back to top
26 C
Hanoi
Tuesday, 10 September, 2024
Trang chủTin Văn hóaĐời sống văn nghệ sĩNhạc trưởng Đồng Quang Vinh: Người làm nhòa biên giới trong âm...

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh: Người làm nhòa biên giới trong âm nhạc

Lúc anh xuất hiện với vai trò là Nhạc trưởng cùng "cây đũa thần" chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, khi anh lại là một nghệ sĩ chơi đàn t'rưng, thổi sáo trúc... Đồng Quang Vinh là vậy, anh không bao giờ đóng khung mình trong một vai diễn nào. Anh làm tất cả những điều đó một cách tự nhiên, say mê. Trở về nước hơn 10 năm, với Đồng Quang Vinh đó là một chặng đường dài ý nghĩa khi anh đã chạm tay vào giấc mơ của mình, trở thành "sứ giả kết nối âm nhạc".

Với Đồng Quang Vinh, đó là hành trình mang âm nhạc dân tộc ra nước ngoài, để khẳng định với bạn bè thế giới rằng, nhạc dân tộc Việt Nam, giản dị từ cây sáo trúc, cây đàn t’rưng, từ tiếng trống có thể chơi được những bản nhạc cổ điển của thế giới. Đồng Quang Vinh tiết lộ: “Tôi không chọn nghề mà là nghề chọn, bố mẹ chọn. Bởi từ lúc được sinh ra, tôi đã suốt ngày được nghe nhạc. Lúc thì mẹ tập đàn, lúc thì học sinh của mẹ đến tập, lúc thì bố lại đánh đàn… Đi học rồi đi diễn cùng bố mẹ ở nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới, tôi thấy tự hào và đi theo nghề”.

Lựa chọn 2 dòng nhạc kén người nghe: nhạc dân tộc và nhạc thính phòng, người nhạc trưởng tài ba Đồng Quang Vinh đã có những nỗ lực không mệt mỏi để đưa những dòng nhạc này đến gần hơn với công chúng. Với anh, không có biên giới của nhạc dân tộc hay cổ điển, nhạc phương Đông hay phương Tây. Chỉ có một thứ duy nhất vang lên, âm nhạc với những vẻ đẹp thuần khiết của nó. Vì thế, Đồng Quang Vinh đã vượt qua được những giới hạn, khoảng an toàn của mình. Anh nói, thế kỷ XXI là thế kỷ của sự sáng tạo và những âm thanh mới, người nghệ sĩ không ngừng tìm kiếm những âm thanh mới để chinh phục khán giả. Và con đường tìm kiếm, pha trộn giữa nhạc dân tộc, giữa những cây đàn cổ truyền của Việt Nam như sáo trúc, đàn bầu, nhị, t’rưng với nhạc jazz, với violin, piano là con đường mà anh tìm kiếm. Dàn nhạc “Sức sống mới” nơi Vinh sáng lập, chỉ huy đã có một hành trình đủ dài để lan tỏa vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc, hơn thế, còn mang âm nhạc dân tộc ra thế giới.

Đồng Quang Vinh sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống của âm nhạc cổ điển. Mẹ anh là nghệ sĩ đàn tranh, đàn t’rưng của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Bố là nghệ nhân chế tác các nhạc cụ tre nứa như sáo trúc, đàn t’rưng. Vinh lớn lên giữa những giai điệu của quê hương, nó ngấm vào anh như hơi thở. Vì thế, khi bố mẹ định hướng cho anh học sáo trúc, anh sớm bộc lộ tài năng. Năm 9 tuổi, anh đã lên sân khấu biểu diễn. Nhưng cảm nhận sâu sắc nhất đó là chuyến sang Nhật biểu diễn năm anh 12 tuổi, đứng trên sân khấu ở một nơi không phải là Tổ quốc mình, Vinh dùng cây sáo trúc chơi những bản nhạc cổ điển của thế giới khiến cả khán phòng trầm trồ, thán phục. Họ không hiểu tại sao, cây sáo quyền năng, giản dị và bé nhỏ đến từ Việt Nam ấy lại có thể chơi được những bản nhạc kinh điển nhiều lớp lang đến thế. Còn Đồng Quang Vinh rất tự hào. Lần đầu tiên anh cảm nhận được giá trị của kho tàng nhạc cụ truyền thống Việt Nam và anh lờ mờ nhận ra con đường mình sẽ đi trong tương lai. Đến bây giờ, anh vẫn giữ cây sáo, nó luôn ở trong túi anh trong mỗi chuyến lưu diễn. Và tranh thủ mọi nơi, mọi lúc, anh sẽ mang cây sáo ra thổi cho mọi người thưởng thức, thậm chí có thể hòa nhịp cùng các nhạc cụ phương Tây. Cây sáo có tuổi đời hơn 25 năm, do chính thầy giáo dạy sáo đầu tiên của anh, nghệ sĩ Triệu Tiến Vượng tặng. Nó cũng là cây gậy chỉ huy trong những đêm nhạc khi anh vừa đảm nhiệm vai trò chỉ huy vừa thổi sáo ở những khúc đệm.

Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia với tấm bằng xuất sắc, Đồng Quang Vinh nhận được học bổng của chính phủ sang Thượng Hải học ngành chỉ huy. Với anh đó là một cơ hội tuyệt vời để có thể mở rộng con đường của mình. Anh học được sự pha trộn giữa phương Đông và phương Tây trong âm nhạc. Đồng Quang Vinh quan niệm, chúng ta bảo vệ bản sắc không có nghĩa là khư khư ôm lấy cái bản sắc của mình mà phải hướng ra quốc tế trong sự giao thoa. Vì thế, Đồng Quang Vinh có thể chơi sáo trúc đậm màu sắc thôn quê nhưng cũng có thể biến tấu từ chính chiếc sáo trúc đó thành sáo Tây với những giai điệu phương Tây. “Phải nghiên cứu kỹ để không chơi nhạc Việt như Tây và chơi nhạc Tây như nhạc Việt. Chúng ta phải đi đến tận cùng để khám phá ra những vẻ đẹp khác nhau của âm nhạc. Và tiếng sáo hay tiếng đàn cất lên sẽ tự nhiên như hơi thở vậy. Lúc đó, mọi biên giới trong âm nhạc sẽ được xóa nhòa”. Anh tâm sự.

Dàn nhạc tre nứa Sức sống mới chính là nguồn cảm hứng bất tận mà nghệ sĩ Đồng Quang Vinh tạo dựng mang luồng gió mới thú vị từ những đạo cụ tre và nứa. Ảnh: báo Ảnh Việt Nam.

Đồng Quang Vinh có nhiều cơ hội ở lại và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp ở nước ngoài, nhưng anh quyết định về Việt Nam. Hành trình hơn 10 năm của Đồng Quang Vinh là hành trình của nhiệt huyết, đam mê và cống hiến. Anh làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí có những ngày chỉ ngủ 4 tiếng. Tóc anh rụng dần vì những đêm không ngủ và khối lượng công việc quá tải. Ngoài nhiệm vụ chính của anh là chỉ huy của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Đồng Quang Vinh còn là người sáng lập và Giám đốc của Dàn nhạc “Sức sống mới”, Dàn hợp xướng quốc tế “Hà Nội Voice”. Anh cũng tham gia nhiều dự án với lịch diễn dày đặc. Anh luôn “tận dụng” mọi cơ hội để quảng bá âm nhạc dân tộc đến đông đảo công chúng. Tại sao không khi thanh âm của các nhạc cụ Việt Nam rất phong phú. Những nhạc cụ đơn sơ được làm từ tre nứa, tưởng như chỉ hợp với không gian mộc mạc làng quê, được mang lên sân khấu cổ điển sang trọng, chơi cùng dàn nhạc giao hưởng. Những ống tre trúc sáo bé nhỏ, đơn sơ nhưng lại có thể chơi được những âm thanh mang đậm chất cổ điển châu Âu. Nó mang lại những sắc màu mới cho âm nhạc tre nứa Việt Nam.

Những ngày này, Đồng Quang Vinh càng bận rộn với những dự án cuối năm. Vinh kể cho tôi về những đêm dài thức trắng để viết lại tổng phổ chuyển soạn từ nhạc cổ điển sang nhạc dân tộc và những sáng tác mới của anh cho dàn nhạc tre nứa. Anh gần như kiêm nhiệm từ A đến Z trong hành trình của một tác phẩm chuyển soạn cho dàn nhạc dân tộc. Vì thế, Vinh luôn quá tải vì công việc. Nhưng không lúc nào thấy anh mỏi mệt hay dừng bước. Niềm đam mê dấn thân đã tiếp cho anh năng lượng. Anh nói, anh nhận được một gia tài lớn từ bố mẹ, đó là những nhạc cụ tre nứa và tình yêu âm nhạc. Anh cũng đang tiếp nối và nhân rộng tình yêu đó trong gia đình nhỏ của mình. Nhưng lớn lao hơn, anh đang lan tỏa vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc ra gia đình lớn, đó là cộng đồng khán giả Việt Nam và thế giới. Năm 2022 khép lại với nhiều hoạt động ý nghĩa. Dàn nhạc tre nứa “Sức sống mới” đã có những hợp tác với nhiều dàn nhạc giao hưởng trong và ngoài nước.

Khán giả yêu quý gọi Đồng Quang Vinh là “sứ giả kết nối âm nhạc”. Anh hạnh phúc vì điều đó, bởi với anh, sứ giả chính là người truyền thông tin, đưa thông điệp đến mọi người. “Tôi hạnh phúc vì đã kết nối âm nhạc với đông đảo khán giả. Tôi sẽ làm việc đó đến khi nào không thể nữa. Hạnh phúc của người nghệ sĩ là được cống hiến và đến một ngày nào đó, khi đã già, được chết trên sân khấu cũng là một niềm tự hào. Đó là tinh thần chiến đấu, làm việc cho đến hơi thở cuối cùng của người nghệ sĩ”.

Điều hạnh phúc của Vinh là anh có một người bạn đời đồng cảm và yêu âm nhạc. Chị là nghệ sĩ piano Claire Shuangshuang Mo,vì mê tiếng đàn t’rưng mà theo anh về Việt Nam, học và chơi các nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Hai năm gần đây, khi các con đã lớn, chị còn tham gia biểu diễn, chơi đàn t’rưng cùng anh trong những chương trình biểu diễn của Dàn nhạc “Sức sống mới”. Dù bận rộn nhưng Đồng Quang Vinh luôn dành những khoảng thời gian quý giá bên gia đình và những chuyến đi. Những chuyến lưu diễn của anh, hành trang mang theo không chỉ là những nhạc cụ tre nứa mà cả gia đình, vợ con. Và lúc nào cũng thấy Vinh cười, nụ cười của một nghệ sĩ đã tận hiến mình cho âm nhạc, với xác tín, được chết trên sân khấu là một niềm hạnh phúc.

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM