back to top
25 C
Hanoi
Thursday, 12 September, 2024
Trang chủTin Văn hóaĐời sống văn nghệ sĩCảm ơn anh, người đóng vai Bác Hồ thành công nhất!

Cảm ơn anh, người đóng vai Bác Hồ thành công nhất!

Sáng sớm 10.2, tin NSƯT Tiến Hợi rời cõi tạm khiến cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và công chúng rất đỗi bất ngờ, xót thương. Những câu chuyện, ký ức của người ở lại về một nghệ sĩ giản dị mà gần gũi, ấm áp cứ thế quay về, để nhớ tràn tiếc nuối

Nói về NSƯT Tiến Hợi, công chúng nhớ đến vai Nguyễn Tất Thành trong bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn. Đây là tác phẩm điện ảnh đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh và NSƯT Tiến Hợi khi ấy thể hiện vai Bác Hồ thời trẻ. Ngoài ra, anh còn tham gia nhiều phim điện ảnh, truyền hình khác, như: Hà Nội mùa đông năm 46, Hoa ban trắng, Hoa ban đỏ, Dãy bàn 4 người, Cảnh sát hình sự, Bi kịch chưa đặt tên… Mỗi vở kịch, bộ phim có sự tham gia của nghệ sĩ Tiến Hợi đều để lại trong lòng công chúng nhiều dấu ấn khó quên.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể, khi làm phim điện ảnh Hà Nội mùa đông năm 46: “Hôm quay cảnh đầu tiên có anh Tiến Hợi trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi hô tắt máy, thì bỗng nổi lên tiếng vỗ tay rào rào. Tôi quay lại, thấy cả đoàn phim ai nấy đều hân hoan, thì ra ai nấy đều hồi hộp theo dõi việc chọn người đóng vai Bác Hồ. Đó là những tràng vỗ tay đầu tiên dành cho bộ phim, nó làm tôi thấy vững tâm. Đúng là số trời đã định: Vai Hồ Chủ tịch phải do Tiến Hợi đảm nhiệm. Không thể là ai khác!”.

NSƯT Tiến Hợi luôn ấm áp trong tâm trí bạn bè, đồng nghiệp (người ngoài cùng bên trái là vợ anh, nghệ sĩ hóa trang Vương Đạm Thủy).

NSƯT Tiến Hợi đã có hơn 40 lần đóng vai Bác Hồ trong các vở kịch, phim điện ảnh, phim truyền hình và rất nhiều lần khác vào vai Bác trong những chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm. Không chỉ có ngoại hình gần với Hồ Chủ tịch, nghệ sĩ còn sở hữu giọng nói truyền cảm, đúng chất làng Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An). Bản thân anh từng tâm sự: “Đến bây giờ tôi vẫn luôn thấy, không chỉ sự nghiệp mà ngay cả với cuộc đời tôi, vai diễn Bác Hồ chính là một cái duyên son sắt!”.

Nghẹn ngào nghe tin NSƯT Tiến Hợi ra đi, NSND Thu Hà, người từng vào vai Út Vân, bạn gái của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trong Hẹn gặp lại Sài Gòn, viết: “Vĩnh biệt chú! Người đồng chí, đồng nghiệp, người chú thân yêu của cháu! Mùng 8 Tết cháu đi lễ tại Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh non thiêng Ba Vì, chẳng hiểu sao khi lễ hình ảnh chú trong bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn cứ hiện ra… Sớm nay không thể tin, không muốn tin là chú đã mãi xa…”.

Trong ký ức của NSND Thu Hà, NSƯT Tiến Hợi luôn là một nghệ sĩ hiền hậu, gần gũi, nhiệt huyết với nghề. “Tôi may mắn có những năm tháng được làm việc với nghệ sĩ Tiến Hợi, từ những ngày tại đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 đến thời gian tại Nhà hát Kịch Hà Nội, cùng gắn bó với gia đình thân yêu của chú. Những kỷ niệm về NSƯT Tiến Hợi luôn ấm áp và không thể nào quên. Tôi còn nhớ mãi cơ duyên được đóng cùng với nghệ sĩ trong các vở kịch, bộ phim. NSƯT Tiến Hợi đảm nhận các vai diễn Bác Hồ ở nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của Người, vai diễn nào cũng để lại thật nhiều cảm xúc”, NSND Thu Hà chia sẻ.

NSND Thu Hà nhớ mãi hình ảnh Bác Hồ do NSƯT Tiến Hợi thể hiện đã tác động rất lớn đến người xem: “Thời kỳ chiến tranh, người chiến sĩ cũng không thể ngờ rằng giữa bom đạn, núi rừng heo hút, đến ánh điện cũng không lại có ánh sáng tuyệt vời từ hình tượng Bác Hồ, được truyền tải thông qua diễn xuất tuyệt vời của NSƯT Tiến Hợi”.

Nhớ lại kỷ niệm cùng nghệ sĩ Tiến Hợi tham gia bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, Thu Hà xúc động: “Có cơ duyên được chọn, hai chú cháu lên đường đi đóng phim. Tôi chứng kiến nghệ sĩ Tiến Hợi cố gắng rất nhiều để đóng thành công vai Bác Hồ thời trẻ tuổi. Từ chế độ ăn uống, tập luyện đến việc xem phim tư liệu liên quan đến hình tượng của Người. Người nghệ sĩ ấy không chỉ có tài năng mà còn là tâm huyết và sự cố gắng, không chấp nhận dừng lại”.

NSƯT Tiến Hợi hóa trang vai Bác Hồ.

Hình ảnh nhớ mãi trong bạn bè, đồng nghiệp của NSƯT Tiến Hợi luôn là sự nhân hậu và ấm áp. “Chúng tôi vẫn nói, có lẽ “gia tài” lớn của ông là những lần xuất hiện trong hình tượng Bác Hồ và bè bạn. Ngay tại Nhà hát Kịch Hà Nội, nghệ sĩ Tiến Hợi cũng có được tình cảm đặc biệt của các thế hệ nghệ sĩ, kể cả các nghệ sĩ cùng thời và các lớp nghệ sĩ trẻ sau này…”, NSND Thu Hà nghẹn ngào.

NSƯT Lê Chức viết: “Đau và tiếc nuối!” khi nghe tin NSƯT Tiến Hợi đi về nơi xa ngái. Ông chia sẻ: “Dù cách nhau 12 năm tuổi nhưng chúng tôi luôn đồng quan điểm về nghệ thuật, về sức sáng tạo cũng như sự cống hiến. NSƯT Tiến Hợi và tôi thường nhận những vai chính diện, là cán bộ, quân đội, sĩ quan công an. Đặc biệt, nghệ sĩ Tiến Hợi có một thiên năng trời phú, đó là năng lực đặc biệt để thể hiện thành công hình tượng Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Vào quãng 1946, chúng ta có nhiều nghệ sĩ thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu nhưng dường như giai đoạn trước 1954, hoặc sau 1954, nhắc đến những vai diễn về Bác là chúng ta lại nhớ đến Tiến Hợi…”.

Nghệ sĩ Lê Chức kể lại kỷ niệm trong chuyến biểu diễn xuyên Việt – Chương trình nghệ thuật đặc biệt về hình tượng nghệ thuật Bác Hồ trên sân khấu, năm 1992: “Trong 5 trích đoạn có một trích đoạn dành cho Tiến Hợi. Ở chuỗi chương trình đó, tôi luôn thấy Tiến Hợi có thái độ rất trân trọng, hết mình với công việc. Với mỗi lần diễn xuất, phim ảnh, chương trình nghệ thuật…, nghệ sĩ Tiến Hợi đều khiến bạn bè, đồng nghiệp nể phục, không chỉ bởi những yếu tố tự thân mà còn là tài năng và sự cố gắng để đi đến gần nhất với những giá trị bất biến trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những vai diễn mà anh thể hiện”.

Trong tâm trí của NSƯT Lê Chức, nhớ về Tiến Hợi là nhớ về nụ cười ấm áp, hiền hậu, nụ cười gần như sự chấp nhận, không đặt điều gì phiền lụy quá nhiều. “Có lẽ, đó cũng là tố chất để NSƯT Tiến Hợi đến với các hình tượng nhân vật chính diện, đặc biệt là các vai diễn về Bác Hồ. Chúng tôi không bao giờ có thể quên được anh, con người dễ gần, dễ hợp với mọi hoàn cảnh, cả lạ lẫn quen”. n

NSƯT Tiến Hợi tên thật là Nguyễn Tiến Hợi, sinh năm 1959, quê cha ở Nghệ An, quê mẹ ở Hà Nội. Ông ra đi vào hồi 04h00 ngày 10.2.2022 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Nhâm Dần), hưởng thọ 64 tuổi.

Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng nghệ sĩ được tổ chức vào hồi 17h00 ngày 11.2.2022 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 18h30 ngày 11.2.2022. Hỏa táng tại Đài Hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Hà Nội).

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM