back to top
25 C
Hanoi
Thursday, 12 September, 2024
Trang chủVăn học Nghệ thuậtTác giảKỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận: Mạch nguồn...

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận: Mạch nguồn sáng tạo từ văn hóa dân tộc

Đỗ Nhuận (1922 - 1991) là một nhạc sĩ Việt Nam. Ông là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa I và II từ năm 1958 đến 1983, một trong những nhạc sĩ tiên phong của âm nhạc cách mạng. Ông quê ở thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học, huyện Cẩm Bình, Hải Dương.

Năm 1939, Đỗ Nhuận sáng tác ca khúc đầu tay vào tuổi 17, bản Trưng Vương, nhân ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng ở tỉnh Hải Dương. Tiếp theo, từ cảm hứng lịch sử, ông soạn nhiều ca khúc như: Chim than, Lời cha già, Đường lên ải Bắc… là cơ sở soạn nên vở ca cảnh Nguyễn Trãi – Phi Khanh gồm 3 ca khúc “Chim than”, “Lời cha già”, “Đường lên ải Bắc” được ông viết trong hai năm 1940, 1941.

Sau năm 1954, nhạc sĩ Đỗ Nhuận tiếp tục sáng tác và có mặt trong lĩnh vực khí nhạc Việt Nam qua các tác phẩm: khúc biến tấu trên chủ đề dân ca cho flute và piano Mùa xuân trên rừng (1963), tứ tấu đàn dây Tây Nguyên (1964), ba biến tấu cho violon và piano (1964), tổ khúc giao hưởng Điện Biện (1965), giao hưởng thơ Đimit’rov (1981)… Ngoài ra, còn phải kể đến kịch múa rối Giấc mơ bé Rồng (1968), kịch múa Mở biển (1973) và nhạc nền trong các phim tài liệu và phim truyện: Chiến thắng Điện Biên (1954), Nguyễn Văn Trỗi (1965), Mở đường Trường Sơn (1972), Lăng Bác Hồ (1975).

Đỗ Nhuận cũng là nhạc sĩ duy nhất trong thế hệ đầu của tân nhạc được đào tạo bài bản, ông đi học tại đại học tại Nhạc viện Tchaikovsky từ năm 1960 đến 1962. Ông là một trong những người đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch theo truyền thống của opera phương Tây. Những thể nghiệm đầu tiên của ông xuất hiện từ những năm 1950 là các ca kịch ngắn: Cả nhà thi đua, Sóng cả không ngã tay chèo, Anh Păn về bản… Năm 1965, ông viết vở viết vở opera đầu tiên của Việt Nam: “Cô Sao”. Sau đó, năm 1971, ông cho ra mắt tiếp vở nhạc kịch “Người tạc tượng”. Gia đoạn 1970 – 1980, Đỗ Nhuận viết các vở nhạc kịch: Chú Tễu, Ai đẹp hơn ai, Trước giờ cưới, Quả dưa đỏ…. Ông còn là tác giả của tác phẩm khí nhạc Vũ khúc Tây Nguyên cho violon và dàn nhạc… Nhưng tên tuổi nhạc sĩ Đỗ Nhuận vẫn gắn bó với những ca khúc như: Việt Nam quê hương tôi, Tôi thích thể thao (một bài hát vui, bắt đầu bằng toàn chữ T), Em là thợ quét vôi, Đường bốn mùa xuân….

Tháng 12 năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận (10/12/1922 – 10/12/2022), Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động nhằm khắc họa chân dung và tài năng của “người khổng lồ của nền âm nhạc Việt Nam” (chữ của đạo diễn Lê Thụy). Cụ thể, lễ khánh thành Nhà lưu niệm nhạc sĩ Đỗ Nhuận tại quê hương ông, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương (ngày 10/12); Hội thảo khoa học “Đỗ Nhuận – Âm thanh cuộc đời” gắn với chặng đường 65 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (ngày 25/12). Đặc biệt, điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm là chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đỗ Nhuận – Âm thanh cuộc đời” tôn vinh những đóng góp to lớn trong bước đường hình thành, xây dựng, phát triển Hội Nhạc sĩ Việt Nam và những thành tựu sáng tạo âm nhạc xuất sắc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận – cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.

