“Sống trên đời thì phải có ích cho đời”
Được sáng tác từ mùa xuân năm 1985 nhưng đến hôm nay nghe ca khúc “Khát vọng” vẫn luôn thấy sự tươi mới, hừng hực khí thế và đầy tính thời sự. Thời điểm nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sáng tác ca khúc này đất nước đang ở thời kỳ bao cấp đầy những khó khăn, thử thách và lòng ông cũng bộn bề những suy nghĩ. Một hôm, ông tình cờ đọc bài thơ “Nhờ Đảng, tôi biết được” của nhà thơ Đặng Viết Lợi đăng trên báo Tuổi trẻ, dường như có một điều gì đó trùng với mong muốn bấy lâu nay của ông là phải viết một ca khúc thể hiện được những khát vọng cống hiến, dựng xây quê hương, đất nước với quan niệm “sống trên đời thì phải có ích cho đời”. Không phổ nhạc toàn bộ bài thơ, nhạc sĩ chỉ dùng một số câu, ý của bài thơ để phát triển thành bài hát “Khát vọng”. Do vậy ở phần lời bài hát công bố ghi phỏng thơ Đặng Viết Lợi. Bài hát với nhịp 6/8 thong thả và được đặt trong cấu trúc AB. Trong đó, đoạn A ở âm vực thấp, thể hiện nỗi trăn trở từ lâu đang chất chứa trong lòng. Còn sang đoạn B, giai điệu chợt vút lên như muốn bày tỏ khát vọng, ý nguyện thiết tha mong muốn được cống hiến cho xã hội. Bài hát đã đi vào lòng người nghe mấy chục năm qua giọng ca của các nghệ sĩ, như: Quý Dương, Măng Thị Hội, Hồng Nhung, Cao Minh, Quang Dũng, Trọng Tấn, Minh Thu, Vũ Thắng Lợi…
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn quê gốc ở vùng đất cách mạng huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định – quê hương cố Tổng Bí thư Trường Chinh, tuy nhiên cha mẹ ông sang Căm-pu-chia làm ăn từ năm 1930 và sinh ông tại đó vào năm 1942. Sống tha hương nhưng trong lòng chàng trai Phạm Văn Thành (tên thật của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn) luôn đau đáu về quê hương, đất nước, về con đường cách mạng mà Đảng, đứng đầu là Bác Hồ đã dẫn dắt. Bởi vậy khi mới 18 tuổi, ông đã tìm đường về nước, gia nhập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, làm người lính văn nghệ tiên phong, sôi nổi. Khi hòa bình lập lại, ông theo học lớp Đại học Sáng tác tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, lần lượt giữ các chức vụ Phó Giám đốc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin TP. Hồ Chí Minh (nay là Sở Văn hóa – Thể thao TP. Hồ Chí Minh), Phó Tổng Thư ký (nay là Phó Chủ tịch) Hội Nhạc sĩ Việt Nam…
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn từng thổ lộ: “Lý tưởng của thế hệ chúng tôi là chống giặc ngoại xâm, chấm dứt chiến tranh, xây dựng lại đất nước và bảo vệ biên cương vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi nghĩ mục tiêu hiện nay là làm thế nào để dân giàu, nước mạnh. Do đó mỗi thanh niên phải dựa vào hoàn cảnh của mình để đưa ra những mục tiêu cụ thể cho mình, vì đất nước và phải nhớ đến công ơn những đấng sinh thành, cho dù xã hội phát triển đến đâu cũng vẫn phải nhớ đến những truyền thống tốt đẹp của dân tộc”. Như vậy có thể nói, cuộc đời ông luôn theo đuổi một lý tưởng, một khát vọng lớn lao là được cống hiến cho đất nước bằng tất cả tài năng, trí tuệ và lòng nhiệt huyết, như những ca từ mà ông trải lòng trong bài hát “Khát vọng” nổi tiếng của mình.
Khắc họa nỗi đau bằng âm nhạc
Là người sinh ra và lớn lên trong hòa bình, tôi cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh qua các ca khúc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Dịp 22-12 năm ngoái, tôi được gặp ông trong chương trình nghệ thuật “Bài ca không quên”, chương trình hòa nhạc thường niên suốt 6 năm qua của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Cùng với một số ca khúc đi cùng năm tháng khác, như: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Lên ngàn”, “Du kích sông Thao”…, ca khúc “Bài ca không quên” của ông được vang lên trang trọng, hào sảng trong ngôn ngữ giao hưởng. Người nhạc sĩ với mái đầu bạc trắng chăm chú lắng nghe từng tiết mục và đến cuối chương trình, khi “Bài ca không quên” vang lên, ông đã không cầm được nước mắt. Bởi với ông, “Bài ca không quên” như một cuốn nhật ký bằng âm nhạc ghi lại những năm tháng hào hùng của ông và đồng đội. Ca từ và giai điệu như một lời tự sự, tự vấn, tự trách mình, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người về một thời kỳ gian khó mà chúng ta không được phép lãng quên. Cùng với nỗi đau chung của một dân tộc đã trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc còn có nỗi đau riêng, đó là việc người con gái đầu lòng mới 6 tháng tuổi của ông đã buộc phải rời xa sự sống để cứu 19 chiến sĩ tại khu vực giáp ranh với Tây Ninh…
Nếu như với “Bài ca không quên” nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn không mất quá nhiều thời gian để hoàn thành thì ca khúc “Đất nước” đã “ngốn” của ông hẳn một năm trời. Mặc dù đồng cảm với lời thơ tình cảm, hùng tráng, ngôn ngữ dịu dàng, đằm thắm rất… Việt Nam từ bài thơ “Đất nước tôi” của nhà thơ Tạ Hữu Yên, thế nhưng khi bắt tay vào phổ nhạc, ông không thể chuyển tải ngay điều đó vào trong khuông nhạc. Phải mất một năm “nâng lên đặt xuống” ông mới cảm thấy ưng ý với bản nhạc của mình. Hình ảnh người mẹ Việt Nam lồng trong dáng hình đất nước được ông đưa vào khuông nhạc một cách uyển chuyển qua các chi tiết: “giọt đàn bầu”, “giọng ca dao”, “lũy tre làng”, “bãi dâu”, “bến nước”, “câu hò”, “tiếng sáo”… Đặc biệt với lời ca “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về mình mẹ lặng im…”, ông đã khắc họa nên sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ Việt Nam từ trong ca dao đến đời thực.
Gần đây, khi TP. Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đâu đó trên khắp dải đất hình chữ S ca khúc “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (phổ thơ Nguyễn Nhật Ánh) lại vang lên như xoa dịu nỗi đau quá đỗi lớn lao này. Ca sĩ Cẩm Vân là một trong những người thể hiện đầu tiên ca khúc này. Trong những ngày TP. Hồ Chí Minh liên tiếp có số ca nhiễm COVID-19 đạt đỉnh, chị đã dũng cảm vào tận sân của bệnh viện dã chiến để cất cao lời ca tiếng hát. Thật xúc động khi nghe chị chia sẻ: “Đây là ca khúc mà nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn gửi cho cô ca sĩ Cẩm Vân rất trẻ của ngày ấy. Hôm nay “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” quay trở lại ở một khung cảnh khác, một hoàn cảnh khác, ở một trạng thái bớt trẻ hơn. Xin một lần nữa được gửi lời tri ơn đến các đội ngũ y, bác sĩ và các tình nguyện viên tuyến đầu đang miệt mài giữ cho hơi thở bệnh nhân và hơi thở của thành phố mang tên Bác hôm nay. Lúc hát, bất chợt tôi nghẹn lời khi nhớ ra rằng hơi thở của thành phố này đã và đang rất yếu, đang tranh đấu khốc liệt từng ngày, từng giờ với đại dịch…”.
Phải giữ cho được cốt cách và nền tảng văn hóa dân tộc
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn thường tự bạch rằng, tính cách của mình gần với bà con Nam Bộ hơn nhưng chất Bắc lại ngấm vào máu. “Cái sâu lắng, cái khúc chiết, cái cẩn thận thì chất Bắc ở tôi nhiều, kể cả vốn văn hóa, văn học tích lũy được. Những làn điệu dân ca miền Bắc cùng những áng thơ văn, ngôn ngữ, tư duy thấm đẫm khiến tôi có phần gần với chất sĩ phu Bắc Hà hơn”. Ngoài ca khúc, ông còn viết khí nhạc, nhạc phim, nhạc cho kịch nói và cải lương. Nhưng dù sáng tác ở thể loại nào, ông cũng quan niệm phải làm sao có được phong cách mới mẻ, nói được tâm thế của con người hôm nay nhưng cũng phải giữ được cốt cách và nền tảng văn hóa dân tộc. Vì lẽ đó, ông luôn lấy dân ca làm nền tảng cơ bản rồi từ đó khám phá, vận dụng và tiếp tục sáng tạo, chắt lọc từ cuộc sống đương đại để tạo nên những tác phẩm mang chất Phạm Minh Tuấn, không lẫn với bất cứ nhạc sĩ nào.
Trong không khí Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 vừa qua, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã sáng tác ca khúc “O hát Xa khơi” để tưởng nhớ ca sĩ Tân Nhân (1932-2008). Dù bài hát ghi chú “Kính dâng hương hồn Nghệ sĩ Ưu tú Tân Nhân” nhưng ai cũng hiểu những tình cảm của ông không chỉ dành riêng cho nữ ca sĩ đã trình bày rất thành công ca khúc “Xa khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ mà còn tri ân những nghệ sĩ cách mạng đã đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tiếng hát “Xa khơi” của nữ ca sĩ Tân Nhân đã động viên tinh thần cho cả tiền tuyến lẫn hậu phương trong suốt những tháng năm bom đạn, bởi thế ông đã viết: “Nơi trận chiến pháo gầm như hổ đói/ Nằm ém quân chờ tín hiệu vượt sông sâu/ Trên biên giới vực sâu dốc đứng, sốt rét rừng tóc rụng vàng da/ Nơi hậu tuyến xóm làng đang bỏng cháy, lòng bỗng thương thầm nhớ lại điệu ru con/ Ta đi tới đường khuya bụng đói, thèm miếng đường khúc sắn bát cơm ngô/ Ta đi tới đường quanh lạc lối, chân cắt rừng mắt mỏi đón sao mai/ Quê hương rực nắng, hướng về Nam, o hát Xa khơi”. Ca khúc “O hát Xa khơi” không phải tác phẩm đầu tiên mà ông sáng tác để ca ngợi những nghệ sĩ dấn thân vì non sông thống nhất. Trước đây, ông từng sáng tác ca khúc “Tiếng hát cuộc đời vẫn bay trên cao” dựa theo lời thơ Viễn Phương để tặng Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương (1920-1987).
Hiện nay khi ở tuổi 80 nhưng nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn vẫn sáng tác, vẫn “chơi” Facebook để kết nối với bạn bè, người hâm mộ nhưng ông ít công bố tác phẩm. Bởi lẽ, ông đặt ra đòi hỏi khá khắt khe cho chính mình: “Âm nhạc đến với chúng ta từ lúc chào đời qua lời ru của mẹ và tiễn đưa chúng ta đến thế giới bên kia. Như vậy, trọn cuộc đời mỗi chúng ta không thể nào thiếu vắng âm nhạc. Âm nhạc tự nguyện đến với chúng ta và chúng ta cũng vô tư đến với chúng. Bài hát nào hay sẽ còn mãi, cái nào dở sẽ bị cuộc sống lãng quên. Dù cuộc sống của một viên chức về hưu chẳng dư giả gì, song thời điểm này, những ca khúc của tôi có tung ra thì nó cũng lẫn vào đâu đó, mặc dù tôi tự tin khẳng định rằng chúng khá hay. Tôi sẽ đợi cho đến khi chúng được yêu thích thật sự. Chính vì thế, gần 20 ca khúc tôi sáng tác trong thời gian gần đây cũng đang… nằm trong tủ”. Rồi ông lại tâm sự: “Tôi cũng trăn trở nhiều lắm. Làm sao có được bút pháp mới phục vụ cho cuộc sống hôm nay, nói được tâm thế người Việt Nam thời hội nhập. Tôi vẫn đang tìm tòi, khi nào cảm thấy hài lòng, sẽ giới thiệu rộng rãi cho mọi người!”.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn thường phổ thơ của người khác. Điều này nếu người không hiểu sẽ nghĩ là dễ dàng. Thực ra phổ thơ không hề đơn giản. Ông lý giải về bí quyết phổ thơ: “Trước hết, phải cảm nhận trọn vẹn bài thơ nhưng không để âm nhạc chạy theo thơ mà hướng cho thơ đồng hành với thủ pháp âm nhạc. Sau đó, dựa vào thơ, nâng thơ lên, phát triển ý thơ để thành bài hát hoàn chỉnh. Để một bài thơ chuyển thành một bài hát cần có ba yếu tố quyết định. Thứ nhất là bài thơ gắn với cuộc sống, thứ hai là bài thơ có âm điệu và thứ ba là bài thơ phải phù hợp với phong cách âm nhạc của nhạc sĩ. Nếu không, rất dễ giống như hát thơ vậy”.
Trong những ngày cuối năm 2021, một tin vui đã đến khi nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là một trong 5 nhạc sĩ được Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho cụm 5 tác phẩm công-xéc-tô cho pi-a-nô và dàn nhạc giao hưởng gồm “Bất khuất”, “Nữ tự vệ Sài Gòn” (thơ Lê Anh Xuân – Phạm Minh Tuấn), rô-măng “Khoảng lặng”, ba-lát “Đất trắng”, “Mùa xuân” (phỏng thơ Ê-lê-na Si-rơ-man). Nhưng với người nhạc sĩ lão thành, người đảng viên 57 năm tuổi đảng này thì giải thưởng lớn hơn, vinh dự hơn, tự hào hơn là những ca khúc của mình được công chúng biết đến, yêu thích và vang vọng trong những ngày kỷ niệm quan trọng của đất nước. Đó chính là giải thưởng mà không phải nhạc sĩ nào cũng có được.