Kho tàng văn hóa ở vùng đất Tây Nguyên với các trường ca, sử thi đồ sộ, kỳ vĩ đã khẳng định sức sống bền vững cùng với thời gian. Và đó cũng là tiền đề để văn học nghệ thuật ở vùng đất này có những thành tựu đáng khích lệ.
Nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã để lại dấu ấn sâu sắc trên diễn đàn văn học nghệ thuật, đặc biệt là những tác giả là người dân tộc thiểu số như các nhà văn: Y Điêng, Linh Nga Nie Kdăm, Thu Loan, Niê Thanh Mai…; các nhạc sĩ như: Kpă Púi, Ama Nô, Kpă Y Lăng, Y Phôn Ksor…; các họa sĩ như: Y Nhi Ksor, Mlô Hiu, Trương Văn Linh…; các nhà nghiên cứu văn hóa như: Buôn Krông Tuyết Nhung, Nguyễn Quang Tuệ…; các ca sĩ như: Y Moan, Rơ Chăm Pheng…
Nhiều tác phẩm nghệ thuật của các văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mang đậm dấu ấn các dân tộc thiểu số đã tạo nên dòng chảy mạnh mẽ trong văn học nghệ thuật. Các đoàn ca múa nhạc dân tộc khu vực Tây Nguyên đã cho ra đời những tác phẩm âm nhạc, bản hòa tấu đàn đá, biểu diễn nhạc cụ, chiêng đồng và chiêng tre, được các ca sĩ, nghệ nhân biểu diễn trên các sân khấu ở trong và ngoài nước, đạt được nhiều huy chương ở các sân khấu chuyên và không chuyên.
Một số vở nhạc kịch về sức sống mãnh liệt của các dân tộc Tây Nguyên được dàn dựng thành phim truyện điện ảnh, phim tài liệu có giá trị về lịch sử cũng như nghệ thuật. Đặc biệt là việc đưa các tác phẩm văn học nghệ thuật của dân tộc này đến giới thiệu ở vùng sinh sống của dân tộc khác để tăng sự giao thoa, kết nối.
Bên cạnh đó, hàng trăm tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh sáng tác về con người các dân tộc thiểu số như: Ê Đê, M’nông, Xê Đăng… với sức sống mãnh liệt, huyền bí, màu sắc đa dạng đoạt được rất nhiều huy chương ở trong và ngoài nước. Sắc thái đặc trưng của dân tộc bản địa như: Ê Đê, M’nông và sắc màu đa dạng của các dân tộc thiểu số cùng sinh sống trên mảnh đất này được thể hiện phong phú và rõ nét trong các tác phẩm của các họa sĩ gạo cội như: Lê Vấn, Trần Thanh Long, Trương Văn Linh, Ngô Tiến Sỹ…; các nghệ sĩ nhiếp ảnh như: Huy Tịnh, Ngô Minh Phương, Bảo Hưng, Hương Vượng, Trần Thị Mùi…
Thông qua hoạt động sáng tạo, các văn nghệ sĩ góp phần tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chú trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa và các giá trị đạo đức tốt đẹp, quảng bá về hình ảnh và con người của vùng đất đến với công chúng yêu văn học nghệ thuật trong vùng và khắp cả nước.
Mặc dù vậy, đề tài của các văn nghệ sĩ đa phần gắn bó sâu sắc với con người, bản sắc văn hóa của vùng, các tác phẩm đều dành phần lớn thời lượng sáng tác về các dân tộc thiểu số bản địa như: Ê Đê, M’nông, Ba Na, Xê Đăng… mà xem nhẹ các dân tộc khác, nếu có sáng tác thì vẫn còn hạn chế, tác phẩm còn mờ nhạt, chưa có chiều sâu, chưa thật sự thâm nhập thực tế.
Bên cạnh đó, tại các tỉnh Tây Nguyên, đời sống tinh thần của bà con dân tộc thiểu số còn rất nghèo nàn, đơn điệu. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân còn khá xa.
Còn ít những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, một số tác phẩm chạy theo thị yếu tầm thường, chất lượng thấp; các tác phẩm văn học nghệ thuật ở các chuyên ngành đa phần được phổ biến trong lực lượng những tầng lớp trí thức ở thành thị; người sáng tạo tác phẩm phổ biến chủ yếu trên các phương tiện truyền thông hiện đại ở các trung tâm thành phố, huyện lỵ chứ chưa phổ biến đến vùng sâu, vùng xa…
Trước những thực tế trên, văn học nghệ thuật phải đặt ra cho mình mục tiêu lớn. Theo nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk thì cùng hệ thống chính trị, văn hóa, văn học nghệ thuật phải nỗ lực khôi phục cái hay, vốn quý của văn hóa dân tộc các dân tộc thiểu số. Về phía người sáng tác phải từng bước đưa họ đi thực tế, điền dã, thu thập thông tin về văn hóa dân gian, tiếp cận nhiều hơn với bà con dân tộc thiểu số tại nhiều địa bàn và có những chương trình thực tế sáng tác dài ngày, cùng ăn, cùng ở với bà con.
Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam khẳng định, người dân tộc thiểu số phải được các cấp, các ngành tạo mọi điều kiện tốt nhất để có các hoạt động dành riêng cho dân tộc mình, tổ chức theo quy mô từ nhỏ đến lớn. Họ sẽ được hỗ trợ về cơ sở vật chất để tự đứng ra tổ chức các lễ hội, buổi cúng tế, hát xướng… phù hợp với nguyện vọng, phong tục, tập quán dân tộc. Điều đó cũng đồng thời tạo nên cơ hội để các văn nghệ sĩ hiểu được sâu rộng hơn nét đẹp văn hóa để có được tư liệu quý giá cho các tác phẩm của mình.
Theo nhạc sĩ Nông Quốc Bình, việc tìm kiếm, phát hiện và đào tạo những người có tài năng văn học nghệ thuật trẻ, nhất là người dân tộc thiểu số phải được đẩy mạnh. Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để họ có được cơ hội sáng tạo nên những tác phẩm về dân tộc mình, mang theo hơi thở cuộc sống, văn hóa và những điều đặc sắc của dân tộc thiểu số đến với công chúng một cách đặc trưng nhất.