Chương trình nghệ thuật “Đỗ Nhuận – Âm thanh cuộc đời” diễn ra lúc 20 giờ ngày 25/12 tại Nhà hát Truyền hình Quốc Phòng và được truyền trực tiếp trên sóng Quốc phòng Việt Nam, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội; truyền thanh trực tiếp trên kênh VOV3 kênh âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam và kênh HTV9 – Đài Truyền hình TPHCM tiếp sóng.

Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem Nhạc sĩ Đỗ Nhuận gồm một mẫu, giá mặt 4.000 đồng. Lễ phát hành bộ tem được tổ chức vào ngày 25/12 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Chân dung nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ảnh: thethaovanhoa.vn

Cha tôi sáng tác trong mọi hoàn cảnh

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam là con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Nhắc tới người cha tài hoa, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân xúc động nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ. Ông kể: Cha tôi sáng tác trong nhiều hoàn cảnh, nhiều nhất là trên đường đi thực tế. Ngay trong gia đình, tôi vẫn nhớ ông thường sáng tác vào buổi đêm, khi mọi người đã đi ngủ. Ông thường nhẩm trên đàn và hôm sau ra được bài hát. Vào những năm 1966,1967, khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, bà nội và anh em chúng tôi được bố mẹ gửi về sơ tán về quê nội ở Bình Giang, Hải Dương. Trong một lần về thăm quê, ra sông tắm, ông đã sáng tác bài hát với những ca từ giản dị “Hạt thóc là hạt thóc vàng”, khi ngắm nhìn khung cảnh cánh đồng lúa chín và cảm xúc đến với ông trong thoáng chốc. Tôi vẫn nhớ lúc ấy cha tôi thường ngâm nga những câu: “Quê ta cánh đồng bát ngát/ Lúa ta khắp đầy thôn trang/ Hạt thóc là hạt thóc vàng/ Nuôi chiến sĩ, thóc lên đường ra chiến đấu”… Đó là một bài hát cha tôi tốc ký. Hay như khi đi vào khu IV ông đã viết “Thanh niên vui mở đường” rất hay và đượm tính dân tộc, cũng là một bài hát được viết trên đường đi thực tế.

Với ca khúc “Việt Nam quê hương tôi”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: Bài hát ra đời vào khoảng năm 1960. Cha tôi kể lại, khi ấy ông được cử đi học ở Nhạc viện Tchaicovsky tại Nga. Sau 1 năm ông về nước thăm gia đình. Hồi ấy là đi tàu hỏa chứ không phải máy bay như bây giờ. Khi đi qua sông Hồng, trong đầu ông chợt nảy ra câu: “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi/ Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời”. Đó là một câu hát đầy ngẫu hứng, là niềm tự hào về đất nước. Nếu không có chuyến học tập tại Nga, hay những chuyến đi tới Mông Cổ, Trung Quốc thì sẽ khó có câu hát gần như một “slogan” cho du lịch (cười): “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi/ Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời”.

Nhắc đến nhạc sĩ Đỗ Nhuận chúng ta còn phải kể tới loại hình nhạc kịch, vì ông là người đặt nền móng cho nhạc kịch- Opera nước nhà và cho đến nay cũng chưa có nhiều tác phẩm được sáng tác bài bản như: “Cô Sao” và “Người tạc tượng”.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc kịch – Opera là thể loại của Châu Âu, phát triển mạnh mẽ từ thế kỉ 18, 19 với những tên tuổi như: Verdi, G.Donizetti, V.Bellini, M.Glinka, P.I.Tchaikovski… Khi đưa vào Việt Nam, sự mới mẻ chính là việc cha tôi kết hợp giữa kịch bản kịch nói để chuyển thành ca từ cho nhân vật hát.

Với các loại hình ca kịch truyền thống như chèo, tuồng, cải lương… thì các nhân vật hát theo làn điệu chứ không phải sáng tác nhạc mới cho từng nhân vật.

Bên cạnh đó, trước đây chúng ta đệm cho hát thường đệm Guitar, Madoline hay thêm nữa là tốp nhạc thì các tác phẩm opera của cha tôi đòi hỏi cần có một dàn nhạc giao hưởng để đệm cho nhân vật hát trên sân khấu. Việc mở rộng các phương tiện biểu hiện từ đơn ca, song ca, tốp ca đến hợp xướng cùng với sự song hành (đệm) của dàn nhạc giao hưởng, hình thành nhạc kịch Việt Nam. Thành công của ông là đã sáng tạo Opera dựa trên những câu chuyện của người Việt Nam, giai điệu Việt Nam nhưng bằng hình thức của âm nhạc phương Tây.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trò chuyện với phóng viên.

Tự hào được tiếp nối con đường của cha

Với chương trình nghệ thuật “Đỗ Nhuận – Âm thanh cuộc đời” sắp tới, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: Sự nghiệp âm nhạc của cha tôi được đánh giá là rất đồ sộ, từ những ca khúc sáng tác khi ông còn rất trẻ cho đến những vở nhạc kịch, những tác phẩm giao hưởng viết cho dàn nhạc, nhạc cho kịch, nhạc cho phim, hợp xướng… để gom lại trong một chương trình thực sự rất khó. Dù vậy, ít ai biết những bài hát đã quen thuộc với công chúng như: “Du kích sông Thao”, “Hành quân xa”, “Việt Nam quê hương tôi”… hoàn cảnh ra đời như thế nào. Lần này Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhà báo Trần Đăng Tuấn (viết kịch bản) cùng đạo diễn, NSƯT Lê Thụy đã quyết định xây dựng chương trình dưới dạng thức chưa bao giờ có, đó là sân khấu được âm nhạc hóa. Ở đó, sẽ có nhiều điều bất ngờ, thú vị. Như thời gian cha tôi tham gia hoạt động cách mạng, ông từng bị bắt giam. Thời gian trong tù ông viết nhiều bài hát cách mạng, ông gửi những bài hát ấy gửi cho ai? Hoặc là tại sao chỉ trong một đêm thôi, ông đã cho ra đời bài “Chiến thắng Điện Biên”?…

Chúng tôi muốn nhấn mạnh chính nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã tìm ra con đường lý giải, đưa âm nhạc dân tộc trở thành một trong những loại hình âm nhạc thế giới, đi từ dân tộc ra thế giới, lấy những tinh túy nhất của dân tộc trở thành những đặc thù mà thế giới phải công nhận. Đó cũng là điều mà suốt cuộc đời cha tôi luôn trăn trở. Chính con đường đi từ dân tộc, lấy âm nhạc dân tộc, lấy chất liệu dân ca, lấy văn hóa dân tộc làm mạch nguồn sáng tạo. Đó cũng chính là thành công trong sự nghiệp của ông.

Với tư cách là một người con trong gia đình, tôi rất tự hào được tiếp nối theo con đường của cha mình, làm công việc giảng dạy, sáng tác âm nhạc, nghiên cứu, phổ biến, quảng bá, dàn dựng âm nhạc. Đó là điều mà thế hệ chúng tôi rất tự hào, đặc biệt là khi chúng tôi được học hành bài bản, được sống và làm việc trong môi trường rất chuyên nghiệp.

Điều đó cũng có nghĩa rằng  chúng tôi càng phải trách nhiệm trong việc bảo tồn, phổ biến những giá trị đích thực của các thế hệ nhạc sĩ, văn nghệ sĩ của thời kì trước. Tôi lấy đó là một phương châm sống của mình: Sống vì âm nhạc, vì nghệ thuật, phục vụ nhân dân và giữ gìn những chân giá trị và phát huy kho báu, nghệ thuật âm nhạc của lớp cha anh đi trước.

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM