back to top
25 C
Hanoi
Thursday, 12 September, 2024
Trang chủSự kiện & Hoạt độngHoạt động các HộiBảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian là giữ gìn bản...

Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian là giữ gìn bản sắc dân tộc

Là một thành viên của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam có gần 1.500 hội viên. Những năm qua, riêng trong lĩnh vực nghiên cứu, Hội đã có hàng nghìn công trình, sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép ở nhiều bộ môn, lĩnh vực như văn học, âm nhạc, phong tục tập quán, tín ngưỡng…

Trong lĩnh vực hoạt động, phục dựng, bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian, hội viên Hội Văn nghệ dân gian cả nước cùng thể hiện tốt vai trò hạt nhân, nghệ nhân, người truyền dạy và thực hành. Việt Nam là đất nước đa dạng về dân tộc, sắc tộc; mỗi vùng, miền đều có bản sắc riêng, di sản văn hóa, văn nghệ dân gian còn được lưu giữ rất lớn. Hội đã có nhiều công trình góp phần thiết thực xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, phát triển văn hóa, du lịch ở các địa phương.

Ðảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách coi trọng văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống. Có thể kể tới  Kết luận 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Mới đây, Ðại hội XIII của Ðảng cũng xác định rõ, xây dựng, phát triển văn hóa, con người tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hai năm qua, do dịch Covid-19 diễn biến bất thường và kéo dài dẫn đến phải hủy bỏ nhiều lễ hội cũng như hoạt động thu hút đông người. Ðiều này có ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của nhân dân nói chung và hội viên Hội Văn nghệ dân gian nói riêng. Hội cũng có những khó khăn về lực lượng bổ sung và kinh phí đầu tư, đào tạo. Phần lớn hội viên đều là người cao tuổi. Nhiều người không có chuyên môn. Việc nghiên cứu, khảo cứu, sưu tầm nặng về kinh nghiệm, nghĩ sao làm vậy, không tránh khỏi sai sót, hạn chế.

Chúng tôi mong muốn trong tương lai Ðảng, Nhà nước có những chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ hội viên nghiên cứu và thực hành; chế độ, đãi ngộ đối với Nghệ nhân dân gian; đưa nội dung văn nghệ dân gian vào chương trình học tập của học sinh để nuôi dưỡng tình yêu của thế hệ trẻ đối với văn hóa, văn nghệ của cha ông. Như các tỉnh Bắc Ninh có quan họ, Phú Thọ với hát xoan… đã được đưa vào chương trình giảng dạy bậc tiểu học và trung học cơ sở.

Cũng phải nói thêm rằng, khi được đầu tư, quan tâm đúng mức, văn nghệ dân gian cũng góp phần làm phong phú thêm cho văn hóa địa phương, thúc đẩy du lịch, dịch vụ. Nhiều chi hội văn nghệ dân gian không chỉ đóng góp trong công tác sưu tầm, nghiên cứu mà còn phối hợp với địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Từ năm 2001 đến nay có 659 hội viên được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian là ghi nhận xứng đáng của Ðảng, Nhà nước đối với Hội.

Nguyễn Thị Hẹn (Hội Văn nghệ dân gian quận Long Biên, thành phố Hà Nội)

BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
- Liên kết -
Đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

Bài mới đăng

CHỦ ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM