back to top
23 C
Hanoi
Wednesday, 4 December, 2024
Trang chủVăn học Nghệ thuậtTác giả100 năm ngày sinh nhạc sỹ Đỗ Nhuận: 'Cây đại thụ' trong...

100 năm ngày sinh nhạc sỹ Đỗ Nhuận: ‘Cây đại thụ’ trong nền âm nhạc Việt Nam

Nhớ đến nhạc sỹ Đỗ Nhuận (1922 - 1991), là công chúng nhớ đến một người nhạc sỹ - chiến sỹ tài năng và dũng cảm với nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, một "tầm vóc vạm vỡ" trong nền âm nhạc Việt Nam.

Ông là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa I và II từ 1958 đến 1983. Ông cũng là một trong 5 người đầu tiên được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Người nhạc sỹ – chiến sỹ tài hoa

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận sinh ngày 10/12/1922 trong một gia đình nông dân ở thôn Vạc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông rời quê từ nhỏ, sống nhiều năm ở thành phố cảng Hải Phòng, nơi cha ông bị bắt phục vụ trong đội quân nhạc với vai trò “lính kèn Tây”. Mặc dù không được học về nhạc nhưng vốn có năng khiếu, lại tự học các nhạc cụ dân tộc như sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, đàn tứ, đàn bầu từ nhỏ nên năm 17 tuổi (năm 1939) tại Hải Dương nhân dịp kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Đỗ Nhuận đã sáng tác ca khúc đầu tiên, bản “Trưng Vương”. Sau đó, lấy cảm hứng từ lịch sử, ông viết các ca khúc “Chim than”, “Lời cha già”, “Đường lên ải Bắc”, là cơ sở để sau này ông soạn vở ca cảnh “Nguyễn Trãi – Phi Khanh” (trong hai năm 1940-1941).

Thời gian đó, nhạc sỹ Đỗ Nhuận được giác ngộ và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1943, do tham gia in và rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng, treo cờ đỏ sao vàng trên phố huyện Kim Thành nên ông bị bắt giam vào nhà lao Hải Dương.

Cuối mùa hè năm 1943, ông bị đưa ra xét xử tại Tòa án sơ thẩm tỉnh Hải Phòng, nhận án 3 năm tù rồi bị giam giữ tại Hỏa Lò. Ở đây, ông được tiếp xúc với những nhà hoạt động cách mạng như Hoàng Văn Thụ, Xuân Thủy, Đỗ Mười. Biết khả năng của ông, mọi người đã đề nghị ông “khuấy động” phong trào văn nghệ để giữ vững khí phách cho anh chị em tù nhân. Vậy là một dàn nhạc được thành lập và ông được coi như là người đứng đầu trong lĩnh vực văn nghệ của nhà tù.

Không chỉ viết nhạc, viết kịch, ông còn cùng anh em tù nhân chế tác nhạc cụ bằng những chất liệu đơn sơ nhất như lấy vỏ quả bầu khô làm thùng đàn măngđôlin, mặt đàn mài từ thùng gỗ thông của hộp đựng cơm, cần đàn đẽo từ cây củi, bàn phím đàn làm từ ống bơ, dây đàn làm từ dây phanh xe đạp và dây điện, xin tóc chị em làm vĩ kéo… Bằng những nhạc cụ tự chế đó, dàn nhạc đã biểu diễn ở khắp các gian tù trong Hỏa Lò với các vở kịch thơ “Chiến sỹ và Hằng Nga” của Vương Gia Khương, “Cô gái Lam Hồng” của Đào Duy Kỳ và ca cảnh “Nguyễn Trãi – Phi Khanh” của Đỗ Nhuận. Tất cả diễn viên đều là tù nhân bị giam ở Hỏa Lò lúc bấy giờ.

Thời gian bị giam ở Hỏa Lò, ông sáng tác một số ca khúc như “Chiều tù”, “Quảng Châu công xã”, “Côn Đảo”… Mùa xuân năm 1944, ông bị Tòa thượng thẩm kết án 3 năm tù và đày đi Nhà tù Sơn La. Trong 3 năm ở Nhà tù Sơn La, nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã sáng tác nhiều bài hát như “Hận Sơn La”, “Viếng mồ tử sỹ”, “Du kích ca”… Hiện nay, ở Nhà tù Sơn La vẫn còn lưu giữ những bút tích của ông.

Một trong những bài hát của nhạc sỹ Đỗ Nhuận được nhiều người hát trong giai đoạn khởi nghĩa giành chính quyền là tác phẩm “Du kích ca”. Theo ghi chép trong hồi ký của nhạc sỹ, bài “Du kích ca” được sáng tác trong khoảng thời gian sau Tết âm lịch năm 1945. Khi ấy, không khí cách mạng từ bên ngoài đã lan vào trong Nhà tù Sơn La, anh em trong tù hồi hộp dõi theo những tin tức cách mạng bên ngoài. Ban ngày mọi người vẫn đi lao động, vào buổi tối, trong các trại, anh em tù cuộn chiếu lại làm súng, vác trên vai, tập đi đều. Lúc này, có một chiến sỹ cách mạng nói chuyện về chiến thuật đánh du kích, nhắc đến khẩu hiệu của du kích là một viên đạn phải hạ được một quân địch, du kích với dân phải như cá với nước… Từ cảm hứng đó, ông đã sáng tác bài hát “Du kích ca”.

Sau khi ra tù, Đỗ Nhuận tiếp tục sáng tác và tuyên truyền cách mạng qua các ca khúc của mình. Trước ngày tổng khởi nghĩa 1945, nhạc sỹ Đỗ Nhuận thường xuyên xuống đường, cùng tham gia hát và hướng dẫn mọi người tập hát đúng nhạc những bài hát cách mạng. Thời gian này, ông được phân công sửa bản in cho báo “Cứu Quốc”, nhiều khi được đồng chí Xuân Thủy phân công đi lấy tin, viết bài ngắn…

Khi cách mạng thành công, Đỗ Nhuận vào Đoàn kịch Anh Vũ, vừa đi biểu diễn vừa tranh thủ tuyên truyền cách mạng cho bà con nhân dân ở nhiều nơi như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương…

Chân dung nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ảnh: thethaovanhoa.vn

“Cây đại thụ” của âm nhạc Việt Nam

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã để lại một “di sản” âm nhạc đồ sộ. Ông sáng tác nhạc ở nhiều thể loại, từ nhạc thiếu nhi, hợp xướng, khí nhạc, ca khúc, nhạc kịch… Có thể kể đến một số tác phẩm nổi tiếng của ông như: “Nhớ chiến khu”, “Đường trường vô Nam”, “Tiếng súng Nam bộ”, “Bé yêu Bác Hồ”, “Ngày Quốc hội”, “Vui mở đường”, “Đường bốn mùa xuân”, “Đoàn lữ nhạc”, “Tình Việt Bắc”, “Lửa rừng”, “Tiếng hát đầu quân”, “Áo mùa đông”, “Đèo bông lau”, “Du kích sông Thao”, “Việt Nam quê hương tôi”… Đặc biệt, 3 bài hát về Điện Biên của ông là “Hành quân xa”, “Trên đường Him Lam”, “Chiến thắng Điện Biên” được giới trong nghề ví như “3 đỉnh núi” âm nhạc về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1960-1962, nhạc sỹ Đỗ Nhuận được đi học tại Nhạc viện Tchaikovsky, sau đó ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng như tổ khúc giao hưởng Điện Biện (năm 1965), giao hưởng thơ Đimitrov (năm 1981)… Ông cũng sáng tác nhiều tác phẩm khí nhạc như “Vũ khúc Tây Nguyên” cho violon và dàn nhạc, khúc biến tấu trên chủ đề dân ca cho flute và piano “Mùa xuân trên rừng”, ba biến tấu cho violon và piano; ngoài ra ông còn viết kịch múa, nhạc nền cho nhiều phim tài liệu, phim truyện…

Đặc biệt, nhạc sỹ Đỗ Nhuận là người đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch (opera) ở Việt Nam. Vở opera đầu tiên của ông là “Cô Sao” (năm 1965) cũng là tác phẩm nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam. Sau đó, ông còn viết nhiều vở nhạc kịch ghi dấu ấn trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam như “Người tạc tượng”, “Nguyễn Trãi”…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, con trai nhạc sỹ Đỗ Nhuận cho biết, là người được đào tạo bài bản từ nước ngoài nhưng nhạc sỹ Đỗ Nhuận kiên định với quan điểm âm nhạc phải lấy từ âm nhạc dân tộc, đi lên từ cuội nguồn dân tộc, bản thân ông đã tự học các loại hình nghệ thuật truyền thống như xẩm, chèo, tuồng, học hầu hết các loại hình nghệ thuật truyền thống để từ đó lấy những chất liệu của văn hóa, của truyền thống dân tộc đưa vào các sáng tác của mình.

Nhạc sỹ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam chia sẻ, nhạc sỹ Đỗ Nhuận là “cây đại thụ” và có những đóng góp lớn lao cho nền âm nhạc Việt Nam. Ông là người có sức sáng tạo rất lớn với nhiều thể loại từ tình ca, nhạc hành khúc, nhạc cách mạng, thậm chí cả nhạc pop như tác phẩm “Đoàn lữ nhạc”. Trong khi Việt Nam còn chưa có khái niệm về opera thì ông đã viết “Cô Sao” và “Người tạc tượng” – hai tác phẩm chuẩn opera nhưng đậm tính dân tộc, “lừng lững” cho đến giờ chưa có tác phẩm nào có thể thay thế.  Ông còn viết nhiều tác phẩm cho nhạc khí như tứ tấu violon, hợp xướng nhạc không lời… Các ca khúc và âm nhạc của nhạc sỹ Đỗ Nhuận gần như một giáo trình âm nhạc để các thế hệ con cháu học tập trong suốt những năm sau này.

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (31/12/1957 – 31/12/2022) và 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận (10/12/1922 – 10/12/2022), Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động tôn vinh nhạc sỹ Đỗ Nhuận – vị Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sỹ Việt Nam (khóa I, khóa II, từ năm 1957 đến năm 1983), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt I (năm 1996). Trong đó, nổi bật là chương trình nghệ thuật “Đỗ Nhuận – Âm thanh cuộc đời” được tổ chức vào 20 giờ ngày 25/12 tại Nhà hát Truyền hình Quốc phòng (Hà Nội). Trong chương trình nghệ thuật này, nhiều câu chuyện đời, chuyện nghề của nhạc sỹ Đỗ Nhuận sẽ được kể lại một cách chân thực, sống động, giúp công chúng yêu nhạc có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của một “người khổng lồ” trong nền âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, tác giả ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” bày tỏ: “Nhạc sỹ Đỗ Nhuận là cây đa, cây đề của nền âm nhạc Việt Nam, các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sỹ Đỗ Nhuận là dịp để thế hệ con cháu như chúng tôi có cơ hội nhìn lại một mạch vệt cống hiến của ông trong cuộc trường chinh cho Tổ quốc này. Ông đã để lại cho các thế hệ sau này những tác phẩm âm nhạc kinh điển, hòa chung với nhịp đập âm nhạc của đất nước, của Tổ quốc”.

“Chúng tôi là những thế hệ con cháu, luôn kính cẩn trước những tượng đài vĩ đại của nền âm nhạc Việt Nam như nhạc sỹ Đỗ Nhuận”, nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn chia sẻ.

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM