễn, bảo tồn để khi có điều kiện thì giới thiệu với đồng bào và khách du lịch. Qua cuộc vận động này, có thể khẳng định, việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, chủ yếu phải do đồng bào các dân tộc thiểu số gìn giữ, phát huy nhưng cần có sự giúp đỡ của các tổ chức văn hóa ở các cấp cũng như cần có kế hoạch, địa chỉ, có phân công rõ ràng, rành mạch.

Khi văn nghệ dân tộc thiểu số phát triển và định danh là một bộ phận trong đời sống văn nghệ chung của cả nước thì không có nghĩa là khu biệt nó, trái lại, muốn làm đậm nét hơn một đặc tính của văn học, nghệ thuật nói chung. Xưa cũng như nay, Đông cũng như Tây, sự đặc sắc của hoạt động sáng tạo luôn mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân nghệ sĩ mà cá nhân đó bao giờ và ở đâu cũng đều phải được bắt rễ từ một cộng đồng cụ thể, một nền văn hóa cụ thể.

Theo nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, đề tài cũng là một câu chuyện rất xưa. Đề tài chẳng thể làm nên “da thịt” của văn chương nghệ thuật. Sức sống của văn chương là ở tiếng nói và chữ viết. Chỉ có tiếng nói và chữ viết, đối với đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số, khi viết về chính những gì mình đã và đang sống ở quê hương, cùng với dân tộc mình, đã là đề tài dân tộc, miền núi. Một bức tranh nhiều màu sắc trong sáng tạo văn học nghệ thuật từ Tây Bắc, Việt Bắc cho đến Nam Trung Bộ, được tác giả khắc họa bằng chính những trải nghiệm của bản thân, bằng sự tin yêu và gửi gắm cuộc sống, con người đồng bào các dân tộc.

Cũng theo người đứng đầu Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong mấy chục năm qua, hầu hết các nhà thơ, nhà văn dân tộc thiểu số ngoài sáng tác bằng tiếng phổ thông đều đã có những trang viết bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Thời kỳ nở rộ là những năm 60 của thế kỷ XX. Một loạt các tác phẩm từ thơ cho đến tiểu thuyết đã được ra đời. Trong tình hình hiện nay, vấn đề sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số dường như bị chững lại. Đây là vấn đề không mới nhưng cần phải nhắc lại như một thôi thúc từ trong tâm khảm của những người hoạt động văn học nghệ thuật là con em các dân tộc thiểu số.

“Trong những phần kiến nghị gần đây tại diễn đàn, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã kiến nghị vấn đề tiếng nói, chữ viết trong dạy và học của một số dân tộc, cùng với những vấn đề cấp thiết khác về văn hóa nói chung. Tiếng nói và chữ viết (đối với các dân tộc có chữ viết truyền thống) là một trong những biểu hiện sinh động của bản sắc văn hóa. Trong thực tế, tiếng nói và chữ viết không phải lúc nào cũng song hành phát triển ở mỗi dân tộc” – nhạc sĩ Nông Quốc Bình nhấn mạnh.

Để văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số có bước tiến mới, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của cộng đồng, nhạc sĩ Nông Quốc Bình kiến nghị, các cơ quan hữu quan phải vận động, tập hợp, đoàn kết tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số và văn nghệ sĩ dân tộc Kinh nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc thiểu số và sáng tạo công trình, tác phẩm mới về văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số. Phối hợp với các hội chuyên ngành Trung ương trong Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các cơ quan hữu quan và đoàn thể quần chúng nhằm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật về cuộc sống và con người các dân tộc thiểu số Việt Nam trên cơ sở tôn trọng tiếng nói, chữ viết và phong cách riêng của từng dân tộc. Sưu tầm, dịch, bảo quản di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, đồng thời nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số cũng như tổ chức hoạt động, giao lưu văn học nghệ thuật giữa các dân tộc trong và ngoài nước, tiếp thu có chọn lọc thành tựu văn học nghệ thuật tiên tiến của các nước.

“Thẩm định giá trị, chất lượng các công trình nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch, sáng tác của hội viên và tác giả khác khi có yêu cầu; thẩm định, tư vấn các vấn đề văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số cho cơ quan Đảng và Nhà nước và các tổ chức khi có yêu cầu. Kiến nghị với Đảng, Nhà nước về chính sách văn hóa nghệ thuật đối với dân tộc thiểu số nói riêng và vùng miền núi nói chung. Tham gia phát triển bồi dưỡng tài năng trẻ và quan tâm giúp đỡ văn nghệ sĩ lão thành người dân tộc thiểu số. Giới thiệu, phổ biến tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số có giá trị thông qua các hình thức; xuất bản, phát hành, triển lãm, biểu diễn, tổ chức sự kiện phù hợp với điều kiện của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và pháp luật của Việt Nam” – nhạc sĩ Nông Quốc Bình khẳng định.

Có thể thấy, sau hơn 30 năm hình thành, hoạt động với những thành tựu, dấu mốc đáng ghi nhận, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã và đang đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng cũng như xây dựng nền văn hóa mới, con người mới. Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu, tôn chỉ của Hội vẫn tiếp tục bảo tồn những giá trị truyền thống; đồng thời xác định nhiệm vụ cấp thiết là tôn trọng và tạo điều kiện phát huy tối đa những giá trị tốt đẹp của mỗi dân tộc. Từ đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM