Video: Tiến Quân Ca – Văn Cao (Bản thu 1944) – Hợp ca nam nữ Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhạc sĩ Văn Cao, tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923, tại Hải Phòng trong một gia đình viên chức.
Thuở niên thiếu, ông đi học và làm việc ở Hải Phòng. Từ năm 1943, ông tham gia hoạt động Việt Minh, trong đội trừ gian. Thời gian này, ông sáng tác nhiều ca khúc yêu nước, nổi tiếng như “Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc ca”, “Tiếng rừng”… làm phóng viên viết báo, làm thơ, vẽ tranh…
Ông được đánh giá là “Nhạc sĩ có tài”(1), có nhiều đóng góp cho hoạt động âm nhạc, nghệ thuật. Ông tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc, viết cho báo Độc Lập, tham gia Hội Văn Nghệ Việt Nam, Hội nhạc sĩ Việt Nam…
Với những đóng góp của ông trong hoạt động nghệ thuật, đặc biệt trong việc sáng tác bài “Tiến quân ca”, theo Sắc lệnh số 32-SL ngày 25/4/1949, ông đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Huân chương Độc lập hạng Nhất…
Ông mất ngày 10/7/1995 tại Hà Nội.
Quốc ca Việt Nam là bài “Tiến quân ca” do Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, với những giai điệu thiêng liêng, hào hùng. Bài hát ra đời gắn với những ký ức Việt Nam thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám cùng những kỷ niệm khó quên của tác giả.
Theo lời kể lại vào năm 1976 của tác giả về hoàn cảnh ra đời của bài Quốc ca, đó là vào những ngày mùa đông năm 1944, khi cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc đang sục sôi khí thế. Văn Cao gặp Vũ Quý, là một cán bộ Việt Minh, cũng là một người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của Văn Cao. Ông Vũ Quý hỏi như đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng và giao nhiệm vụ đầu tiên cho Văn Cao là sáng tác một bài hát cho quân đội cách mạng.
Văn Cao lúc ấy, chưa biết đến chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ (Hà Nội) theo thói quen đi và cũng chưa gặp các chiến sĩ quân đội cách mạng trong khóa quân chính đầu tiên và không biết họ hát như thế nào… tác giả “đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được…”.
Ông đã trăn trở, tìm kiếm những âm thanh, hình ảnh trong buổi chiều đi dọc các con phố Hà Nội… và ông đã viết được những nét nhạc đầu tiên của bài “Tiến quân ca”. Ông đã chỉnh sửa và hoàn thiện bài hát nhiều ngày sau đó tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội trong những ngày đông ảm đạm, đói, rét, khổ cực.
“Đoàn quân Việt Nam đi,
Chung lòng cứu quốc
Bước chân rộn vang trên đường gập ghềnh xa…”.
“…Nhịp điệu ngân dài của bài hát mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng”(2)… Nhạc sĩ Văn Cao nhớ lại, khi bài hát viết xong, ông Vũ Quý đã rất hài lòng: “Da mặt anh đen sạm. Đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh”(3).
“Tiến quân ca” là bài ca cách mạng, với âm hưởng hào hùng, thôi thúc, cổ vũ tinh thần, nhiệt huyết và lòng yêu nước của bộ đội, nhân dân Việt Nam cùng đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Ngày 17/8/1945, “bài hát Tiến quân ca đã vang lên giữa bầu trời Hà Nội…hàng ngàn giọng hát cất lên, vang theo những đoạn sôi nổi…
Ngày 19/8/1945, một cuộc mít-tinh lớn họp tại quảng trường Nhà hát Lớn. Dàn đồng ca của Thiếu niên Tiền phong hát “Tiến quân ca” chào lá cờ đỏ sao vàng… Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, thét lên tiếng thét căm thù vào bọn đế quốc, và sự hào hùng chiến thắng của cách mạng”.(4)
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, năm 1946, Quốc hội khóa I đã chính thức quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca Việt Nam. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam năm 1946, tại Điều 3, ghi rõ: Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.
Bài Tiến Quân ca “không những chỉ là một bản nhạc hay so với nhiều bài quốc ca của các nước khác mà nó còn có đầy đủ giá trị tiêu biểu, vì nó đã gắn bó tình cảm với nhiều thế hệ nối tiếp nhau trải qua nhiều chặng đường gian nan và vinh quang của lịch sử dân tộc Việt Nam”(5). Bài hát “Tiến quân ca” ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, với cá nhân tác giả và dân tộc Việt Nam.
Nhiều năm trôi qua, bài hát trở thành hành khúc, đồng hành cùng nhân dân Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa và là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam.
Chú thích:
1) Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, ML1, hồ sơ 8, tờ 43.
2) Nguồn: “Ta lại là ta” – NXB Thanh niên 1977, tr27.
3) Nguồn: “Ta lại là ta” – NXB Thanh niên 1977, tr29.
4) Nguồn: “Ta lại là ta” – NXB Thanh niên 1977, tr30,31.
5) Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Ý kiến của Trần Cung ngày 11/5/1981 về Quốc ca, Phông Nhạc sĩ Minh Tâm, hồ sơ 109, tờ 15.
TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA III