Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong việc tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ; chỉ đạo, định hướng các hoạt động văn học nghệ thuật. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách đối với văn nghệ sỹ. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng, làm công tác đối ngoại cho Đảng trên mặt trận văn học nghệ thuật; trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình, chống tự suy thoái, tự diễn biến trong đời sống xã hội.
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ chính trị của các hội văn học nghệ thuật càng trở nên phức tạp, nặng nề, nóng bỏng hơn bởi có nhiều vấn đề mới nảy sinh do tác động của cơ chế thị trường và mạng internet. Đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, mỗi sáng tạo của cá nhân có ảnh hưởng lớn đến xã hội, có khả năng định hướng, dẫn dắt công chúng trong đời sống tinh thần. Vì vậy, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện những quan điểm đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương.
Chỉ đạo về việc chuẩn bị, tổ chức Đại hội các hội văn học, nghệ thuật và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định: Đây là dịp để tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa, tinh thần của xã hội và vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, khi lựa chọn đội ngũ lãnh đạo của Liên hiệp cần thận trọng để lựa chọn được những người có đạo đức, bản lĩnh chính trị, đảm bảo những nguyên tắc của Đảng, có kinh nghiệm, uy tín nghề nghiệp.
Đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận những ý kiến trao đổi, chia sẻ, những tâm tư, nguyện vọng của đại diện các hội và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Những nội dung này sẽ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, tham khảo để xây dựng các chủ trương, chính sách phù hợp liên quan đến hoạt động của các hội, Liên hiệp các Hội.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo các hội trực thuộc đã trao đổi về những thuận lợi, khó khăn, những thách thức đang đặt ra trong quá trình xây dựng, phát triển và hoạt động của các Hội.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, cho biết: Liên hiệp được Ban Bí thư giao là đầu mối tập hợp 10 hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương và 63 hội văn học nghệ thuật địa phương. Hàng năm, văn nghệ sĩ cả nước đã sáng tác hàng vạn tác phẩm văn học, nghệ thuật, góp phần tạo dựng nền văn nghệ cách mạng của thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, hiện nay, kinh phí của Liên hiệp và 10 hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương được cấp hàng năm quá thấp.
Ngoài ra, Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí sáng tạo nghệ thuật theo các chủ đề được Đảng, Nhà nước định hướng. Cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật có nhiều người là Giáo sư, Tiến sĩ, gắn bó cả đời với văn học, nghệ thuật nhưng chế độ đãi ngộ như lương, nhuật bút… còn thấp.
Từ thực tế hoạt động, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề xuất Bộ Chính trị xác định các hội văn học nghệ thuật là tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp, do Đảng lãnh đạo và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đối với Quốc hội, thông qua các kỳ họp cần nhấn mạnh vai trò xây dựng văn hóa, xây dựng con người trong hoạt động kinh tế – xã hội.
Đồng thời, Liên hiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương cụ thể hóa các cơ chế, chính sách về văn hóa nghệ thuật đã được Thủ tướng phê duyệt; tiếp tục hỗ trợ sáng tạo cho văn nghệ sĩ giai đoạn 2021-2025 để khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập hiện nay.